"Em đẹp thế Pleiku ơi
Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi
Không dám nhìn vào đôi mắt ấy
Ðôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy..."
(Đôi mắt Pleiku - Nguyễn cường)
Nếu không có ông nhạc sỹ Nguyễn Cường chắc “đôi mắt Pleicu" cũng chưa thể mở được, mở đến mức trở thành một biểu tượng của Gia Lai thì cũng là một điều thần kỳ. Thế mới biết sức sống của nghệ thuật thật dai dẳng và giá trị của nó cũng thật vô bờ… Song, để cả nước (hay quốc tế) biết đến Gia Lai thì cũng phải kể đến công của ít nhất một người nữa, đó là ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.
Biểu tượng như thế nhưng Biển Hồ - “đôi mắt Pleicu" thực chất không phải một điểm du lịch chính thống như đã quảng bá, những gì chứng kiến ở Gia Lai đã cho thấy một phố núi hết sức nghèo nàn về du lịch. Chúng tôi đi Pleicu phải quá cảnh ở Đà Nẵng để chuyển sang một máy bay cỡ nhỏ ATR, đoàn có đến gần bốn chục người nhưng máy bay thì còn thừa đến 1/4 số ghế. Những con phố núi Pleicu uốn lượn mơ màng trong sương sớm hay lãng đãng lúc chiều tà luôn sẵn lòng làm say du khách, nhưng nó chẳng bao giờ được biết đến vì Pleicu không có bản đồ du lịch (hoặc có nhưng khó tìm).
Du khách đến Biển Hồ rồi chia tay với đầy lưu luyến, đứng ở “sống mũi” Biển Hồ mà ngắm “đôi mắt” Plieicu thì thấy nó thật buồn, nó mơ màng, thơ mộng đến hoang sơ. Đúng nghĩa thì nó là một hồ sinh thái lớn. Có mặt ở đây 24/24 chỉ có duy nhất một người của Sở Thuỷ lợi Gia Lai, anh này kiêm luôn cả phó nháy. Cũng dễ hiểu bởi Biển Hồ là nơi cung cấp nước chính cho phần lớn dân cư trong thành phố, giữ gìn sự trong sạch cho hồ nước là việc phải làm. Vì lý do đó người ta không phát triển du lịch, dịch vụ ở đây bởi những sự thay đổi đó sẽ phá vỡ cảnh quan của Biển Hồ cũng như làm ô nhiễm nguồn nước ngọt. Nhưng nếu phát triển ở những khu vực lân cận thì tại sao lại không thể?
Khí hậu ở Biền Hồ vào buổi tối hay sáng sớm rất lạnh, đặc biệt vào những ngày tháng cuối năm hay dịp Noel thì cái lạnh đặc trưng gợi lên trong lòng những người xa xứ một nỗi buồn cố hương, đó là cái lạnh như nhà văn Vũ Bằng từng mô tả: “Vào khoảng năm tàn tháng hết ở miền Nam nước Việt, có những buổi chiều đìu hiu lạnh như mùa thu đất Bắc…”
Thật buồn, “đôi mắt” Pleicu đã hớp hồn biết bao nhiêu du khách, nhưng “hớp” lấy những cái khác thì rõ ràng đôi mắt này chưa làm được, đó chính là cơ hội, triển vọng khai thác thương mại, dịch vụ, du lịch làm điểm tựa cho kinh tế, trong khi thế mạnh về công, nông nghiệp, xuất nhập khẩu của Gia Lai chưa nhiều. Sa Pa (Lào Cai) ở miền Bắc cũng có gì đâu nếu không phải là bản sắc văn hoá của những người Dao, người Mông đã phả sức sống vào cho du lịch, mà khai thác du lịch trên nền tảng, sắc thái văn hoá bản địa thì Gia Lai có thừa với những đặc trưng không nơi đâu có, đó là văn hoá của các dân tộc thiểu số Bahnar, Jarai đã tạo nên một văn hoá bản địa phong phú, đa dạng thể hiện qua những phong tục tập quán đặc sắc, những kiến trúc nhà rông, nhà mồ, tượng nhà mồ và nhiều lễ hội hấp dẫn với các nhạc cụ truyền thống của cồng, chiêng.
Kinh tế cả nước đang trên đà hội nhập, thương hiệu là một yếu tố quyết định, Gia Lai đang là một thương hiệu quá rõ ràng, chỉ có điều khai thác, phát triển nó như thế nào là việc cần bàn và nghĩ đến. Cũng không thể nói đến địa hình hiểm trở bởi giao thông đến Gia Lai bây giờ đã thuận tiện hơn nhiều với đường hàng không và đường bộ nối liền với các tỉnh Tây Nguyên, với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Nếu ai đã một lần đến cao nguyên Genting (Malaysia) thì sẽ thấy độ dốc cao, độ hiểm trở ở đó còn gấp mấy lần Pleicu - Gia Lai, thế nhưng họ đã phát triển được hai đường cáp treo lên xuống với mỗi lượt đi khoảng nửa giờ, xây dựng một khách sạn có tên First World Hotel với 5.000 phòng và phát triển một tổ hợp dịch vụ, giải trí hiện đại vào bậc nhất của khu vực Đông Nam Á.
Pleiku, một thoáng cao nguyên. "Đôi mắt" ấy đã mở, nhưng vẫn chưa thực sự thức dậy trọn vẹn một tiềm năng./.
Cao Nguyên-Những ngày trở lạnh
Lê Tiến (Bài viết riêng cho Tạp chí Tuyên giáo)