Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 29/11/2009 20:57'(GMT+7)

Văn hóa đọc: Cơ hội và thách thức

Internet ngày càng cuốn hút giới trẻ

Internet ngày càng cuốn hút giới trẻ

Nghe-nhìn lấn sân, đọc lép vế

Không thể phủ nhận vai trò và tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại cho nhân loại. Thế giới hiện có trên 2 tỷ người sử dụng internet. Trên internet, việc gửi thư, đọc sách báo, trao đổi thông tin, kinh doanh thương mại, tài chính… đều thực hiện thật dễ dàng. Một vụ khủng bố diễn ra ở Afghanistan, 10 phút sau thông tin đã được hàng triệu người biết đến. Bill Gates – Chủ tịch tập đoàn Microsft cũng từng khẳng định sức mạnh của công nghệ thông tin: “Thế giới nằm trên mười ngón tay bạn”.

Công nghệ số làm “đảo lộn thế giới”. Những truyện cổ tích như: Tấm Cám, Sự tích trầu cau, Cây tre trăm đốt… dường như không còn sức hút với trẻ em. Đến các nhà sách thiếu nhi, quầy truyện cổ tích dành cho trẻ em luôn vắng vẻ, trong khi đó dạo qua các quán game luôn chật cứng bóng dáng học trò. Giới trẻ cũng lười đọc và đọc một cách hời hợt. K.Hoa (SV Trường ĐH Văn hiến TPHCM): “Thấy các tác phẩm đồ sộ như Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, Những người khốn khổ… là tụi mình ngại đọc lắm. Sinh viên mà, làm gì có thời gian “xơi” hết mấy món này”. Khi được hỏi, vậy khi đi thi bạn lấy tư liệu đâu làm bài, bạn K.Hoa trả lời: Khó gì, mình lên Google tìm bản tóm tắt, đọc cho lẹ rồi kiếm một vài chi tiết “đinh” của tác phẩm là được”. Còn T.Hiếu (SV Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TPHCM) cho rằng: “Bây giờ, công nghệ thông tin phát triển, muốn kiếm tài liệu chuyên ngành mình lên mạng “sợt” (search - tìm) rồi tải về, nhanh chóng, gọn nhẹ, hơi sức đâu vô thư viện kiếm tài liệu”.

Một số nhà sách, thư viện lớn trong thành phố như Nguyễn Văn Cừ, Thư viện Khoa học Xã hội, số lượng các bạn sinh viên đến không nhỏ nhưng chỉ kiếm tài liệu đơn thuần, phục vụ cho việc thi cử, tra cứu thông tin. Còn việc đọc sách và duy trì một cách thường xuyên lại rất hiếm.

Đọc - chìa khóa tri thức

Cùng một thông tin, nhưng sự tiếp nhận giữa đọc và nghe nhìn có những điểm khác nhau. Khi đọc đòi hỏi phải có khả năng tập trung và tư duy cao. Theo chị Mỹ Trinh – cán bộ thường trực Thư viện Khoa học Xã hội: “Khi đọc sách, trực quan sẽ cảm nhận sâu sắc hơn, kiến thức đọng lại sẽ lâu hơn. Thông tin tiếp nhận qua nghe nhìn cũng tốt nhưng dường như trôi qua nhanh chóng, tạo cho đối tượng tiếp nhận sự hưởng thụ hơn là suy ngẫm. Việc đọc đòi hỏi sự kiên trì và say mê”. Giới trẻ hiện nay thường viện cớ như “không có thời gian” “túi tiền không cho phép mua những cuốn sách bạc trăm”… nhưng lại có thể mua những sản phẩm của công nghệ như máy tính xách tay, điện thoại di động tiền triệu, thời gian rảnh thì chơi thể thao, đi shopping, hay… online cả ngày.

Số liệu thống kê của Cục Xuất bản đưa ra khiến nhiều người phải suy nghĩ. Bình quân mỗi năm, một người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách, 7,07 tờ báo. Theo thầy Trần Mạnh Thái - giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn Hiến: “Muốn sinh viên “bớt lười đọc” cần sự trợ giúp một phần từ phía các giảng viên, bằng cách ra đề tài đòi hỏi sinh viên tự tìm sách, tài liệu. Giảng viên nên trực tiếp cung cấp tên các đầu sách cho sinh viên, việc tìm đọc sẽ cung cấp kiến thức cho sinh viên thực hiện chính đề tài của mình”. Cũng theo thầy Thái thì cách làm này đã được khoa áp dụng từ nhiều năm nay và đạt được kết quả rất tốt.

Ngày 23-4 hàng năm được UNESCO chọn là Ngày đọc sách thế giới. Để khơi niềm đam mê đọc sách, nhiều nhà quản lý, nhà xuất bản đã tổ chức nhiều chương trình: Ngày hội đọc sách, sách giảm giá cho sinh viên... Vài năm gần đây, các quán cà phê sách ra đời cũng thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Một số trường Đại học cũng quan tâm chú ý nhiều hơn đến nhu cầu đọc của sinh viên bằng cách nâng cấp thư viện, bổ sung thêm nhiều tài liệu phục vụ sinh viên. Điều này chứng tỏ giới trẻ luôn được tạo điều kiện tốt cho việc đọc, học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, để giới trẻ duy trì và phát triển việc đọc, thì những người có trách nhiệm, nhà quản lý sách cần đa dạng hóa phương thức làm sách, giảm bớt những cuốn sách nặng về lý luận, ít mang tính thực tiễn, thay vào đó là những cuốn sách có nội dung phù hợp, phong phú đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đa dạng của giới trẻ.

 PHẠM ĐỨC
(Sinh viên Trường ĐH Văn hiến TPHCM)-Theo SGGP


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất