Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 16/11/2008 16:30'(GMT+7)

Sức sống của dân ca quan họ thời hiện đại

Têm trầu cánh phượng

Têm trầu cánh phượng

Lời ca mang hồn xứ sở

Dân ca quan họ góp phần làm nên nét đặc sắc của nhiều lễ hội, liên hoan lớn trong nước và đã đến với bạn bè quốc tế ở nhiều nước trên thế giới. Với các liền anh, liền chị của Bắc Ninh, được giới thiệu các làn điệu dân ca cùng với truyền thống văn hoá đặc sắc của quê hương là niềm tự hào của mỗi người con của vùng Kinh Bắc.

Theo một số nhà nghiên cứu, quan họ là một làn điệu hội tụ "khí chất" của rất nhiều làn điệu dân ca: nét trong sáng, rộn ràng của chèo, cái thổn thức, mặn mà của hát dặm; nét khoan nhịp, sâu lắng của ca trù; sự khoẻ khoắn, hồn nhiên của dân ca Nam bộ. Nhưng trên hết, quan họ là hồn của xứ sở, là "đặc sản" tinh thần của người Kinh Bắc. Ðất Kinh Bắc là nơi kết tụ của tài hoa các làng nghề nổi tiếng, đất của hàng nghìn di tích lịch sử, danh thắng của các đình, đền, chùa nổi tiếng. Đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân, nhân tài, kẻ sĩ, các bậc hiền tài của đất nước...

Người Kinh Bắc thông minh, tinh tế. Người dân từ thế hệ này sang thế hệ khác, gắn kết với nhau trong tình làng nghĩa xóm, trong lao động cần cù, trong khát vọng yêu thương, vượt lên thiên tai, địch hoạ, vượt lên gian khó, để "thương người như thể thương thân", "tứ hải giao tình, bốn biển một nhà" như lời dân ca Quan họ. Khát vọng sống của người Kinh Bắc đã hoá thân thành những làn điệu quan họ kỳ diệu "lời thì giao duyên, tình thì anh em ", vừa thực, vừa mơ, vừa giãi bày, vừa khúc chiết, vừa tình tự, vừa sâu sắc... Điểm hấp dẫn ở dân ca quan họ chính là sự gần gũi với tâm hồn con người.

Ở Kinh Bắc, hình thành 49 làng quan họ, rồi quần tụ thành vùng quan họ. Hội làng nào cũng ngân vang các làn điệu quan họ. Ðặc sắc nhất vẫn là Hội Lim ở huyện Tiên Sơn tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào ngày này, nam thanh nữ tú các nơi đổ về, trẩy hội tưng bừng, để được nghe các liền anh, liền chị xiêm y mớ bảy mớ ba, hát đối đáp, hát canh, hát hội, hát mừng... Hội Lim có đủ các phần từ lễ rước, lễ tế đến các trò chơi như: đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm... nhưng phần căn bản nhất của Hội Lim là hát quan họ. Từ Hát mời trầu, Hát gọi đò đến Con sáo sang sông, Con nhện giăng mùng... Cả một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian, xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật.

Quan họ thể hiện lối chơi đối đáp đạt tới trình độ nghệ thuật cao và là sự hội tụ tuyệt vời của thơ-ca-nhạc-họa nhằm bày tỏ tình yêu trai gái miền Quan họ với đầy đủ trạng thái, cung bậc trong mối giao cảm giữa nam và nữ, giữa con người với vạn vật, thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống với sự thủy chung làm giá trị cao cả và lâu bền nhất. Điều này được thể hiện trong câu ca: "“Hôm nay sum họp trúc mai / Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm”.

Theo các nghệ nhân quan họ, có hàng trăm làn điệu quan họ khác nhau. Nét đặc trưng nhất trong kỹ thuật thể hiện quan họ là phải đảm bảo 4 tiêu chí: "vang, rền, nền, nẩy". Để hát quan họ hay, các liền anh, liền chị phải khổ công tập luyện hàng ngày.

Nỗ lực để quan họ "sống" trong thời hiện đại

Trong những năm gần đây, ngành văn hoá- thể thao- du lịch Bắc Ninh tăng cường quảng bá về các giá trị độc đáo của dân ca quan họ như: tổ chức các hội thi hát dân ca quan họ, dạy hát quan họ cho lớp trẻ, thi sáng tác quan họ, thi trình diễn trang phục quan họ, giới thiệu quan họ trên các phương tiện truyền thông, đại chúng... Bắc Ninh hiện có 30 câu lạc bộ những người yêu thích quan họ sinh hoạt định kỳ hàng tháng và chất lượng của các câu lạc bộ ngày được nâng cao.

Tỉnh Bắc Ninh cũng tổ chức hàng chục lớp học tại thành phố Bắc Ninh và 2 huyện Tiên Du, Yên Phong, truyền dạy Quan họ cổ cho hàng trăm đối tượng thanh, thiếu niên. Mỗi lớp học tổ chức trong vòng 3 tháng, các em thanh thiếu niên được các nghệ nhân tiêu biểu ở các làng Quan họ gốc truyền dạy các kĩ thuật cơ bản của hát Quan họ cổ như: giọng vặt, giọng lề lối, giọng giã bạn, giọng la rằng, la hừ… Sau các lớp học, tất cả các học sinh đã hát được 10-15 bài, trong đó có nhiều bài khó như: Súc miệng ấm đồng, Lòng vẫn đợi chờ, Nhất ngon là mía Lam Điền, Chuông vàng gác cửa tam quan… Đặc biệt, tại các làng Viêm Xá, Châm Khê, các nghệ nhân còn truyền dạy cho các em các bài vế đối, hát giọng đơn, hát kép theo truyền thống.

Ông Nguyễn Đăng Túc- Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao- Du lịch Bắc Ninh cho biết các dự án bảo tồn quan họ của tỉnh từ nay đến năm 2010: "Chúng tôi đề xuất với UBND sẽ tổ chức một Festival văn hoá du lịch Bắc Ninh, trong đó lấy hoạt động dân ca quan họ làm nòng cốt, rồi sẽ có trình diễn các hoạt động lễ hội, trò chơi dân gian, văn hoá ẩm thực, làng nghề truyền thống và rất nhiều hoạt động. Festival này sẽ giới thiệu cái hay, đẹp, trang phục, không gian văn hoá, các lễ hội truyền thống. Chúng tôi cũng tham mưu qui chế công nhận nghệ nhân quan họ, đang xuất bản cuốn sách "Làng quan họ, nghệ nhân quan họ". Việc bảo tồn và phát huy những nơi mà làng quan họ gốc, các điểm lễ hội như hội Lim và các hoạt động văn hoá du lịch để kết hợp bảo tồn các hoạt động văn hoá du lịch của Bắc Ninh".

Tỉnh Bắc Giang cũng triển khai các chương trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quan họ từ nay đến 2015 như: tiến hành kiểm kê toàn bộ di sản quan họ trên địa bàn tỉnh, tập trung khôi phục, bảo tồn năm làng quan họ cổ đã được công nhận và 13 làng mới được xác định thêm... Cùng với việc phục dựng lại toàn bộ hình thức hát đối đáp cổ truyền ở các làng quan họ, ngành Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp các địa phương xây dựng một số tụ điểm hát quan họ ở các làng thuộc huyện Việt Yên: Thổ Hà, Trung Hồng, Hữu Nghi, Nội Ninh, Giá Sơn...

Với những nỗ lực của người dân vùng Kinh Bắc, hy vọng quan họ sẽ được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại, trở thành di sản văn hóa thứ ba của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới (sau nhã nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên)./.


(Hồng Mai)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất