Trong những bài học "năng động, sáng tạo", "dám nghĩ, dám
làm"... thì bài học "dựa vào dân", "phát huy sức mạnh của khối đại đoàn
kết toàn dân tộc" được cho là yếu tố đặc biệt quan trọng, căn bản, quyết
định sự thành công, tạo đột phá phát triển của TP. Hồ Chí Minh qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập.
Dịp Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong tháng tư vừa qua đã có nhiều hội thảo, tọa đàm liên quan đến 40 năm xây dựng và phát triển của Thành phố mang tên Bác. Trong đó, cuộc Hội thảo "TP. Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng,
phát triển và hội nhập" đã nêu lên những bài học kinh nghiệm quý báu khiến TP. Hồ Chí Minh đạt
được những thành tựu to lớn, toàn diện, đóng góp xứng đáng vào thành tựu
chung của cả nước sau 40 năm đất nước thống nhất, nhất là sau 30 năm
đổi mới. Trong những bài học "năng động, sáng tạo", "dám nghĩ, dám
làm"... thì bài học "dựa vào dân", "phát huy sức mạnh của khối đại đoàn
kết toàn dân tộc" được cho là yếu tố đặc biệt quan trọng, căn bản, quyết
định sự thành công, tạo đột phá phát triển.
Ôn
lại những năm đầu sau giải phóng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn
Khải nhắc lại những chủ trương, chính sách hướng về cơ sở, hợp lòng dân
của Đảng bộ thành phố như: "Nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo ở cơ
sở", "phát huy mọi khả năng phát triển sản xuất ở cơ sở"... Lãnh đạo
Thành ủy biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, xác định những biện pháp
hiệu quả để giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc. Chính vì
vậy đã tạo ra khí thế mới, khơi dậy và nhân lên "sức mạnh đồng khởi
trong chiến trường B2 thời kỳ kháng chiến...", thực hiện thắng lợi nhiệm
vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước vượt qua khó khăn sau chiến
tranh.
Trong
thời kỳ đổi mới, bài học dựa vào dân được khẳng định trong các bài tham
luận của đại biểu. Việc "gắn bó máu thịt với nhân dân" trở thành "một
phẩm chất chính trị đặc biệt", là một điều bất biến trong nhận thức, các
chủ trương, tổ chức thực hiện của Đảng bộ thành phố từ Thành ủy cho đến
chi ủy, đến mỗi đảng viên. Là sự tin tưởng của Thành uỷ vào nhân dân.
Là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, vì lợi ích cơ
bản, lâu dài và trực tiếp, trước mắt của nhân dân được thể hiện trong
những chương trình hành động, kế hoạch công tác của các cấp ủy. Đồng
thời, sự hài lòng của dân, của doanh nghiệp là căn cứ để đánh giá kết
quả thực hiện các chủ chương, chính sách của Đảng bộ thành phố.
Trên
cơ sở tin dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền, Thành ủy, Ban
Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chú trọng tổ chức các đợt vận động
nhân dân góp ý xây dựng chính quyền và nhận được rất nhiều ý kiến tâm
huyết, trách nhiệm, xác đáng. Ngay trong những năm đầu sau giải phóng,
Thành ủy đã chỉ đạo chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở tự
kiểm điểm trước quần chúng; khuyến khích quần chúng góp ý kiến xây dựng
chính quyền, kịp thời phát hiện loại trừ những phần tử xấu ra khỏi chính
quyền các cấp. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc khánh, từ tháng 6 đến
tháng 12-1995, hơn 300 nghìn người dân với hơn 44 nghìn ý kiến đóng góp
xây dựng chính quyền các cấp đã được Thành ủy tiếp thu, chỉ đạo khắc
phục, hoàn thiện. Gần đây, những chủ trương của Thành ủy như: nhân dân
định kỳ góp ý với chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thông
qua Ủy ban MTTQ cùng cấp; nhân dân nhận xét về thái độ, trách nhiệm của
công chức trong thực hành công vụ... nhận được sự đồng tình của đông
đảo người dân và đạt hiệu quả thiết thực chẳng phải tiếp tục thể hiện
quan điểm dựa vào dân xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền sao?
Đảng
bộ TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công nhiều chủ trương, chính sách
lớn, "đi trước, về trước", trong đó có những cơ chế, chính sách mang
tính thí điểm, góp phần hình thành những chính sách và cơ chế quản lý
chung của cả nước. Năm 1979, nắm bắt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV),
Thành ủy đã ban hành nghị quyết khuyến khích các doanh nghiệp quốc doanh
tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường đẩy mạnh kế hoạch sản xuất "phụ"
ngoài kế hoạch pháp lệnh, giúp cho nhiều doanh nghiệp có "hơi thở" của
thị trường. Từ đầu thập niên 1980, thành phố đã "xé rào" thực hiện kế
hoạch 3 phần và mở rộng xuất khẩu trực tiếp với vốn tự có, chủ động
nguồn nguyên liệu, qua đó đã giúp nhiều xí nghiệp phục hồi sản xuất, cải
thiện đời sống người lao động. Năm 1989, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định số 639/QĐ/UBND định chế các loại hình doanh nghiệp như doanh
nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần nhằm tạo điều kiện phát
triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý. Đây có thể xem là
"luật chơi" pháp lý cho các chủ thể kinh doanh. Và hai năm sau (1991),
Quốc hội (khóa VIII) đã thông qua Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công
ty. TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về "đổi đất
lấy công trình" xây dựng nhiều khu đô thị mới hiện đại; thí điểm Trung
tâm Giao dịch chứng khoán; thành lập ngân hàng cổ phần. Thành phố dẫn
đầu cả nước về huy động sức dân phát triển giao thông nông thôn; trong 6
năm qua gần 12 nghìn hộ dân hiến hơn 1,2 triệu m2 đất làm đường sá; đạt
nhiều thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo trên cơ sở phát huy tinh thần
"tương thân, tương ái", trở thành thành phố "nghĩa tình"... Những chủ
trương, chính sách liệu có thành công nếu không được người dân tin
tưởng, đồng tình, ủng hộ, hợp sức, đồng lòng thực hiện?
TP.
Hồ Chí Minh đang cùng cả nước tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới
Đại hội XII của Đảng. Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào những văn
kiện đại hội, xây dựng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để
Đảng bộ thành phố tạo đột phá mới trong thời kỳ mới. Bài học dựa vào
dân, tin dân, được dân tin của Đảng bộ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh trong
những năm qua là minh chứng cụ thể, sinh động thực hiện lời dạy của Bác
Hồ: "Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”, "Nước lấy dân làm gốc/... Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"./.
Thành Sáng
(Nguồn: TC XDĐ)