Liên hoan Tiếng hát truyền hình giải Sao Mai đã từng là bệ phóng rất tốt cho nhiều ca sĩ trẻ trong sự nghiệp ca hát. Cũng không ít ca sĩ trẻ nuôi kỳ vọng sẽ trở thành "sao" qua cuộc thi Liên hoan Tiếng hát truyền hình giải Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn. Nhưng có một thực tế khác "hậu" Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn - những vấn đề mà công chúng đang rất quan tâm.
Ðiều dễ thấy nhất và cũng là lẽ đương nhiên của mọi cuộc thi là bên cạnh những ca sĩ thật sự tài năng (có tố chất, có giọng hát hay, kỹ thuật điêu luyện, xử lý tinh tế, biết chọn bài vở khoe được giọng hát và phù hợp với cuộc thi...), thì có nhiều người do không hội tụ được những yếu tố trên đành phải ngậm ngùi lùi dần, lùi xa giấc mơ trở thành "sao". Vấn đề ở chỗ, nếu theo dõi kỹ từ các vòng loại cho đến kết thúc cuộc thi, có những thí sinh (khá xuất sắc), trong cuộc thi chỉ nhỉnh hơn nhau đôi chút, nhưng sự ưu ái của ban giám khảo đôi khi đã khiến người này được vào thi tiếp mà người kia phải ngậm ngùi ở lại. Người thi và công chúng theo dõi cuộc thi đồng thời rất quan tâm đến thành phần ban giám khảo. Tại giải Sao Mai 2009 năm nay đang diễn ra, công chúng đã thấy có sự khác nhau khá rõ giữa ý kiến đánh giá của các nhà chuyên môn với tư cách là khách mời của cuộc thi và kết quả chấm điểm của ban giám khảo ở một số trường hợp, nhất là tại vòng chung kết khu vực phía bắc.
Ðáng mừng tại vòng chung kết khu vực miền trung và phía nam, khiếm khuyết trên đã được khắc phục. Ðánh giá của ban giám khảo và những nhận xét của các nhà chuyên môn đã khá sát nhau. Ðiều đó là hoàn toàn cần thiết và phù hợp bởi những lời nhận xét chính xác, khách quan, sâu sắc của các vị khách mời cũng như kết quả chấm của ban giám khảo phải là chuẩn mực để làm định hướng thị hiếu âm nhạc đúng đắn cho công chúng. Với giải Sao Mai (có một lượng công chúng quá lớn như hiện nay), điều đó rất có ý nghĩa. Ðiều quan trọng nhất mà các thí sinh và công chúng quan tâm là tính khách quan, chính xác và hoàn toàn vô tư của các nhà cầm cân nảy mực để bảo đảm không bị nhầm ai và không bị thiệt cho ai trong một cuộc thi lớn.
Theo dõi vòng chung kết cuộc thi ở cả ba khu vực bắc - trung - nam, thấy có sự chênh lệch nhau khá rõ ở thí sinh của ba khu vực. Khu vực phía bắc các thí sinh ở cả ba phong cách (thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ) khá đồng đều và xuất sắc. Bên cạnh đó khán giả còn tiếc nuối cho một số thí sinh ở các thể loại nhạc nhẹ, thính phòng và dân gian, mặc dù rất xuất sắc nhưng chỉ vì quy chế Ban tổ chức đưa ra mỗi phong cách chọn ba thí sinh vào chung kết toàn quốc mà phải ngậm ngùi ở lại.
Tại khu vực miền trung, thí sinh tương đối đồng đều ở hai phong cách dân gian và nhạc nhẹ. Riêng ở phong cách thính phòng, các thí sinh đều chưa chứng tỏ được khả năng của mình cả về giọng hát, kỹ thuật, chọn bài và xử lý tác phẩm. Tại khu vực phía nam, ở dòng nhạc thính phòng, cả ba thí sinh đều không gây được ấn tượng với các nhà chuyên môn cũng như với khán giả. Mặc dù vậy, vẫn có hai thí sinh được chọn vào chung kết toàn quốc. Ở phong cách dân gian chỉ có một thí sinh hát ra được chất dân gian Nam Bộ, còn một thí sinh khác đã thể hiện sai phong cách, nhưng vẫn giành vé đi tiếp. Ở phong cách nhạc nhẹ, ba thí sinh nam được chọn, mặc dù gây được thiện cảm tốt hơn với công chúng và các nhà chuyên môn, nhưng xem ra khó có thể là đối thủ nặng ký tại vòng chung kết toàn quốc tiếp theo.
Theo chúng tôi, nếu để hướng tới chất lượng một cuộc thi chuyên nghiệp và bảo đảm uy tín của mình, ở những kỳ thi sau, ban tổ chức nên thay đổi quy chế thi. Không nên và không thể khoanh vùng chia sân để phân bổ đồng đều thí sinh vào vòng trong cho cả ba khu vực, mà hãy nên lấy chất lượng thí sinh làm tiêu chuẩn hàng đầu. Có như vậy chất lượng và tiêu chí cuộc thi mới được bảo đảm, công chúng mới thật sự thỏa mãn với những ca sĩ sẽ là ngôi sao tỏa sáng trong đời sống âm nhạc của nước nhà mà họ đang chờ đợi./.
(Theo: ND)