Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 12/12/2009 21:22'(GMT+7)

Một góc nhìn về phim tư nhân

Cảnh trong phim Dòng máu Anh hùng.

Cảnh trong phim Dòng máu Anh hùng.

Xã hội hóa điện ảnh là vấn đề đã manh nha cách đây trên ba thập niên. Ngày ấy, mới chỉ là một vài nhóm làm phim tư nhân "núp bóng" các hãng phim nhà nước để hoạt động điện ảnh. Tên tuổi của các nhóm Ðào Thu, Hai Nhất đã từng "vang bóng một thời" làm mưa làm gió trên thị trường phim ảnh. Sản phẩm của dòng điện ảnh tư nhân lúc ấy là những phim mà người ta vẫn gọi bằng cái tên "mì ăn liền" bởi chất lượng nghệ thuật của chúng. Nhưng rồi quy luật cạnh tranh, đào thải đã làm cho những phim dạng ấy không tồn tại được lâu. Dòng phim thương mại có một thời gian vắng bóng trên thị trường, cũng có thể do chất lượng hoặc cũng có thể do chưa có cơ chế chính sách thông thoáng, sự hỗ trợ cần thiết từ phía các nhà quản lý cho khối các nhà làm phim tư nhân. Các "đại gia" rút lui về hậu trường, chờ thời cơ.

Cho đến những ngày đầu năm 2003, chủ trương xã hội hóa đã được chính thức áp dụng cho điện ảnh. Một loạt hãng phim tư nhân ra đời. Ðến nay, điện ảnh nước nhà đã có đến hơn 30 hãng phim tư nhân, nhưng phần lớn vẫn là của các nghệ sĩ phía nam, những người đã từng đi tiên phong trong phong trào tự bỏ vốn ra sản xuất phim giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước. Các hãng phim tư nhân ở miền nam có lợi thế hơn ở chỗ có tiềm lực về kinh tế, nắm bắt thị trường nhanh nhạy và có nhiều kinh nghiệm thương trường, mỗi hoạt động đều được quảng cáo, giới thiệu một cách bài bản.

Người xưa có câu "quý hồ tinh, bất quý hồ đa", bởi vậy số lượng hãng phim tư nhân cũng chưa hẳn nói lên điều gì. Chưa kể, số hãng phim tư nhân đang thật sự hoạt động hiệu quả có lẽ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí có những hãng gần như "mất hút", không thấy tên tuổi chỉ sau một, hai dự án gặp thất bại. Một số "tên tuổi" đi tiên phong trong việc lập hãng phim tư nhân như Hai Nhất, Ðào Thu..., bây giờ cũng lui về hậu trường, nhường chỗ cho lớp trẻ, những hãng "hậu sinh". Hiện nay, ở khu vực phía nam, hoạt động có vẻ "nổi đình đám" là mấy tên tuổi quen thuộc: BHD, Phước Sang, Thiên Ngân, Chánh Phương, Senafilm, Lasta...

Hoạt động của các hãng phim tư nhân có mặt trong tất cả các khâu liên quan đến việc sản xuất, phát hành một sản phẩm điện ảnh. Từ việc góp vốn liên doanh với các đơn vị nhà nước, với nước ngoài, đầu tư phim trường, tới việc tổ chức kịch bản, quảng cáo phát hành. Trong những hoạt động đó, việc làm phim nhựa vẫn được nhắc đến nhiều nhất. Có phim nhựa để đi thi thố tại các cuộc LHP trong và ngoài nước mới chứng tỏ được "đẳng cấp" của mỗi hãng.

Hãng phim Phước Sang chú trọng vào những dự án phim chiếu Tết và thường thắng lợi về doanh thu, đang được xem là một trong những hãng phim tư nhân có tiềm lực tại thời điểm này. LHP 16 tới, Phước Sang có hai phim tham dự là Huyền thoại bất tử và Mười, trên tổng số sáu phim của các hãng tư nhân. Hãng Lasta lại chuyên về sản xuất phim truyền hình do được sở hữu một kênh riêng và được chiếm "khung giờ vàng". Senafilm lại có một hướng đi riêng là tổ chức sản xuất kịch bản, bên cạnh đó cũng có phim được chú ý do yếu tố chất liệu và cách quảng cáo, giới thiệu mới lạ như bộ phim Duyên trần thoát tục.

