Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2015 sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Hiện tại, ban tổ chức đã hoàn thành việc chấm điểm các tác phẩm ở vòng sơ loại. Trước thềm triển lãm này, dư luận đang quan tâm đến mấy vấn đề: Tranh nhái, chất liệu tác phẩm và định hướng thẩm mỹ.
Cảnh báo về tình trạng tranh nhái
Đây là vấn đề nổi cộm trong 10 năm trở lại đây. Nhiều cuộc thi, triển lãm tầm cỡ khu vực và quốc gia bị mất uy tín do vấn nạn tranh nhái. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành đã trả lời báo chí rằng, hình thức xử lý đối với tranh nhái là tước giải thưởng (nếu đã có giải thưởng), hoặc bị dỡ tranh (nếu đang được treo); Điều lệ của Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng vừa được thông qua, trong đó quy định sẽ khai trừ hội viên đối với những hội viên vi phạm bản quyền tác giả. Có thể thấy, đây là những "liều thuốc đắng" đối với vấn nạn tranh chép, tranh nhái.
Nhưng liệu thuốc đắng có giã được tật không? Nhiều họa sĩ trẻ có nhận xét rằng, đối với mỹ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng, việc ảnh hưởng phong cách, ảnh hưởng tư duy bố cục, màu sắc của những nghệ sĩ đi trước là khó tránh khỏi; vấn đề là hội đồng thẩm định đánh giá tác phẩm đó giống đến bao nhiêu phần trăm so với tranh gốc, tượng gốc.
Năm 2005, cũng trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, tác giả Lương Văn Trung có tác phẩm “Bình minh trên công trường” được cho là giống tác phẩm “Đội sản xuất” của Cu-nhe-xốp (Liên Xô trước đây) đến 95%. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn, Lương Văn Trung nói rằng, anh không biết Cu-nhe-xốp là ai và chưa xem tranh của ông bao giờ.
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010, Festival Điêu khắc trẻ 2012 toàn quốc, Triển lãm Điêu khắc toàn quốc 2013, đều có những tác phẩm bị nghi ngờ là “đạo”, nhẹ hơn thì bị đánh giá là “nhái phong cách” nước ngoài. Đấy là những triển lãm cấp quốc gia, còn triển lãm cấp khu vực, vùng, miền, có trường hợp còn nhái tranh của họa sĩ trong nước.
Nói chung, vấn đề nhái tranh, chép tượng là khó phân biệt đối với số đông công chúng nghệ thuật, do đó rất cần sự đầu tư tâm huyết, công sức của Ban tổ chức triển lãm trong việc duyệt, phê bình tác phẩm để có được một triển lãm thành công.
Chất liệu và kỹ thuật
Chất liệu là yếu tố quyết định khá nhiều đến giá trị sáng tác. Hãy hình dung thế này, đối với một tác phẩm tranh sơn mài, người nghệ sĩ dùng sơn ta, vàng, bạc, son, điệp để thực hiện sẽ rất khác khi người ta dùng các chất liệu hiện đại để thay thế như sơn Nhật, hóa chất tổng hợp. Những chất liệu mới này đôi khi cũng khiến nhiều người lâu năm trong nghề bối rối. Mà trong một cuộc triển lãm lớn như Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc có khoảng 700-800 tác phẩm được gửi về tham dự thì việc đánh giá tác phẩm sử dụng chất liệu nào là rất khó. Đặc biệt khó khi đánh giá tác phẩm qua ảnh. Thế nên, Ban tổ chức đành phải để các tác giả tự xác định chất liệu cho tác phẩm của mình khi gửi tác phẩm tham dự triển lãm.
Vấn đề chất liệu có liên quan rất nhiều đến vấn đề kỹ thuật. Lấy ví dụ như tranh sơn mài, tranh sơn Nhật hoặc sơn dầu và màu acrylic, một đằng phải thể hiện kỹ thuật công phu, một đằng thì đơn giản. Ở triển lãm mỹ thuật, đôi khi vấn đề chất liệu và kỹ thuật có thể bị xem nhẹ, bỏ qua nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến “thị trường mỹ thuật”. Việc này rất rõ ràng, không ai mua một bức tranh bằng sơn Nhật với giá tiền bằng với bức tranh sơn mài; hoặc mua một bức tượng chất liệu composite bằng với giá của một bức tượng đúc đồng. Tuy nhiên, việc “lập lờ” trong khai báo chất liệu tác phẩm vẫn thường xuyên diễn ra. Việc này phải trông chờ vào lòng tự trọng của chính các nghệ sĩ khi nói về tác phẩm của mình.
Định hướng giá trị thẩm mỹ
Thời gian qua, các đề tài của nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật bị một số lượng không ít nghệ sĩ chê là “cũ, mòn”. Gần đây, chủ đề sáng tác được Ban tổ chức đưa ra rộng. Như ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2015 có chủ đề là: “Phản ánh sinh động cuộc sống lao động, học tập, sinh hoạt, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các vấn đề của cuộc sống đương đại”. Có thể thấy, chủ đề này rất rộng, giống như là “cái cớ” hay “lời gợi ý” cho các nghệ sĩ sáng tác. Ấy thế nhưng, nhiều người vẫn cho rằng vậy là chưa đủ. Về chuyện này, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương nói: “Hãy lấy ví dụ từ kích cỡ, ai cũng đòi tác phẩm của mình phải thật lớn. Xin thưa là không gian triển lãm có hạn thôi. Hay đề tài, có người đòi chủ đề về sex, rất trần trụi, dung tục, chúng tôi cũng nói luôn là không được. Tóm lại, các tác phẩm trong triển lãm lần này sẽ phải là góc nhìn nghệ thuật nhân văn, ngợi ca vẻ đẹp, ngợi ca con người. Những tác phẩm gây sốc theo kiểu nổi loạn sẽ không thể tham dự”.
Còn nhớ nhiều cuộc triển lãm mang tính thể nghiệm gần đây có nhiều tác phẩm khiến người xem sốc. Song, sốc không phải là tiêu chí của cái đẹp. Cái đẹp phải là góc nhìn nhân văn, ngợi ca con người, tôn vinh những giá trị chân-thiện-mỹ. Đó là sự định hướng cần thiết cho một nền mỹ thuật nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Lê Đông Hà (QĐND)