Trong hai ngày 12 và 13/12, tại Thừa Thiên - Huế đã diễn ra Hội thảo “Đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí hiện hành và những kiến nghị, đề xuất cần sửa đổi, bổ sung. Đánh giá tác động của dự án đào tạo nâng cao chất lượng báo chí Việt Nam và những đề xuất về mô hình hợp tác trong tương lai”. Hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã điểm lại tình hình thực hiện Luật Báo chí 10 năm qua. Kể từ khi Luật Báo chí có hiệu lực đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí hoạt động dưới sự quản lý của Nhà nước. Báo chí đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền, thông tin về các chính sách của Đảng, Nhà nước và đáp ứng kịp thời thông tin cho người dân. Tuy nhiên, Luật Báo chí cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung như: hoạt động của các loại hình báo chí, quản lý các cơ quan báo chí, thuế báo chí, hoạt động liên kết báo chí, quảng cáo trên báo chí….
Nhiều đại biểu cho rằng sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là cần thiết. Ông Nguyễn Quang Thông – Tổng biên tập báo Thanh niên cho rằng: Luật nên chia cách quản lý báo chí làm hai phần: báo chí chính thống và truyền thông xã hội. Trong đó cần quy định cụ thể về trách nhiệm đối với các tổ chức cá nhân đưa thông tin phát tán ra cộng đồng; đồng thời, quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn với người phát ngôn của các cơ quan chức năng để tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp. Với loại hình báo điện tử, ông Phạm Hiếu – Phó Tổng biên tập báo điện tử Vnexpress kiến nghị cần quy định cụ thể về quảng cáo để phù hợp với khách hàng cũng như cơ quan quản lý; cần làm rõ phương thức, thời gian cải chính thông tin trên báo điện tử; quy định về quyền miễn trừ trách nhiệm đối với thông tin báo chí. Về hoạt động của các loại hình báo chí, ông Bùi Đức Khiêm – Tổng biên tập báo Công thương cho rằng cần quy định cấp phép xuất bản báo chí một cách cụ thể đối với các lĩnh vực báo, tạp chí, phát sóng... Đơn vị nào cần được cấp phép và không được cấp phép để quy hoạch báo chí cho phù hợp... Những ý kiến, góp ý này sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông tập hợp để trình Quốc hội xem xét trong các kỳ họp sắp tới.
Hội thảo còn nhận được 16 tham luận đánh giá công tác đào tạo giải pháp nâng cao chất lượng báo chí ở Việt Nam. Kiến nghị về công tác đào tạo báo chí trong tương lai, các đại biểu cho rằng cần thiết lập trung tâm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí; đào tạo bổ sung số nhân sự làm việc trong cơ quan báo chí vì công nghệ làm báo ngày nay liên tục phát triển; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, tập trung vào một số chuyên đề quan trọng; tăng cường liên kết đào tạo, tham quan học hỏi giữa các cơ quan báo chí trong và ngoài nước…/.
TTXVN