Bên cạnh những phim nhựa hay những dự án phim Tết, việc hãng phim tư nhân kết hợp với các Ðài Truyền hình để sản xuất phim truyền hình là một cách làm thể hiện sự năng động trong điều kiện kinh phí cho một bộ phim nhựa quá lớn và khâu thu hồi vốn luôn làm "đau tim" các chủ đầu tư vì sự thay đổi của nhu cầu khán giả, của thị trường. Chính vì sự thất thường ấy,  hầu như không có hãng phim tư nhân nào sống được chỉ bằng việc sản xuất phim, mà còn có những dịch vụ khác như nhà hàng, ngân hàng, sân khấu, cho thuê phim trường...

Khi sản xuất một bộ phim, nếu như các hãng phim Nhà nước đặt tiêu chí nghệ thuật lên hàng đầu, thì các ông chủ của các hãng tư nhân không ngại ngần bày tỏ mục tiêu tối thượng đặt ra là lợi nhuận. Và để đạt được mục tiêu đó, các hãng phim tư nhân đã biết cách quảng cáo cho mỗi bộ phim, biết tiết kiệm trong việc sử dụng nhân lực, biết quản lý hiệu quả và biết nắm thị hiếu khán giả, hướng tới phục vụ số đông. Còn nhớ, khi bộ phim thuộc dòng phim thương mại của đạo diễn Lê Hoàng được trình chiếu, đã có không ít ý kiến khen chê. Nhưng khán giả vẫn cứ kéo tới rạp. Con số doanh thu phim này đạt được đã thể hiện một cách khách quan quy luật cung - cầu trong nền kinh tế thị trường. Có những ý kiến cực đoan lo ngại dòng phim thương mại sẽ lấn át, thậm chí sẽ "giết chết" dòng phim hàn lâm, nhưng với điều kiện dân trí như hiện nay, với trình độ thẩm mỹ của số đông khán giả, có thể nhận thấy không thể "ép" họ vào rạp để "thưởng thức" tác phẩm kiểu cao siêu như bộ phim Chơi vơi vừa mới ra rạp gần đây. 

Thật ra, sản phẩm vật chất hay sản phẩm văn hóa cũng đều bị ảnh hưởng của quy luật cạnh tranh, đào thải. Và việc xã hội hóa là cả một quá trình, chúng ta không thể nóng vội, chủ quan để mà nhìn nhận về thực trạng hoạt động của các hãng phim tư nhân. Cũng nhận thức được điều này nên các hãng phim tư nhân đã đo đếm được nhu cầu của "thực khách" để thay đổi liên tục những "món ăn tinh thần", tất nhiên, không thể tránh khỏi có những sản phẩm chất lượng yếu kém. Trong khi đó, phim của các hãng phim nhà nước, dù được đánh giá cao về chất lượng nhưng lại chưa tìm được con đường hiệu quả để đến với người xem. Ðây là một vấn đề lớn cần được tháo gỡ.

Tuy còn những bất cập, song không thể không thừa nhận sự tồn tại và đóng góp cho điện ảnh nước nhà của các hãng phim tư nhân. Xu hướng xã hội hóa đã làm đa dạng hơn diện mạo điện ảnh, tạo ra sự cạnh tranh cần thiết cho sự phát triển. Và xã hội hóa điện ảnh cũng đòi hỏi phải đổi mới tư duy trong công tác quản lý, phải tăng cường hiệu quả của việc quản lý nhà nước nhưng vẫn cởi mở, tạo điều kiện cho mọi thành phần hoạt động điện ảnh được phát triển. Bên cạnh đó, vẫn không thể thiếu sự điều tiết, định hướng để nền điện ảnh Việt Nam phát triển lành mạnh và vững chắc./.

(Theo: Phan Hoàng/ND)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất