PV : Đồng chí cho biết đôi nét về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Điện Biên đối với Cuộc thi đầy ý nghĩa này ?
Đồng chí Nguyễn Vân Chương : Ngay sau khi có Kế hoạch số 79 - KH/BTGTW, của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1.619 - QĐ/TU, ngày 05 tháng 6 năm 2012 về việc thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành: Kế hoạch số 12 - KH/BTC, ngày 12 tháng 6 năm 2012 về việc triển khai Cuộc thi; Quyết định số 59-QĐ/BTC, ngày 12 tháng 6 năm 2012 về việc thành lập Ban Giám khảo và chỉ định Tổ thư ký Cuộc thi; Công văn số 258, ngày 02 tháng 8 năm 2012 về việc tiếp tục đẩy mạnh tổ chức, tuyên truyền Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào” , xây dựng Thể lệ Cuộc thi và gửi đến Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy, các đảng ủy trực thuộc; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành liên quan để quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Chỉ đạo, định hướng Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các cơ quan có ấn phẩm báo chí trong tỉnh dành thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền làm rõ mục đích, ý nghĩa và Thể lệ Cuộc thi đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh biết và tham gia.
Sau quá trình triển khai, đã có 9 các huyện, thị, thành uỷ, 3 đảng ủy trực thuộc; Các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, căn cứ Kế hoạch số 12; Công văn số 258 của Ban Tổ chức Cuộc thi, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai và thực hiện phù hợp tại địa phương, đơn vị mình.
Có thể thấy rằng, tỉnh Điện Biên đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đạt kết quả như mục đích, yêu cầu và tư tưởng chỉ đạo nêu trong Kế hoạch Kế hoạch số 79 của Ban Tuyên giáo Trung ương.
PV: Là một trong những tỉnh hoàn thành Cuộc thi sớm, đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả, ý nghĩa đạt được của Cuộc thi tại Điện Biên?
Đồng chí Nguyễn Vân Chương: Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào ở Điện Biên đã đạt được những kết quả đáng mừng.
Trước hết, Về công tác tổ chức: Ban Tổ chức Cuộc thi được thành lập và đi vào hoạt động, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về hình thức, phương pháp, công tác chuẩn bị Cuộc thi. Các thành viên Ban Tổ chức, trên cương vị công tác của mình đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được phân công, đảm bảo Cuộc thi thành công.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành phố, các đảng bộ trực thuộc và các đoàn thể chính trị - xã cấp tỉnh đã chủ động, tích cực đề xuất và giúp cấp ủy triển khai kế hoạch, hướng nội dung và tổ chức Cuộc thi, đảm bảo Cuộc thi ở đơn vị, địa phương mình diễn ra sôi nổi, nhiệt tình, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo Cuộc thi là một hoạt động lớn về chính trị - xã hội, có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với chủ trương, quan điểm hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Thông qua việc tổ chức Cuộc thi tạo ra tác dụng thiết thực trong việc nâng cao nhận thức, cổ vũ hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh gìn giữ, vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào; Lào -Việt Nam “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững !”.
Về đối tượng dự thi:Cuộc thi đã thu hút số lượng lớn thí sinh tham gia dự thi (11.716 người). Đối tượng dự thi rất phong phú, đa dạng, gồm: cán bộ, đảng viên, đại diện các tầng lớp nhân dân, cựu chiến binh, phụ lão, thanh thiếu nhi, đặc biệt là số sinh viên Lào đang học tập tại các trường cao đẳng của tỉnh cũng tích cực tham gia.
Có thể nói, các thí sinh tham dự Cuộc thi đều thể hiện tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, niềm tin phấn khởi, tự hào về mối quan hệ, tình cảm đặc biệt giữa Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Nhiều thí sinh thực sự tâm huyết, dày công tìm tòi, nghiên cứu tư liệu, lựa chọn nội dung sự kiện lịch sử, những kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc để làm bài thi, nhiều bài dự thi đã thể hiện được sự phân tích, chứng minh, liên hệ sâu sắc, cụ thể.
Các bài tham dự Cuộc thi đều xác định tham gia Cuộc thi là cơ hội để nâng cao nhận thức, sự hiểu biết và trách nhiệm của bản thân là giữ gìn, vun đắp tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Cayson Phômvihản, Hoàng thân Xuvanuvông đặt nền móng và được các nhà lãnh đạo cao cấp và nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Về chất lượng Cuộc thi: Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Cuộc thi lần này về cơ bản đảm bảo chất lượng tốt, gây được ấn tượng và có sức lan tỏa rộng lớn. Cuộc thi đã khơi dậy những tình cảm tốt đẹp thể hiện được trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công dân với việc giữ gìn và vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Sự liên hệ thực tiễn sinh động của các thí sinh khi tham dự Cuộc thi đã tôn vinh tình cảm keo sơn, gắn bó của Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong kháng chiến chống giải phóng dân tộc và trong xây dựng, phát triển đất nước như thí sinh Đinh Thị Kim Phượng đơn vị Tỉnh Đoàn, Phạm Thu Hà đơn vị phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, Phùng Thị Lê đơn vị Trung tâm GDTX huyện Mường Chà....
Về ý nghĩa, Cuộc thi đã có sức lan tỏa lớn, góp phần tạo nên những chuyển biến về nhận thức, hành động, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào trong lịch sử của hai dân tộc và trên những chặng đường phát triển mới.
PV : Với số lượng bài dự thi khá lớn, việc tuyển chọn và chấm của Ban Tổ chức được tiến hành như thế nào ?
Đồng chí Nguyễn Vân Chương : Việc chấm thi được chia làm hai vòng để đảm bảo chính xác, khách quan và lựa chọn được những bài thi xuất sắc nhất.
Tại vòng 1 Ban Giám khảo chấm công tâm, khách qua, công bằng, khoa học lựa chọn được 50 bài lọt vào vòng 2. Kết quả chấm vòng 2 Ban Giám khảo đã lựa chọn được 13 bài, trong đó 2 bài dự thi đạt giải nhì; 3 bài dự thi đạt giải ba và 8 bài dự thi đạt giải khuyến khích, không có bài dự thi đạt giải nhất.
Ban Tổ chức đã lựa chọn 4 tập thể có thành tích suất sắc được UBND tỉnh tặng Bằng khen, Ban Tổ chức cuộc thi tặng Giấy khen cho 8 tập thể và chọn được 50 bài tham dự cuộc thi chung kết tại Trung ương.
PV : Qua việc tổ chức Cuộc thi, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì ?
Đồng chí Nguyễn Vân Chương: Để Cuộc thi thành công, trước hết, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp, giúp đỡ tạo điều kiện và triển khai tích cực, khẩn trương của các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, sự cổ vũ, động viên tham gia dự thi của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, các đoàn viên, đội viên, hội viên tại các sở, ban ngành đoàn thể, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Cuộc thi Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong toàn tỉnh đã kết thúc và được đánh giá là thành công tốt đẹp. Song cũng cần phải chỉ ra một số hạn chế để có biện pháp khắc phục trong các cuộc thi sau. Đó là: Một số cấp ủy, đơn vị chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích và nêu rõ, đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa nhất là Thể lệ của Cuộc thi, nên chưa thực sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo để 100% cán bộ, đảng viên, công chức viên chức của đơn vị, cơ quan mình tham gia, dẫn tới tình trạng có nhiều thí sinh tham gia chiếu lệ, bài thi copy, sao chụp lại, thời gian nộp bài dự thi về Ban Tổ chức Cuộc thi còn chậm so với thời gian quy định.
Bên cạnh đó, một số bài dự thi có số lượng từ vượt quá quy định, nhiều bài dự thi có nội dung sơ sài, trình bày thiếu khoa học, chưa đầu tư công sức, trí tuệ nên không đáp ứng với yêu cầu của Thể lệ cuộc thi.
Để các cuộc thi tiếp theo trong những năm tới đạt kết quả cao, trước hết công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến phải thực sự có chiều sâu, phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của cuộc thi.
Cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện trước, đồng thời có biện pháp chỉ đạo cụ thể, kiên quyết, kịp thời.
Phát huy tốt vai trò trách nhiệm của Ban Tổ chức, từng thành viên Ban Tổ chức và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quán triệt, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện.
PV : Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !
Song Minh (thực hiện)