Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 27/11/2009 11:13'(GMT+7)

Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Konplong: Vượt khó để trưởng thành

Cùng chung với cái khó của huyện, cơ sở vật chất của Trung tâm BDCT huyện ban đầu còn rất đơn sơ: trụ sở làm việc cũng chính là phòng làm việc của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ tại khu nhà tạm làm bằng gỗ; trang thiết bị với 01 máy vi tính, đội ngũ báo cáo viên của huyện kiêm báo cáo viên của Trung tâm BDCT.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp uỷ đảng và chính quyền, đến cuối năm 2004 Trung tâm BDCT huyện đã khánh thành và chuyển về làm việc tại trụ sở mới với 04 phòng làm việc, 01 hội trường, 04 phòng ở và 01 nhà ăn cho học viên. Nhưng bộ máy hoạt động vẫn là cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ kiêm nhiệm và 01 cán bộ chuyên trách của Trung tâm. Năm 2005, bộ máy hoạt động của Trung tâm tiếp tục được kiện toàn với 01 Giám đốc do Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ kiêm nhiệm, 01 Phó giám đốc do đồng chí Phó ban Tuyên giáo kiêm nhiệm và 03 cán bộ chuyên trách.

Đến ngày 01/06/2008 bộ máy Trung tâm BDCT huyện bắt đầu tách ra hoạt động độc lập gồm: 01 Giám đốc, 01 Phó giám đốc và 03 chuyên viên, đây là những cán bộ được đào tạo cơ bản ở các trường sư phạm trong nước; đồng chí Giám đốc và Phó giám đốc đã qua chương trình cao cấp LLCT. Đội ngũ báo cáo viên của Trung tâm gồm cán bộ chuyên trách của Trung tâm và một số báo cáo viên cấp huyện thuộc các ban của Huyện uỷ.

Tuy nhiên, do điều kiện chung của huyện còn nhiều khó khăn, với nhu cầu cấp bách cần đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn cho thanh niên nông thôn vùng sâu, vùng xa, nên Trung tâm BDCT huyện đã nhường trụ sở làm việc của mình cho Trung tâm dạy nghề Măng Đen theo chủ trương của Huyện uỷ và Tỉnh uỷ. Do vậy, đến nay Trung tâm BDCT huyện chuyển về làm việc tại Trụ sở Huyện uỷ để chờ đầu tư xây dựng.

Mặc khác, do đặc thù của huyện có 9/9 xã được hưởng chế độ Chương trình 135 của Chính phủ, với địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhất là trong mùa mưa; 91,23% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp và không đồng đều, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn; khí hậu ở huyện KonPlông chỉ có hai mùa trong năm: 01 mùa nắng, 01 mùa mưa (mùa nắng từ tháng 2 đến tháng 6, mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 1 năm sau). Vì vậy, Trung tâm BDCT huyện phải xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng LLCT ở cơ sở vừa đảm bảo theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện uỷ, vừa phải đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất để mở lớp. Trong cái khó, ló cái khôn, tập thể cán bộ Trung tâm đã tham mưu sắp xếp xây dựng kế hoạch sao cho mùa nắng tập trung đi các xã vùng sâu, vùng xa để mở lớp; các lớp tại Trung tâm huyện và các xã gần sẽ tổ chức vào mùa mưa và tổ chức khi có yêu cầu đột xuất của Thường trực Huyện uỷ và các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện uỷ.

Tuy có nhiều khó khăn trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đối tượng ở cơ sở về nơi ăn, ở, chế độ ăn của học viên quá thấp so với giá cả thị trường, nhưng Trung tâm BDCT huyện đã rất quan tâm đến vấn đề chất lượng.

Trong công tác tuyển sinh, Trung tâm đã phối hợp với Đảng uỷ các xã để tuyển chọn và có sự thẩm định, phê duyệt của các ban xây dựng đảng; đối với học viên lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng ở nông thôn phải có trình độ từ THCS trở lên. Đội ngũ báo cáo viên lên lớp đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn Đại học trở lên, có trình độ LLCT từ Trung cấp trở lên, được phân công phụ trách, lên lớp các chuyên đề phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, trình độ chuyên môn đang công tác và yêu cầu phải có kiến thức thực tiễn để liên hệ vào nội dung từng bài học, làm cho học viên dễ dàng liên tưởng đến công việc, vấn đề, hiện tượng cụ thể ở địa phương. Tài liệu cho học viên ở cơ sở cũng được Trung tâm BDCT huyện phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện uỷ biên soạn lại trên cơ sở tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn và phát hành để học viên dễ dàng tiếp cận và dễ hiểu hơn.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ, Thường trực Huyện uỷ, định hướng về nội dung của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, sự nổ lực hết mình của tập thể Trung tâm BDCT huyện và sự phối hợp của các ban xây dựng Đảng huyện, từ năm 2002 đến ngày 20/11/2009 đã tổ chức 42 lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng cho 2.063 đoàn viên ưu tú, quần chúng ưu tú ở các xã và khối các cơ quan, 15 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, có 648 đ/c tham gia; 04 lớp bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở, có 119 đ/c tham gia; 4 lớp bồi dưỡng chuyên đề về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, có 274 đ/c tham gia. Ngoài ra, hằng năm Trung tâm BDCT huyện còn phối hợp với các ban của Huyện uỷ tổ chức bồi dưỡng lý luận và kiến thức thực tiễn trong công tác Đảng cho bí thư, cấp uỷ viên cơ sở; bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho thôn trưởng; phối hợp với các ngành đoàn thể huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng LLCT, nghiệp vụ cho đoàn viên, hội viên, cán bộ hội ở cơ sở; phối hợp với Cơ quan Quân sự huyện tổ chức các lớp giáo dục quốc phòng cho đối tượng 4 tại các xã.

Đặc biệt từ đầu năm 2009 đến nay, thực hiện Quy định 185-QĐ/TW, của Ban Bí thư khoá X về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm BDCT huyện, Trung tâm đã phối hợp với Ban tuyên giáo Huyện uỷ tổ chức các lớp triển khai quán triệt Nghị quyết của các cấp uỷ đáng cho cán bộ, đảng viên khối và quần chúng khối cơ quan chưa tham gia các lớp đợt 1 và đợt 2 do Ban Thường vụ Huyện uỷ, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ tổ chức. Cụ thể, tổ chức 01 lớp quán triệt Nghị quyết và các kết luận của Hội nghị Trung ương 9 (khoá X) có 130 đ/c tham gia; 01 lớp quán triệt các Kết luận của Bộ Chính trị khoá X, có 114 đ/c tham gia.

Bên cạnh những nội dung đã được quy định theo từng loại giáo trình mới do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, Trung tâm còn lồng ghép vào chương trình các lớp bồi dưỡng LLCT cho các đối tượng một số chuyên đề về giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt nam, về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chuyên đề chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, giáo dục đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới và một số chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số . . .

Sau mỗi đợt học, mỗi lớp học, Trung tâm BDCT huyện đã phối hợp với báo cáo viên, với các ban của Huyện uỷ để chấm điểm bài thu hoạch, đánh giá xếp loại và cấp giấy chứng nhận cho học viên theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Ban Tuyên giáo Trung ương.

Qua chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị đã giúp cho học viên nâng cao nhận thức về Đảng, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, đối với lớp bồi dưỡng chuyên đề về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc, vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo được các học viên tiếp thu rất phấn khởi và đề xuất Huyện uỷ, Trung tâm BDCT huyện tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng để nhân dân hiểu hơn về Đảng, về Bác Hồ.

Nhìn chung, qua các lớp bồi dưỡng LLCT, các đối tượng được tiếp thu các chuyên đề đã có những chuyển biến trong nhận thức và hành động: cán bộ, đảng viên ở cơ sở ngày càng ý thức hơn trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao; chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, những lời xúi dục của kẻ xấu, kẻ cơ hội… xây dựng đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đề ra.

Trên cơ sở những kết quả đạt được đó đã khẳng định sự đóng góp không nhỏ của công tác bồi dưỡng LLCT của Trung tâm. Mặc dù Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện KonPlông còn non trẻ, nhưng sau gần 8 năm xây dựng và trưởng thành đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Thành công đó đã thể hiện một tinh thần làm việc nghiêm túc, tâm huyết, yêu nghề của tập thể cán bộ, báo cáo viên Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, với phương châm nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cơ sở.

Trong năm 2010 và những năm tiếp theo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện KonPlông sẽ tiếp tục có kế hoạch, bám sát vào đề án xây dựng nguồn nhân lực của UBND tỉnh Kon Tum và chương trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở của Huyện uỷ KonPlông. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu nhân dân, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức cách mạng trong toàn Đảng bộ, toàn dân; củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong toàn xã hội./.

Mỹ Thu

Ban Tuyên giáo Huyện uỷ KonPlông - tỉnh Kon Tum
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất