Thứ Ba, 26/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 19/5/2011 11:32'(GMT+7)

Đoàn kết như Bác dạy

 Kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ năm nay cũng vừa tròn 5 năm, Đảng ta phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giáo dục và rèn luyện đảng viên để giữ được mối đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân, nhằm thực hiện mục tiêu chung của dân tộc. Những điều Người căn dặn đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ và thường xuyên tự phê bình là cách tốt nhất để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nếu trong Đảng còn có những hiện tượng hống hách, độc đoán, chuyên quyền, cấp trên không lắng nghe cấp dưới, cấp dưới không dám phê bình cấp trên thì không thể nào có đoàn kết nhất trí được. Trong Đảng phải đoàn kết nhất trí thì mới làm gương, làm hạt nhân lãnh đạo được khối đại đoàn kết toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách.

Bác Hồ căn dặn rằng, đoàn kết là thân với người mà không kết bè phái, hòa hợp với người mà không a dua. Cần kiên quyết đấu tranh với xu hướng sai lầm trong nhận thức và thực thi đoàn kết. Đó là hiện tượng ngụy tạo giá trị đoàn kết của những kẻ suy thoái đạo đức, lối sống. Đó là những phần tử cơ hội, tự khoe "không mất đoàn kết" để che đậy âm mưu vụ lợi cá nhân... Đoàn kết trong Đảng phải là thực chất, không có kiểu “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Để có đoàn kết thực sự cần thực hành dân chủ. Nhưng dân chủ phải gắn với kỷ luật, kỷ cương. Không thể chấp nhận kiểu dân chủ vô chính phủ, thích nói gì thì nói, không có tổ chức, không có nguyên tắc. Muốn vậy, khi phê bình phải có thái độ xây dựng, tuyệt đối không được mỉa mai, bới móc, báo thù nhau. Không nên phê bình lấy lệ, càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”. Điều cốt yếu khi tự phê bình và phê bình là "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".       

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo Người, phải làm thường xuyên một việc quan trọng là giáo dục, rèn luyện đảng viên. Người viết: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chủ nghĩa cá nhân hàng ngày hàng giờ đẻ ra các thói xấu của cán bộ, đảng viên. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cho dù vậy, không có nghĩa là “giày xéo lên lợi ích cá nhân".

Bác Hồ cho rằng, mỗi người đều có tính cách, sở trường riêng, đời sống riêng. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với tập thể thì không phải là xấu. Mặt khác, nếu mỗi cán bộ, đảng viên không tự học tập, rèn giũa bản thân thì không theo kịp trình độ, nhịp sống của thời đại. Tự mình không mạnh lên và trong sáng hơn thì không thể tập hợp, đoàn kết được những người xung quanh.

Thực hiện lời dạy của Người, trong tình hình mới với nhiều vấn đề phát sinh, đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc xem xét, đánh giá khách quan, kịp thời có giải pháp phù hợp, bổ sung các chủ trương, chính sách nhằm bồi đắp và không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên để nâng cao trình độ và năng lực thực hành công việc, luôn luôn tự răn mình để không sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh. Chỉ có như vậy mới có thể tập hợp, đoàn kết nhân dân, qui tụ được những người tiêu biểu thuộc các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp xã hội ở trong nước và ở nước ngoài, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng phụng sự mục tiêu cao cả của thời đại ngày nay là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Giang Trung Sơn/VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất