1 - Trải qua
hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, vai trò to lớn của nhân dân trong
xây dựng và bảo vệ đất nước đều được các triều đại phong kiến Việt Nam
trước đây khẳng định.
Ý
thức “Dân là gốc” được hình thành từ rất sớm. Triều nhà Lý, trong Bộ
Hình thư, công bố năm 1042 đã xác định: Chăm lo đến đời sống người dân
trăm họ, chỉnh đốn pháp luật sao cho giảm bớt nỗi khổ của dân, xóa bớt
bất công trong thiên hạ. Trước họa giặc Tống hùng mạnh, Lý Thường Kiệt
đã viết lời hịch vang dội “Nam quốc sơn hà” để phát động toàn dân đánh
giặc. Được quân sĩ và nhân dân đồng lòng hưởng ứng, cùng với tài thao
lược của mình, Lý Thường Kiệt đã lãnh đạo việc đè bẹp ý chí xâm lược của
kẻ thù.
Triều nhà
Trần kế thừa nhà Lý, ý thức “Dân là gốc” lại được phát huy cao hơn. Giặc
Nguyên - Mông hung hãn và hùng mạnh nhất thời đó, nhưng cả 3 lần xâm
lược đất Việt (các năm 1258, 1285 và 1287 - 1288) đều bị thất bại thảm
hại. Để có được thành công to lớn như vậy, trước hết nhà Trần đã tập hợp
được sức mạnh, thống nhất được ý chí của quân dân bằng việc long trọng
mở Hội nghị Diên Hồng (năm 1284). Vua đã cho mời các vị bô lão, những
người có uy tín nhất từ các làng, xã trong các vùng, miền về Kinh thành
Thăng Long bàn việc quyết tâm đánh giặc. Nhờ quyết tâm cao của toàn dân
quanh triều đình và việc tập hợp, trọng dụng được nhiều tướng tài, xuất
thân từ nhiều tầng lớp, với nhiều hoàn cảnh khác nhau, như Trần Quang
Khải, Trần Bình Trọng, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản,
Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng..., mà đứng đầu là Hưng Đạo Đại Vương
Trần Quốc Tuấn, nên Triều nhà Trần đã bảo vệ vững chắc giang sơn, đất
nước. Khi đất nước thanh bình, Trần Quốc Tuấn đã đưa ra kế sách “Khoan
thư sức dân để làm kế bền gốc rễ, đó là thượng sách giữ nước”.
Đến
Triều đại nhà Lê, ý thức “Dân là gốc” được Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi
viết rất rõ trong mở đầu “Bình Ngô đại cáo”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên
dân”, và ông là người đã sớm đưa ra nhận định: “Chở thuyền là dân, lật
thuyền cũng là dân” để cảnh báo cho những ai đi ngược lại lợi ích của
dân, làm trái lòng dân... Đến Triều Nguyễn, khi vua Hàm Nghi rời Kinh đô
Huế để phát động kháng chiến chống thực dân Pháp, trong lời Chiếu của
mình, nhà vua đã viết: “Dân là gốc của xã tắc”.
2 -
Từ ngày có Đảng, Đảng ta và Bác Hồ đặc biệt đánh giá cao vị trí, vai
trò của nhân dân, quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần
của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “trong bầu trời không gì quý
bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của
nhân dân”, “nước lấy dân làm gốc”. Người còn khẳng định “việc gì đúng
với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái
đấu tranh”, “Đảng không có dân thì lấy đâu ra lực lượng? Dân không có
Đảng thì lấy ai dẫn đường?...”. Tư tưởng đó được Đảng ta nhất quán trong
công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từ các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại
xâm, đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
hiện nay.
Quan điểm
của Đảng ta về công tác dân vận đã khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân là chủ, nhân dân làm
chủ”. Đảng ta đã kịp thời đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm từ
các sự kiện, vụ việc phức tạp liên quan đến quan hệ giữa chính quyền với
nhân dân, như sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông
Âu; sự kiện thay đổi chính quyền ở các nước Trung Đông, Bắc Phi...; vụ
Thái Bình những năm 1997 - 1999, vụ bạo động xảy ra ở Tây Nguyên (tháng
2-2002, tháng 4-2004), vụ Mường Nhé (Điện Biên) năm 2011... để lãnh đạo
xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nắm chắc tâm tư, nguyện
vọng chính đáng của nhân dân, chăm lo công tác an sinh xã hội, không
ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Đảng đã ra nhiều nghị quyết
chuyên đề, như nghị quyết về đại đoàn kết toàn dân tộc; về công tác dân
tộc, công tác tôn giáo; về giai cấp công nhân, nông dân, doanh nhân, trí
thức, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên... để định hướng lãnh đạo và
vận động, tập hợp quần chúng qua các thời kỳ cách mạng.
Để
phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Đảng đã ban hành một số chỉ thị,
quyết định, quy định để cấp ủy đảng thực hiện, như Chỉ thị số 100-CT/TW,
ngày 13-01-1981, của Ban Bí thư Trung ương, về cải tiến công tác khoán,
mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp
tác xã nông nghiệp; Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-02-1998, của Bộ Chính
trị, “về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở”; Quyết định số
217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị
“về việc ban hành Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, “Quy định về việc Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham
gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Nhà nước cũng ban hành
nhiều văn bản quy phạm pháp luật để các cấp chính quyền và mọi công dân
chấp hành. Hiện nay, cơ quan soạn thảo văn bản đang lấy ý kiến góp ý vào
dự thảo Luật Trưng cầu ý dân trước khi trình Quốc hội thông qua. Việc
“trưng cầu ý dân” thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhân dân,
thể hiện sự công khai, dân chủ của Đảng với nhân dân. Đảng, Nhà nước
thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo: phát huy dân chủ phải gắn với
kỷ cương, kỷ cương phải gắn với dân chủ. Đồng thời, hết sức cảnh giác
với các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề về “dân chủ”, “nhân
quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để kích động, chia rẽ mối quan hệ Đảng -
Dân, chia rẽ lòng Dân, ý Đảng, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”,
bạo loạn, lật đổ ở nước ta. Rõ ràng, sự nghiệp cách mạng nước ta phát
triển thắng lợi, trong đó có thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 30
năm đổi mới, chính là nhờ lòng Dân gắn với ý Đảng, là nhờ mối quan hệ
máu thịt, mối quan hệ “cá - nước” giữa Đảng với Dân được dày công vun
đắp, tăng cường.
3 -
Tuy nhiên, trong thực tiễn vừa qua nhiều vụ, việc diễn ra trái với lòng
Dân, ý Đảng cần phải được nhìn nhận thấu đáo, từng bước lãnh đạo, chỉ
đạo và kiên quyết khắc phục kịp thời, đó là:
Một
số ít bộ, ngành đưa vào thông tư hướng dẫn những chính sách không sát
thực tế, không hợp lòng dân. Có người cho đó là những chính sách “từ
trên trời rơi xuống”. Một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng
chủ trương của Đảng về công tác cán bộ để thông qua cấp ủy hoặc chính
quyền hoặc thủ trưởng đơn vị bố trí người thân của mình vào những chức
vụ lãnh đạo, quản lý nhưng không tương xứng với năng lực, trình độ, uy
tín. Việc làm đó đã gây tâm lý băn khoăn trong cán bộ, đảng viên, nhân
dân.
Nhân dân cũng
lo lắng về các biểu hiện “vận động hành lang” dưới mọi hình thức trái
nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng diễn ra ở một số tổ chức đảng,
chính quyền. Một bộ phận cán bộ, đảng viên “nghĩ khác, nói khác”, “nói
khác, làm khác” và “nói không làm”, sống thiếu gương mẫu, trái với lời
dạy của Bác Hồ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn
văn tuyên truyền”. Một số cán bộ lo “chạy chức, chạy quyền” do có cán
bộ lãnh đạo, quản lý, thủ trưởng đơn vị không công tâm, khách quan trong
đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ. Từ đó, vô tình hay hữu ý đưa vào bộ
máy nhà nước một bộ phận cán bộ cơ hội, thực dụng, mang nặng chủ nghĩa
cá nhân, hoặc một số biểu hiện “lợi ích nhóm” đã làm giảm niềm tin của
nhân dân vào tổ chức đảng.
Bên
cạnh đó, mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, có nhiều biện
pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết và có nhiều kết quả đáng ghi nhận,
nhưng tình trạng tham nhũng còn lớn; số người chết do tai nạn giao
thông, số người nghiện ma túy, nhiễm HIV còn cao; giải quyết việc làm, ô
nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm kết quả, hiệu quả còn thấp. Một số
nơi cải cách thủ tục hành chính chưa tốt, giải quyết đơn, thư khiếu nại,
tố cáo của công dân thiếu kịp thời... cũng đều trái với “Lòng Dân, ý
Đảng”.
4 - Chuẩn bị
đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, nhân dân rất quan
tâm, kỳ vọng đến việc các cấp ủy đảng đánh giá đúng tình hình, nhất là
đưa ra được những quyết sách để phát triển nhanh, bền vững kinh tế, bảo
vệ vững chắc và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; nâng cao đời sống vật chất
và tinh thần cho nhân dân; giải quyết tốt vấn đề việc làm; giảm thiểu
tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội; giảm tham nhũng, lãng phí; ô nhiễm
môi trường; chăm lo tốt hơn việc học hành, chữa bệnh cho nhân dân,...
Đặc biệt, nhân dân mong muốn các cấp ủy đảng quan tâm lắng nghe ý kiến
góp ý, xây dựng, giới thiệu của nhân dân để chọn người có đức, có tài
cho Đảng. Những người vào cấp ủy phải được đánh giá đúng hiệu quả, kết
quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, được nhân dân tín nhiệm.
Trong thực tiễn đã có một số ít trường hợp lựa chọn cán bộ của cấp ủy
đảng không hợp với lòng Dân. Có cán bộ được bầu, được phân công vào
cương vị lãnh đạo nhưng người dân tín nhiệm thấp và ngược lại có cán bộ
được đông đảo nhân dân đánh giá tốt, tín nhiệm nhưng không được cấp ủy
lựa chọn. Những trường hợp đó cần sớm nghiêm túc giải quyết, để thực
hiện thành công đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đảng
ta từ nhân dân mà ra, ý Đảng bắt nguồn từ lòng Dân và chính lòng Dân đã
kết thành ý Đảng. Đảng lãnh đạo nhân dân thì nhân dân cũng được quyền
nói lên chính kiến của mình. Ý Đảng không thể khác với lòng Dân. Đảng
phải trực tiếp trả lời câu hỏi: Nhân dân đang muốn gì? để từ đó đề ra
các chủ trương, đường lối cho đúng, cho sát và phù hợp với nhân dân. Mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng ta
từng bước phấn đấu chỉ có thể thành công khi Đảng, Nhà nước mãi mãi lấy
“Dân là gốc”, phát huy tốt sức mạnh to lớn của nhân dân trong phát triển
kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, tích cực và chủ động
hội nhập quốc tế, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thường xuyên
gắn kết chặt chẽ “Lòng Dân, ý Đảng” trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp
đổi mới đất nước./.
Nguyễn Thế Trung
Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương
(Nguồn: TCCS)