Thứ Ba, 26/11/2024
Đảng trong cuộc sống hôm nay
Thứ Sáu, 24/7/2015 10:10'(GMT+7)

Phát huy sự tham gia của nhân dân để đại hội đảng bộ các cấp thành công

Hội nghị lấy ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) qua các thời kỳ góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng bộ thị xã, nhiệm kỳ 2015-2020.(Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh)

Hội nghị lấy ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) qua các thời kỳ góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng bộ thị xã, nhiệm kỳ 2015-2020.(Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh)

Tại mỗi kỳ Đại hội, Đảng sẽ tổng kết, đánh giá một chặng đường và vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cho chặng đường tiếp theo của sự nghiệp cách mạng. Đảng có trong sạch, vững mạnh mới lãnh đạo được toàn thể nhân dân, dân tộc Việt Nam tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp tiến tới sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là một cột mốc, một nấc thang tiến tới thực hiện mục tiêu đó. Có thể nói chất lượng, sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng ở mức độ nào sẽ quyết định những thắng lợi, thành công của sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị. Trái lại, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng được tiến hành với chất lượng thấp, không thành công, hoặc chỉ gọi là “thành công” trên danh nghĩa mà thiếu thực chất thì nhất định sẽ ảnh hưởng không chỉ đến sự nghiệp cách mạng, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc nói chung mà còn đến từng ngành, từng địa phương, đơn vị cũng như đời sống của nhân dân nói riêng.

Ngày 30/5/2014, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 36-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả: phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ cương của Đảng; đề cao trách nhiệm và phát huy cao độ trí tuệ của cấp uỷ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Một đại hội đảng bộ có nhiều nội dung, nhưng quan trọng nhất thể hiện ở hai tiêu chí: một là chất lượng tốt của Báo cáo chính trị (phần kiểm điểm nhiệm kỳ và phần phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới); hai là chất lượng tốt của nhân sự cấp uỷ do đại hội bầu ra.

Để có Báo cáo chính trị tốt, chất lượng cao, phần tổng kết nhiệm kỳ phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng, đủ, chính xác tình hình mọi mặt trong nhiệm kỳ qua, những việc làm được, chưa làm được, ưu khuyết điểm và nguyên nhân… Đồng thời, đề ra được phương hướng, nhiệm vụ, những biện pháp công tác nhiệm kỳ tới một cách đúng đắn, sát hợp với tình hình, yêu cầu của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị và trong phạm vi cả nước, đặc biệt có những biện pháp cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Sau khi có Báo cáo chính trị với phần tổng kết, đánh giá và phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu đúng đắn, sát hợp, chất lượng cao, thì công tác nhân sự - lựa chọn, bầu được nhân sự cấp uỷ các cấp, đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng có chất lượng cao, theo đúng yêu cầu của Đảng đề ra là việc quan trọng. Vấn đề này cũng là trọng tâm của Hội nghị Trung ương 11 khoá XI. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Công tác nhân sự là hết sức hệ trọng, là công việc gốc của Đảng. Muốn Đảng mạnh, trước hết cơ quan Đảng phải mạnh”. “Công tác cán bộ của Đảng là then chốt của then chốt”…

Để có nhân sự cấp uỷ tốt, chất lượng cao, đòi hỏi việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia cấp uỷ, trước hết phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ, đồng thời chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển. Các cấp uỷ viên phải là người tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức, kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân và được nhân dân tín nhiệm; có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; có trình độ học vấn, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao. Tham gia cấp uỷ phải là những cán bộ, đảng viên mà bản thân hoặc vợ (chồng), con không vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy ín của cơ quan, đơn vị và bản thân cán bộ; không vi phạm quy định của Trung ương về tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm.

Thông báo Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khoá XI nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”.

Cho đến nay, một số ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã tiến hành xong đại hội đảng bộ cấp mình. Về cơ bản cũng thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình theo đúng nguyên tắc tổ chức của Đảng, theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu. Cần phải qua thời gian, ít nhất là cả nhiệm kỳ tới, qua thực tiễn chứng minh thì mới có thể khẳng định chắc chắn đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội XII của Đảng ta có thành công hay không. Qua thời gian một nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp và toàn quốc, tình hình mọi mặt (chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…) của một địa phương, một ngành, một cơ quan, đơn vị, cho đến toàn quốc đều có thành tựu lớn, có phát triển bền vững, được nhân dân thừa nhận thì mới có thể khẳng định là đại hội đảng đã thành công thực sự. Điều đó chứng tỏ Báo cáo chính trị của đại hội đảng là có chất lượng cao, sát thực tế, và đội ngũ nhân sự cấp uỷ do đại hội bầu ra là có chất lượng, là những người có đức, có tài thực sự, đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Đại hội đảng bộ các cấp nói riêng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung trước hết là công việc của Đảng, của mỗi đảng bộ, mỗi đảng viên của Đảng. Phải khẳng định điều đó để cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự xây dựng, tự chỉnh đốn mình, tránh tư tưởng thụ động, ỷ lại, thiếu tích cực.

Tuy nhiên, để đại hội đảng bộ các cấp cho đến Đại hội XII của Đảng thực sự “thành công tốt đẹp” thì vai trò của nhân dân rất quan trọng, cần thiết, nếu thiếu vắng sự tham gia của nhân dân, hoặc sự tham gia đó chỉ là hình thức,“làm lấy lệ”, không thực chất thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, đại hội đảng nói riêng không thể “thành công tốt đẹp”. Đó là điều cần phải khẳng định dứt khoát, vì các lý do sau:

Một là, mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân là quan hệ mật thiết “quan hệ máu thịt”. Đó còn là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của Đảng ta. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, trong Cương lĩnh, Điều lệ và rất nhiều văn kiện quan trọng của Đảng ta qua các thời kỳ. Thực tế hơn 85 năm qua, từ ngày thành lập đến nay sức mạnh của Đảng và sự thắng lợi của cách mạng là do Đảng ta luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, ý Đảng lòng dân sắt son như một, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc để làm nên những kỳ tích lịch sử. Nhưng trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, lòng sắt son ấy đã bị ít nhiều mai một vì “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái, quan liêu, xa dân…

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã viết : “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân… Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng yêu cầu cần có giải pháp xây dựng cơ chế để nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia xây dựng Đảng.

Đảng ta là đội tiên phong, đại biểu cho ý chí, trí tuệ, quyền lợi không chỉ của giai cấp công nhân mà còn là của toàn thể nhân dân và dân tộc Việt Nam. Đảng là người lãnh đạo và đầy tớ trung thành của nhân dân. Nhân dân có quyền hạn và trách nhiệm tham gia xây dựng, giám sát “người lãnh đạo và đầy tớ trung thành” của mình. Đó là điều đã được ghi nhận trong Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Cách mạng Việt Nam đã lựa chọn, uỷ thác, giao phó cho Đảng Cộng sản Việt Nam vai trò và trọng trách vẻ vang đó. Không có sự đồng tình, ủng hộ, sự tín nhiệm, uỷ thác đó của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể tồn tại và phát triển. Nhân dân cần có Đảng là “người lãnh đạo và đầy tớ trung thành”, Đảng Cộng sản Việt Nam cần có nhân dân ủng hộ, xây dựng để tồn tại và phát triển, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó thực sự là “ý Đảng lòng Dân”. Bởi vậy, không có lý do gì mà nhân dân lại không có quyền, không được tạo cơ hội, điều kiện để tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, nói riêng là công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Đảng cần dân, dựa hẳn vào dân để xây dựng Đảng. Dân tham gia góp ý, phản biện, giám sát xây dựng Đảng để đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng thành công, đó vừa là tình cảm, trách nhiệm và cũng là quyền lợi thiết thân của toàn dân, của mỗi người dân. Bởi vậy, dù ít hay nhiều, mỗi người dân đều cần có sự quan tâm, tham gia hợp với sức mình vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, cụ thể trước mắt hiện nay là đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng.

Hai là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh là công việc thường xuyên, rất hệ trọng, và cũng vô cùng khó khăn, phức tạp. Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã rất đúng, rất trúng, đưa ra được hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện, qua mấy năm thực hiện cũng làm được nhiều việc cơ bản, có những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, kết quả còn rất hạn chế, chưa đạt mục tiêu và sự kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân. Số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp suy thoái, biến chất, tham nhũng, làm hại dân, hại nước bị lôi ra ánh sáng, bị xử lý rất ít. Dư luận quần chúng nhân dân và nhiều cán bộ, đảng viên vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng về “lợi ích nhóm” tiêu cực, tham nhũng, sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ có chức, có quyền còn không ít và ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Nguyên nhân là do Đảng, Nhà nước chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, để quyền lực tha hoá và chưa có cơ chế phù hợp để nhân dân làm chủ và có quyền lực thật sự, trình độ và năng lực quản trị quốc gia, luật pháp còn nhiều kẽ hở và việc chấp hành luật pháp không nghiêm… Trước những băn khoăn, lo lắng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội ngày 9/5/2015, nói: “Vấn đề này còn làm lâu dài, mấy nhiệm kỳ nữa, chúng ta rút kinh nghiệm để làm tiếp. Chúng ta có quyết tâm, có biện pháp làm cho đúng, nhưng vì nó khó quá vì đụng đến con người từ lợi ích, danh dự, quan hệ, mong cử tri chia sẻ và Trung ương sẽ cố gắng làm đến mức tối đa. Chúng ta có quyết tâm cao, biện pháp làm khoa học, quan trọng nhất là sự đồng thuận”.

Chính vì việc “khó quá” nên càng cần phải dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, cụ thể là việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Người đã khẳng định: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thực thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(1)./.
_______________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H, 2002, t.5, tr.297.

PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu
Học viện Hành chính quốc gia

(Nguồn: TCCS)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất