Không chỉ xuống địa phương tuyên truyền, không phải đến rồi đi mà Bộ đội Biên phòng đã thực sự lấy bản là nhà, coi bà con dân tộc là người thân trong gia đình; quan tâm, thấu hiểu đời sống của nhân dân và “chung lưng đấu cật”, cùng làm, cùng chịu trách nhiệm với bà con...
Về xóm Lũng Phiắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) những ngày này, chứng kiến sự no ấm, yên bình, ít ai biết rằng chỉ cách đây chừng chục năm, Lũng Phiắc là một “điểm nóng” ở Cao Bằng: “nóng” chuyện dân đổ xô đi khai thác quặng lậu, “nóng” chuyện dân bỏ bê đồng ruộng, bỏ chăn nuôi.
Lý A Khâm sinh năm 1981, người Đội 1 (Lũng Phiắc), cách đây chừng chục năm còn cùng 3 người trong gia đình đưa 8 con la lên núi khai thác quặng lậu “đạt mốc” 24 chuyến/ngày. Sau khi “giã từ” quặng lậu, anh Khâm mở đại lý sản xuất vật liệu xây dựng và thầu xây dựng công trình, không chỉ làm giàu chính đáng, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác.
Sự thay da đổi thịt của Lũng Phiắc hay “bước ngoặt” cuộc đời mang lại đời sống khấm khá cho Lý A Khâm có sự giúp đỡ rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng).
Không chỉ xuống Lũng Phiắc để tuyên truyền, mà các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy còn tổ chức các tổ biên phòng “cắm bản”, “4 cùng”: đưa cán bộ tăng cường về địa phương, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với bà con.
Ngày đầu, bà con nhân dân khó khăn vốn sản xuất, Bộ đội Biên phòng giúp tiền mua giống cây, con; mở các lớp tập huấn trồng ngô, lúa, chăn nuôi lợn, gà, rồi tìm đầu ra cho sản phẩm…Thượng tá Mê Văn Đạt, cán bộ biên phòng được tăng cường về Đàm Thủy làm Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã còn mạnh dạn đề nghị trên cấp kinh phí làm cầu, đường, củng cố hệ thống kênh mương nội đồng, đưa sản xuất nông nghiệp ở Lũng Phiắc từ một vụ lên hai vụ.
Như vậy, không chỉ xuống địa phương tuyên truyền, không phải đến rồi đi mà Bộ đội Biên phòng đã thực sự lấy bản là nhà, coi bà con dân tộc là người thân trong gia đình; quan tâm, thấu hiểu đời sống của nhân dân và “chung lưng đấu cật”, cùng làm, cùng chịu trách nhiệm với bà con.
Không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, ổn định tình hình an ninh chính trị, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng còn tổ chức chương trình “Nâng bước em đến trường”, với việc hỗ trợ hàng chục học sinh nghèo hiếu học mỗi tháng 500 nghìn đồng. Có đồn còn đưa các cháu về đồn nuôi ăn học. Điều đáng nói nữa là Bộ đội Biên phòng Cao Bằng không chỉ tặng tiền cho các cháu ăn học mà còn thường xuyên giữ mối liên lạc với gia đình, nhà trường để nắm chắc kết quả học tập và kịp thời giúp đỡ, động viên các cháu vươn lên.
Đó là cách giúp dân thể hiện “trách nhiệm đến cùng” của các chiến sĩ mang quân hàm xanh.
Như vậy có thể nói, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng không chỉ giúp bà con nhân dân “con cá” khi khó khăn, thiếu đói, mà thực sự sâu sát, nắm chắc nhu cầu, thấu hiểu nguyện vọng, biết được năng lực của bà con để trao cho họ chiếc “cần câu” và hướng dẫn cách “câu con cá”.
Trong những năm qua, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, cuộc sống của đại bộ phận nhân dân từng bước được nâng cao, song vẫn có những làng bản, nhất là ở vùng sâu vùng xa, đời sống của nhân dân vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Đã có những chiếc áo ấm, chăn bông về vùng đồng bào khó khăn trong những ngày giá rét. Đã có những cân gạo, gói mì tôm của các nhà hảo tâm giúp người nghèo dịu đi cơn đói khi giáp hạt. Đó là những việc làm rất đáng trân trọng, thể hiện truyền thống tốt đẹp “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta, song có lẽ là chưa đủ để người dân hết đói, hết rét. Cái cần hơn nữa là phải giúp dân cách làm, để tự mình xóa đói, xóa nghèo.
Cách giúp dân của Đồn Biên phòng Đàm Thủy nói riêng, BĐBP tỉnh Cao Bằng nói chung có thể coi là một mô hình hay để mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham khảo, từ đó có cách giúp đỡ nhân dân phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn./.
Hoàng Hà (QĐND)