Lâu nay ngành bảo tàng đều do các cơ quan Nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý. Thế nhưng gần đây ở TPHCM xuất hiện một công ty tư nhân dám bỏ ra tiền tỷ để lập bảo tàng khiến nhiều người bất ngờ. Đó là Công ty TNHH Bảo tàng FiTo do ông Lê Khắc Tâm làm chủ.
Từ lòng đam mê
Nép mình ở một góc đường Hoàng Dư Khương, quận 10 yên tĩnh, FiTo là bảo tàng về y học cổ truyền ra đời đầu tiên ở Việt Nam. Ông chủ Lê Khắc Tâm vốn không phải là người xuất thân trong ngành bảo tàng nhưng lại đam mê và luôn nghĩ đến chuyện làm bảo tàng. Trong nhiều chuyến đi nước ngoài, ông Tâm luôn dành thời gian đến thăm các bảo tàng và say mê những bộ sưu tập độc đáo trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo ông Tâm, nếu như hệ thống bảo tàng các nước phát triển có đến hàng trăm thì ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài chuyện nghèo nàn về số lượng thì chất lượng và trình độ quản lý của ta cũng kém xa và không thu hút được khách đến thăm. Mỗi lần chứng kiến như vậy, ông tự hỏi: “Có phải dân mình không thích sưu tập hay thờ ơ việc giữ gìn văn hóa dân tộc”.
Từ những day dứt đó ông Tâm dồn sức đầu tư kinh phí và lặn lội nhiều nơi để sưu tập lập nên bảo tàng y học. Theo ông Tâm: “Y học cổ truyền còn gọi là Đông y ra đời từ rất lâu và là nghề có tính nhân bản sâu sắc nhưng nay bị thất truyền nhiều, trong đó những hiện vật, tài liệu liên quan, dụng cụ hành nghề… thất lạc gần hết, không ai lưu giữ”.
Thế là ông Tâm cùng với các cộng sự bắt đầu công việc “đãi cát tìm vàng”, lang thang hàng chục năm trời sưu tập hiện vật về y học cổ truyền. Hết thành thị rồi đến nông thôn, thậm chí những vùng sâu, vùng xa… hễ nghe chỗ nào còn lưu giữ những gì liên quan đến nghề y là ông tìm đến hỏi mua bất cứ giá nào.
Bên cạnh đó, ông còn tìm tới quê hương và nơi làm việc của những danh y nổi tiếng như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông… để tìm những tài liệu quý và hiểu thêm về giá trị của y học cổ truyền. “Cách nay khoảng 6 năm, tôi cùng cụ Lê Hữu Hoài là cháu đời thứ 16 của danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác về thăm quê ngoại của danh y ở Hà Tĩnh.
Lúc đó thời tiết u ám, trời mưa rất to nhưng khi bước vào viếng mộ cụ Hải Thượng Lãn Ông thì đột ngột tạnh mưa và hửng nắng lạ thường. Viếng mộ xong, vừa lên xe về thì trời tiếp tục mưa như tát nước, tôi thầm nghĩ có lẽ hương hồn cụ cảm thông và ủng hộ việc làm ý nghĩa này. Từ đó, mỗi lần gặp trở ngại, tôi lại nhớ đến kỷ niệm chuyến về quê cụ như nung đúc tinh thần vượt qua khó khăn”, ông Tâm kể.
Đến những hiện vật quý giá
Bảo tàng y học cổ truyền FiTo hiện lưu giữ trên 3.000 hiện vật về y học, trong đó có nhiều vật quý như: Bộ sưu tập Dao cầu - Thuyền tán cách nay khoảng 2.500 năm, là dụng cụ để cắt thuốc thành những phiến mỏng. Rồi bộ ấm chén từ thế kỷ XVI dùng để sắc thuốc và uống thuốc được tìm kiếm ở Thanh Hóa; bộ cân - giã thuốc được sử dụng rộng rãi trong các tiệm thuốc thời xưa; bộ chày cối bằng đá của người Việt cổ dùng để bào chế thuốc...
Đặc sắc và đa dạng là bộ siêu được sưu tập từ khắp 3 miền đất nước. Có siêu tìm thấy ở Hà Đông, Hội An, Lái Thiêu… tuy không còn nguyên vẹn nhưng tất cả được ông Tâm nâng niu như báu vật. Ngoài những dụng cụ hành nghề y từ xa xưa, Bảo tàng y học FiTo còn sưu tập được một kho tàng sách Hán - Nôm về y học cổ truyền với hơn 100.000 trang, trong đó có nhiều sách quý như “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh, với 499 vị thuốc và 3.932 cách phòng trị 184 loại bệnh; sách “Y tông tâm lĩnh” của Hải Thượng Lãn Ông, với 28 tập, 66 quyển được xem là bách khoa toàn thư về y học cổ truyền Việt Nam…
Bên cạnh đó, ông Tâm còn dày công thực hiện tác phẩm “Việt Nam Bách gia y” chạm khắc bằng gỗ, tôn vinh tên tuổi của 100 vị danh y và những người có công đóng góp cho y học cổ truyền từ thế kỷ XII đến thế kỷ XX. Bảo tàng còn có mô hình “Ngôi nhà thuốc nam” với rất nhiều vị thuốc nổi tiếng; mô hình “Tiệm thuốc bắc” được sưu tập ở nhà thuốc Lục Hòa Đường - Chợ Lớn khoảng thế kỷ XIX. Ấn tượng nhất là bức tranh cẩn xà cừ mô tả về “Y học cổ truyền trong cuộc sống cộng đồng người Việt”, với phố thuốc bắc, chợ Bến Thành, kinh thành Huế và hồ Gươm. Đây là bức tranh đặc sắc về y học cổ truyền được ghi vào Guinness Việt Nam.
Chỉ mới hơn một năm rưỡi hoạt động nhưng Bảo tàng y học FiTo đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người yêu y học cổ truyền, góp tiếng nói quan trọng để ngành y học không bị thất truyền. Tuy nhiên, để FiTo ổn định và phát triển vẫn còn nhiều trở ngại. Hiện tại, nguồn thu của FiTo chủ yếu là bán vé vào cổng với giá 32.000đ; ngoài ra thực hiện một số dịch vụ về khám chữa bệnh đông y, bán thuốc… Dù còn khó khăn về nhiều mặt nhưng ông chủ Lê Khắc Tâm sẽ tiếp tục đầu tư và cải tiến để bảo tàng ngày càng hoàn thiện, sống động hơn. Tới đây, du khách sẽ được tham gia trực tiếp vào quá trình bào chế thuốc như cắt thuốc, tán thuốc, nếm thử vị thuốc…
Bảo tàng có 1 trệt và 5 lầu rộng khoảng 600m², toàn bộ nội thất được thiết kế bằng gỗ rất tinh xảo, với những khung nhà gỗ xưa mua về từ đồng bằng Bắc bộ tạo nên một nét riêng đặc sắc của FiTo không lẫn lộn vào đâu. Phong phú về hiện vật và cách bố trí sinh động, Bảo tàng y học FiTo đã làm ngạc nhiên nhiều du khách đến thăm, trong đó có nhiều vị khách từ châu Âu, châu Mỹ… thậm chí những chuyên gia từ các nước có nền y học cổ truyền nổi tiếng như Trung Quốc, Nhật Bản… |
Theo Huỳnh Phước Lợi (SGGP điện tử)