Trong khuôn khổ LHP Việt Nam XVI, Hội thảo quốc tế “Xây dựng dự án và huy động vốn sản xuất phim” tổ chức ngày 10.12, đã ghi nhận rất nhiều ý kiến bàn bạc, thảo luận xung quanh vấn đề này của đông đảo giới làm phim Việt Nam. Tham gia hội thảo còn có đoàn đại biểu điện ảnh của các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Lào, Campuchia.
Ít tiền: phim ít, chất lượng không cao
Ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu thực tế, trước nay phim Việt Nam chỉ do Nhà nước cấp vốn sản xuất, những năm gần đây thì có nhiều hãng phim tư nhân ra đời, điều này làm cho nền điện ảnh nước ta có thêm màu sắc mới, tuy nhiên, thực sự mà nói thì lượng phim sản xuất hằng năm của nước ta quá ít ỏi, chỉ từ 10-15 bộ phim (điện ảnh) nhưng một nửa trong số này là vốn từ ngân sách nhà nước, số còn lại do tư nhân bỏ ra chứ chúng ta chưa huy động được các nguồn vốn từ bên ngoài, điều này làm hạn chế sự phát triển điện ảnh Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn, TS. Ngô Phương Lan, Trưởng phòng Nghệ thuật Cục Điện ảnh cho rằng, nền điện ảnh được coi là phát triển phải sản xuất được nhiều phim, điện ảnh Việt Nam quen sống trong bao cấp nên việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Các hãng phim tư nhân thì quen với việc huy động tiền để làm phim, nhưng cũng là cách huy động tự phát, chủ yếu để làm ra những bộ phim giải trí mà tính nghệ thuật chưa cao lắm.
Theo bà Ngô Thị Bích Hiền, Đại diện Cty BHD, hiện nay các nhà làm phim tư nhân có hai mối trăn trở: đó là kinh phí thì hạn hẹp và kịch bản phim của Việt Nam cũng quá “cạn”, vì thế họ buộc phải tìm kịch bản nước ngoài để sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu công chúng. Bà Hiền kiến nghị Nhà nước nên có sự hỗ trợ để phim tư nhân ra chiếu rạp và gần gũi công chúng hơn.
Muốn huy động được vốn phải xây dựng kịch bản tốt
Theo quan điểm của ông Sâm Thương, Giám đốc Senafilm thì muốn huy động được vốn trước hết phải tìm được đối tác đang có nhu cầu quảng bá bằng nghệ thuật điện ảnh, những đối tượng muốn tham gia đóng góp xây dựng tác phẩm điện ảnh, sau đó phải có đề cương kịch bản tốt, có nội dung tư tưởng sâu sắc, phản ánh khéo léo những yêu cầu mà đối tác đầu tư đang cần.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh cũng cho rằng muốn huy động được vốn trước hết phải có kịch bản tốt, xây dựng được dự án phù hợp với “form” của quốc tế, bởi nhà tài trợ nhìn kịch bản có “chất” thì họ mới đầu tư. Chẳng hạn, phim chiếu Tết thì yếu tố vui tươi phải đưa lên hàng đầu, tiếp đến là các tiêu chuẩn khác như hấp dẫn, gần gũi...
Đại diện Bộ Tài chính cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng để huy động vốn thì phải có đề tài hay, kịch bản giàu tính nhân văn, xác định hiệu quả kinh tế xã hội... Trong khi hiện nay hầu hết kịch bản Việt Nam chất lượng chưa cao nên nhà đầu tư cũng ngại cấp vốn, nội dung phim hạn chế nên việc huy động vốn cũng bị giới hạn.
Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, để huy động được vốn đòi hỏi phải có đề tài hấp dẫn, độc đáo, cách trình bày kịch bản khoa học, hồ sơ dự án hay, có tính thuyết phục thì dễ nhận được tài trợ. Ông dự đoán rằng nếu làm tốt thì trong tương lai không xa điện ảnh Việt Nam sẽ hướng tới việc không còn hãng phim nhà nước nữa mà sẽ là sân chơi công bằng cho các nhà làm phim tư nhân.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng cho rằng để dễ thu hút đầu tư thì kịch bản phải hay, ấn tượng. Cái hay theo đạo diễn không có nghĩa là mô phỏng lối sống phương Tây, của đất nước và con người họ (nếu muốn tìm nhà tài trợ từ nguồn này) nhưng nó phải mang đậm bản sắc của một đất nước, một địa phương cụ thể nào đó, như của ta thì phim phải thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Lâu nay chúng ta quen viết kịch bản như một truyện tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện xưa đậm chất văn học, tưởng tượng... Cách viết này không hợp với thông lệ quốc tế nên chưa được đón nhận. Kịch bản điện ảnh phải như bản vẽ cho một tòa nhà, viết cho chuyên viên điện ảnh đọc, khi phim quay xong thì kịch bản cũng không còn tác dụng, nó như một công cụ hỗ trợ việc làm phim, có như vậy mới dễ lọt vào “mắt xanh” các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà làm phim quốc tế nói gì?
Ông Frank Romer Pieson, cựu Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoa Kỳ: Việt Nam nên đào tạo cho nhà sản xuất phim có thể thích ứng với việc làm phim mới. Vấn đề ở đây không phải là kỹ thuật viết kịch bản mà là nội dung kịch bản đó phải nói lên điều gì, vấn đề tác giả muốn nói thì mọi người đều có thể hiểu được vì ngôn ngữ điện ảnh là ngôn ngữ chung. Tôi chưa có thời gian tìm hiểu sâu nền điện ảnh của Việt Nam nhưng ấn tượng về những bộ phim tôi từng xem là hình ảnh đẹp, để lại nhiều cảm xúc. Tôi nghĩ rằng Nhà nước nên tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ tiếp xúc với các nền điện ảnh phát triển trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm.
|
Bà Ellen Maria Harington, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Viện Hàn lâm Khoa học điện ảnh Hoa Kỳ; Tài chính là vấn đề sống còn trong việc phát triển điện ảnh, không thể chỉ dựa vào Nhà nước mà không chủ động kêu gọi đầu tư. Ở Mỹ không có ngân sách nào để tài trợ cho làm phim cả nhưng các nhà điện ảnh vẫn phát triển được. Tôi nghĩ Việt Nam nên mở rộng thị trường, hướng đến nhu cầu khán giả trong và ngoài nước. Tôi sang Việt Nam nhiều lần thấy nhu cầu giải trí của các bạn ngày càng phát triển, mỗi dịp Tết như một ngày hội của điện ảnh vì phim chiếu vào thời điểm này rất dễ thu hồi vốn, đó là điều đáng mừng nhưng chưa đủ, phải làm sao mở rộng cơ hội quanh năm, khuyến khích khán giả đến rạp nhiều hơn nữa. Phải làm sao để việc sản xuất phim thành kênh kinh doanh kiếm lời chứ không chỉ phục vụ cho việc tuyên truyền hay giải trí thuần túy.
|
Ông Li Quan Kuan, Chủ tịch Hội Điện ảnh Trung Quốc: Làm điện ảnh là làm văn hóa, thông qua điện ảnh có thể quảng bá được hình ảnh và văn hóa, đồng thời phát triển kinh tế. Sắp tới đây Trung Quốc và Việt Nam sẽ bàn bạc về các hướng hợp tác nhằm phát triển nền điện ảnh cho hai nước. |
Thùy Trang-Vanhoa0