Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 1/12/2009 11:48'(GMT+7)

Cải lương: Chưa tìm được đất diễn

Cảnh trong vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long

Cảnh trong vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long

Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 tại TPHCM đã khép lại sau 14 ngày tranh tài của 24 đơn vị với 28 vở. Hội diễn thực sự là ngày hội của những người làm nghệ thuật cải lương trên cả nước.


Bất ngờ cải lương đất Bắc


Cứ 5 năm, cuộc họp mặt của giới làm nghệ thuật sân khấu cải lương lại diễn ra một lần.

Năm năm qua, sân khấu cải lương vẫn trong tình trạng mất dần vị thế hoàng kim vốn có của mình nhưng các đơn vị đều nỗ lực đầu tư vở tham gia hội diễn. Đoàn mạnh thì địa phương rót kinh phí bạc tỉ, đoàn nhỏ thì nhận được vài trăm triệu đồng để có vở tham gia với bạn nghề.


Sân khấu cải lương phía Bắc xuất hiện ở mùa hội diễn năm nay đã khác. Nhà hát Cải lương Việt Nam tạo dấu ấn đẹp qua hai vở Đế đô sóng cả và Trọn đời trung hiếu với Thăng Long.

Điều ghi nhận đầu tiên của các vở diễn này là nỗ lực giữ đúng chất cải lương trong thời buổi bộ môn này bị cho là “lai căng” khi nhiều vở diễn đưa đủ loại hình khác vào nhằm “hỗ trợ cải lương” những mong đạt doanh thu, như: nhạc trẻ, hip hop, xiếc, ảo thuật... và ngôi sao điện ảnh, ngôi sao ca nhạc hát cải lương. Chất cải lương qua phong cách diễn xuất sang và đẹp của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã chứng tỏ đơn vị này vẫn là “anh cả” của sân khấu cải lương phía Bắc.


Vở Đế đô sóng cả (tác giả và đạo diễn Triệu Trung Kiên) được chọn khai mạc hội diễn đã để lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Chất cải lương qua việc sắp xếp hợp lý bài bản, ca diễn chuẩn mực, thuần một phong cách đã là điểm nhấn khá độc đáo của Triệu Trung Kiên.


Vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai) là một tác phẩm tạo được sức thuyết phục đối với khán giả. Hình tượng Lý Thường Kiệt được khắc họa hợp lý từ chuyện tự yếm để vào cung giúp vua cứu nước đến mối tình trong trắng dành cho nàng Thuận Khanh, tất cả các tình huống cứ nhẹ nhàng đi vào lòng khán giả, khiến cảm xúc người xem dâng trào. Hoàng Quỳnh Mai tô đậm dấu son sáng tạo trong dàn dựng.


Vở Miền nhớ (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang, Trần Thắng Vinh) của đoàn Đồng Tháp quy tụ hơn 100 diễn viên tham gia đã cho thấy một sự đầu tư hoành tráng cho cải lương khi vở diễn không có cảnh trí, chỉ dùng diễn viên để thể hiện khung cảnh về sự kết nối nghề nghiệp sân khấu hòa cùng lòng tự hào dân tộc.

Ba vở: Cổ tích thời hiện đại, Nước mắt thâm tình, Dấu ấn giao thời của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho thấy tính chuyên nghiệp cao trong dàn dựng, dàn diễn viên giỏi nghề chuyển tải tính tư tưởng tốt.


Hiếm vở hay


Tuy nhiên, xét tổng quát hội diễn, những ai quan tâm đến sự sống còn của nghệ thuật sân khấu cải lương vẫn đau đáu một nỗi lo về sự tồn tại của bộ môn nghệ thuật này. Nguồn kịch bản có dồi dào đấy nhưng lại hiếm vở hay.

Cách dàn dựng vẫn cũ kỹ, chưa tạo được bất ngờ. 2/3 đề tài vở diễn đều dựa vào lịch sử với sự kiện hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, quá ít đề tài đương đại mang hơi thở cuộc sống.

Diễn viên trẻ xuất hiện trong hội diễn với phong thái ca hay, diễn giỏi, nhưng hỏi qua vẫn nghe quen thuộc một điệp khúc: “Sau hội diễn, chẳng biết sẽ diễn ở đâu?”. Họ ít có điều kiện cọ xát sàn diễn vì hầu hết chỉ đợi đến mùa hội diễn mới có vở mới đi thi, còn lại các đoàn vẫn lên kế hoạch biểu diễn phục vụ nhưng chủ yếu vẫn là diễn trích đoạn, ca cổ, còn trọn vẹn vở tuồng thì khán giả không thích. Thực tế này thật đau lòng, bởi kịch bản không hay, đạo diễn không giỏi, số phận chung của các đoàn cải lương là đi tìm khán giả nhưng nghĩ đến việc doanh thu thì không dễ.

Đâu đó trong mùa hội diễn vẫn thấy một vài diễn viên “chạy sô” thi giùm một số đơn vị thiếu đào kép. Dù Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã ban hành quy chế diễn viên phải thuộc biên chế của đoàn, nhưng vẫn thấy sự hiện diện bất ngờ của một số nghệ sĩ chuyên “chạy sô” hội diễn, vẫn được ký hợp đồng, sau khi thi xong, lãnh huy chương xong, rồi... “biến”.


Không quen tiếp thị


Qua hội diễn năm nay, diện mạo của sân khấu cải lương phía Bắc đã phần nào cho thấy sự tồn tại cần thiết của chế độ bao cấp đối với các đơn vị nghệ thuật này. Vì hầu hết đều sử dụng ngân sách Nhà nước dàn dựng tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật.

Nếu so với cải lương trong Nam, đời sống thị trường tác động đã nâng cao vị thế của mỗi thương hiệu và tính ngôi sao được xem trọng để đạt doanh thu thì sân khấu cải lương phía Bắc lại xem nhẹ yếu tố tạo dựng hình ảnh ngôi sao cho diễn viên. Đây là điểm yếu khiến công tác tiếp thị của các đơn vị cải lương phía Bắc nhiều năm qua cứ trong vòng luẩn quẩn, chưa tìm được lối thoát, do vậy, có nhiều tác phẩm được dàn dựng hoành tráng công phu nhưng lại không tìm được đường đến với khán giả.


Những nghệ sĩ cải lương đất Bắc, như: Vương Hà, Mạnh Hùng, Quang Thanh, Thu Thủy, Minh Tuấn, Quang Lâm, Kim Tuyến, Dạ Ngọc Hương, Triệu Trung Kiên, Hoàng Viện, Hồng Nhung..., chưa tỏa sáng trong lòng khán giả dù tài năng của họ được giới chuyên môn đánh giá cao.

Hội diễn cũng cho thấy không phải nhiều tiền là sẽ dựng được tác phẩm hay, vấn đề cốt lõi là khâu kịch bản và dàn dựng. Nhiều vở diễn khiến người xem ngao ngán là đạo diễn quá tham, chăm chút quá nhiều cho đào - kép chánh để giúp họ lãnh huy chương vàng, khiến cảnh diễn của họ vừa dài vừa dở.


(Theo Người Lao động điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất