Ứng xử như thế nào để được coi là người có văn hóa và làm thế nào để hướng giới trẻ tới ứng xử có văn hóa? Ðây là vấn đề cấp thiết đặt ra, đòi hỏi chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc và khách quan.
Ứng xử và hành vi ứng xử văn hóa
Ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Xét trên bình diện nhân cách thì bản chất của ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ và cách nói năng của cá nhân với những người chung quanh.
Hành vi ứng xử văn hóa là những biểu hiện hoạt động bên ngoài của con người, được thể hiện ở lối sống, nếp sống, suy nghĩ và cách ứng xử của con người đối với bản thân, với những người chung quanh, trong công việc và môi trường hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên hành vi ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân là khác nhau, nó được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành của mỗi cá nhân trong xã hội. Hành vi ứng xử văn hóa của tuổi trẻ được coi là các giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ của mỗi cá nhân được thể hiện thông qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của mỗi cá nhân đó. Nó được biểu hiện trong mối quan hệ với những người chung quanh, trong học tập, công tác, với bạn bè cùng trang lứa và thậm chí ngay cả với chính bản thân họ. Về hành vi ứng xử có văn hóa của giới trẻ hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên cần có cái nhìn khách quan khi đề cập về vấn đề này. Có thể nói, tuổi trẻ ngày nay phần đông là những con người năng động, có kiến thức rộng, sống có hoài bão và lý tưởng, đồng thời không ngừng học hỏi vươn lên để dựng xây đất nước. Nhìn chung họ có những cách ứng xử tích cực, phù hợp với truyền thống, đạo lý dân tộc. Giới trẻ ngày nay phần đông đã thể hiện trách nhiệm với xã hội, với chính bản thân mình, không ngừng học hỏi, vươn lên, sống có hoài bão, lý tưởng rõ ràng.
Trong học tập, công tác, tuổi trẻ ngày nay không ngừng vươn lên để đạt được những thành công. Trong nhiều kỳ thi Ô-lim-pích các môn học, những giải thi đấu thể thao khu vực và quốc tế, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã nỗ lực vươn lên mang vinh quang về cho đất nước. Gần đây nhất, tại kỳ thi Ô-lim-pích Toán học quốc tế IMO 50 được tổ chức tại Ðức, Ðoàn học sinh Việt Nam có sáu thành viên đều giành huy chương, trong đó có hai vàng, hai bạc và hai đồng. Ðây chỉ là một trong số những cuộc thi mà giới trẻ của chúng ta tham gia và đạt được thành tích cao. Bên cạnh đó, ngay ở trong nước, tuổi trẻ không ngừng vươn lên để đạt được những thành tích đáng kể.
Ðáp lại sự nỗ lực đó, hằng năm, có rất nhiều chương trình và giải thưởng khác nhau tôn vinh các bạn trẻ tiêu biểu do T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện. Bên cạnh đó, các Diễn đàn dành cho thanh niên và các tầng lớp nhân dân nói về xây dựng lối sống văn hóa của thanh niên, như: Diễn đàn Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích do Báo Nhân Dân phối hợp T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức; diễn đàn Thanh niên sống đẹp của T.Ư Hội LHTN Việt Nam... đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Những hoạt động này góp phần giúp đoàn viên, thanh niên có những ứng xử tích cực, thể hiện bản lĩnh, sức trẻ và trách nhiệm với đất nước.
Xây dựng lối sống đẹp, sống có ích cho tuổi trẻ
Bên cạnh những biểu hiện của hành vi ứng xử có văn hóa, hiện nay vẫn còn một bộ phận trong giới trẻ có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Ðối với bản thân họ không có ý chí phấn đấu, sống buông thả, sa đà vào các tệ nạn xã hội: cờ bạc, ma túy, mại dâm... Ðây hoàn toàn là những biểu hiện của nếp sống xa lạ, sai trái, đi ngược với truyền thống văn hóa dân tộc. Hiện tượng các bạn trẻ, thậm chí là học sinh THPT văng tục, chửi thề; ngang nhiên vi phạm luật lệ giao thông; có thái độ không đúng mực với người già; hành động thiếu văn hóa nơi công cộng... còn khá phổ biến.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này. Việc giáo dục hành vi ứng xử văn hóa cho giới trẻ cần được quan tâm đúng mức. Chúng ta cần có những biện pháp thích hợp nhân rộng, tuyên dương những hành vi ứng xử đẹp tuân theo các chuẩn mực, vừa phù hợp với văn hóa, đạo đức truyền thống của Việt Nam, vừa phù hợp với các chuẩn mực của xã hội hiện đại.
Hành vi ứng xử văn hóa là kết quả của quá trình nhận thức, tình cảm, ý chí, niềm tin của con người trong quá trình sống, học tập và lao động. Cho nên để vun đắp hành vi ứng xử đạo đức trong giới trẻ, trước hết những người đi trước phải biết tác động một cách phù hợp vào nhận thức, tình cảm, ý chí và hành động của giới trẻ để họ từng bước nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, hình thành niềm tin và có những hành vi ứng xử đẹp trong cuộc sống. Có rất nhiều những việc làm cụ thể và thiết thực để hướng giới trẻ có cách ứng xử văn hóa: nêu gương của những người chung quanh để làm chuyển biến nhận thức giới trẻ; phát động các phong trào thi đua trong mọi lĩnh vực để hướng họ vào những hành động tốt; ngoài ra còn sử dụng những tấm gương gần gũi như bạn bè, người thân, những tấm gương điển hình cùng trang lứa để tác động lên nhận thức, tình cảm và nhất là khơi gợi lòng tự trọng của họ; tổ chức các Diễn đàn thanh niên nói về sống đẹp, sống có ích, sống có văn hóa... Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm đúng mức, hướng dẫn, giúp đỡ và tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh những hành vi ứng xử không đẹp nảy sinh trong quá trình giới trẻ tham gia vào những quan hệ xã hội.
TÔ LAN PHƯƠNG-NhanDan