Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 12/9/2015 20:31'(GMT+7)

Huy chương và danh hiệu nghệ sĩ

Phong tặng danh hiệu NSND năm 2012. (Ảnh: Cục Nghệ thuật Biểu diễn)

Phong tặng danh hiệu NSND năm 2012. (Ảnh: Cục Nghệ thuật Biểu diễn)

 Bộ VHTTDL vừa công bố Danh sách hồ sơ đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 8 - năm 2015, trong đó có 102 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 386 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.

Theo quy định tại Điểm C Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 thì danh sách các hồ sơ sẽ được đăng công khai trên phương tiện truyền thông trong thời gian 15 ngày để lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định. Đây cũng là đợt xét tặng danh hiệu đầu tiên được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ. 

Cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật thì chắc chắn không có nghệ sĩ nào lại không mong muốn đạt được danh hiệu cao quý NSND, NSƯT bởi danh hiệu này sẽ là động lực để các nghệ sĩ tiếp tục phấn đấu, phục vụ nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển. Được biết, tiêu chí để xét danh hiệu không chỉ đánh giá bằng những thành tích là các tấm huy chương vàng, bạc mà các nghệ sĩ đạt được trong các kỳ liên hoan, hội diễn mà còn có những tiêu chí khác như: Trung thành với Tổ quốc, phẩm chất đạo đức, sự lan tỏa của người nghệ sĩ.

Dĩ nhiên, để đạt được những tấm huy chương, nghệ sĩ phải trải qua những năm tháng khổ luyện thì mới có những tiết mục đặc sắc. Nhưng tài phải đi với đức và ở các hội đồng xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT thì vấn đề đạo đức của người nghệ sĩ luôn được các thành viên trong hội đồng đánh giá cao hơn các tiêu chí khác. Có lẽ vì thế mà nhiều nghệ sĩ dù có đến hơn 10 tấm huy chương và sự cống hiến cho nghệ thuật cũng không nhỏ nhưng vẫn không đủ tiêu chí xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT.

Để xét duyệt một nghệ sĩ, hội đồng phải cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng, xem xét từng hồ sơ trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, trước mỗi kỳ xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT thường xảy ra những chuyện “lùm xùm”: Có nghệ sĩ cho rằng họ đủ tiêu chí, có nhiều huy chương vàng mà vẫn bị trượt, người khác lại đổ lỗi cho hội đồng không công tâm khi xét duyệt… Nguyên nhân của tình trạng này là do một số nghệ sĩ chưa nắm rõ văn bản pháp luật nên để xảy ra những mâu thuẫn, tranh luận không đáng có trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Điều này khiến cho danh hiệu cao quý của người nghệ sĩ bị ảnh hưởng.

Việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là vấn đề quan trọng liên quan đến cả một đời người nghệ sĩ nên phải được thực hiện nghiêm túc, công bằng, công khai, kịp thời, tránh tình trạng có một số nghệ sĩ đã quá cố rồi mới được truy tặng thì ý nghĩa của danh hiệu chỉ còn mang tính chất tượng trưng.

Huy chương không làm nên danh hiệu của nghệ sĩ và người nghệ sĩ chân chính hy sinh cả đời vì nghệ thuật cũng không phải vì danh hiệu nhưng nếu danh hiệu được trao đúng người, đúng thời điểm thì mới có giá trị./.

Khánh Huyền (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất