Làm tốt những chủ trương, giải pháp về "Đền ơn đáp nghĩa" chính là thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng: Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công được xác định trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Trong những năm tháng làm báo của mình, tôi đã tới nhiều nghĩa trang liệt sĩ, đã hình dung ra sự khốc liệt của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc qua bạt ngàn những hàng bia mộ. Còn nhiều lắm những bia mộ không tên, chưa có địa chỉ. Mới đây, tôi lại cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B về thăm lại chiến trường xưa, thắp hương tri ân hơn 700 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng hy sinh trong những trận đánh ác liệt ở Quảng Trị năm 1972. Cùng với đó, hơn 1.300 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 64 đã để lại một phần xương máu của mình trong những trận chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Con số đó mới chỉ là của một đơn vị và cũng mới chỉ ở một chiến trường; trong khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta còn diễn ra ở nhiều địa bàn với nhiều trận đánh ác liệt...
Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", với tấm lòng nhân văn cao cả, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã có nhiều chủ trương tri ân những người có công, những gia đình có công với đất nước, với dân tộc. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ngày 27/7/1947 là Ngày Thương binh toàn quốc. Thông qua ngày này để tưởng nhớ công lao của cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân đã đóng góp công sức, hy sinh xương máu cho cách mạng, cho dân tộc.
Theo tiến trình của lịch sử, cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống chính sách ưu đãi người có công của Đảng, Nhà nước ta không ngừng phát triển, đổi mới và hoàn thiện. Từ những chính sách đối với thương binh, tử sĩ ra đời trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, qua các thời kỳ cách mạng, đã phát triển thành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng). Trước đó, trong ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta có “An dưỡng đường” và các “Cơ sở phục hồi chức năng” ra đời ở vùng tự do. Đến nay, cả nước đã có một hệ thống gồm rất nhiều trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh và các cơ sở chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng... Nhà nước và nhân dân đã xây dựng nhiều công trình tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào đối với quê hương, đất nước cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Từ thực tiễn này đã tạo những cú hích mạnh để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển và có sức lan tỏa sâu, rộng.
Nếu như trong chiến tranh, chúng ta có cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, “Ủng hộ binh sĩ bị thương”... thì đến nay, phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát triển thành Cuộc vận động với 5 chương trình tình nghĩa lớn, được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, đó là các chương trình: Xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng nhà tình nghĩa; đón nhận thương binh nặng về chăm sóc tại gia đình; nhận chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ không nơi nương tựa.
Thực hiện 5 chương trình trên đã giúp được rất nhiều những người, những gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống. Chỉ tính từ năm 2012 trở lại đây, các cấp các ngành đã ủng hộ được 1.663 tỷ đồng; xây mới gần 55.000 nhà tình nghĩa với tổng số tiền gần 2.600 tỷ đồng; tặng các sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 80 tỷ đồng... Nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công được sự quan tâm động viên của các cấp, các ngành đã vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành những người sản xuất, kinh doanh giỏi. Tuy đã có rất nhiều cố gắng, nhưng so với hơn 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số trên địa bàn cả nước thì những số liệu trên thực sự vẫn hết sức khiêm tốn, cần sự nỗ lực lớn của toàn xã hội. Bởi, cuộc sống hôm nay vẫn còn có thương binh thuộc diện hộ nghèo, vẫn còn đối tượng người có công sống trong những ngôi nhà xuống cấp, vẫn còn con của thương binh, bệnh binh chưa có việc làm...
Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” theo 5 chương trình tình nghĩa lớn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ngày càng mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, cần lắm sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội, các đơn vị kinh tế, các nhà hảo tâm từ Trung ương tới địa phương. Mỗi người Việt Nam sinh sống ở trong nước hay ở nước ngoài hãy góp sức mình chăm lo người có công, gia đình người có công nhiều hơn nữa. Các cấp ủy, chính quyền cần giám sát chặt chẽ chế độ đối với người có công, bảo đảm mọi quyền lợi đều đến tay người có công; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa nguồn kinh phí của Nhà nước với việc xã hội hóa phong trào chăm sóc, hỗ trợ người có công. Đặc biệt, cần nhận thức một cách đầy đủ: Chăm sóc, hỗ trợ người có công là bổn phận, là trách nhiệm của mỗi người trong xã hội. Làm tốt những chủ trương, giải pháp nêu trên chính là thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng: Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công được xác định trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng./.
Mè Quang Thắng (QĐND)