Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 20/7/2009 5:40'(GMT+7)

Tìm hiểu Hội nghị Trung ương 10 (phần 4)

C. Một số nội dung cơ bản trong Ðề cương chi tiết Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020 và ý kiến thảo luận của Trung ương

1. Về kết cấu của Báo cáo Đề cương Chiến lược

Đề cương Chiến lược gồm hai phần:

Phần thứ nhất: Tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 trình bày 3 vấn đề lớn: (1) Những thành tựu và nguyên nhân; (2) Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; (3) Đánh giá tổng quát và những bài học chủ yếu.

Phần thứ hai: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 trình bày 6 vấn đề lớn: (l) Bối cảnh; (2) Quan điểm phát triển; (3) Mục tiêu chiến lược và các khâu đột phá; (4) Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng; (5) Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiệu lực hiệu quả, đủ sức quản lý điều hành thực hiện thắng lợi Chiến lược; (6) Tổ chức thực hiện Chiến lược.

Qua thảo luận, đa số ý kiến Trung ương nhất trí với phạm vi và kết cấu của Đề cương. Đây là Chiến lược của Đảng về lãnh đạo phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội của đất nước trong chặng đường 10 năm, cần thể hiện đầy đủ các nội dung có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong Chiến lược không trình bày toàn diện các vấn đề nêu trên mà chỉ tập trung đề cập những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, trọng tâm là xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch vững mạnh, hiệu lực hiệu quả để thực hiện thắng lợi Chiến lược.

2. Về tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược 2001 – 2010

- Trên cơ sở đánh giá những thành tựu đã đạt được, những hạn chế yếu kém và nguyên nhân, Đề cương Chiến lược nêu đánh giá tổng quát như sau:

Mười năm qua, chúng ta đã tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua nhiều thách thức khó khăn, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược đã được thực hiện[1]; diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cơ bản được hình thành; quan hệ sản xuất phù hợp hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều thành tựu. Chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đã tạo ra môi trường thuận lợi và những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế. Đời sống xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp chưa được hình thành đầy đủ. Thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn còn là điểm nghẽn của tăng trưởng. Khoảng cách phát triển với một số nước trong khu vực chậm được thu hẹp.

Phần đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược cả về thành tựu, yếu kém, nguyên nhân và đánh giá tổng quát như đã nêu trong Đề cương là căn cứ vào những mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra trong Chiến lược 2001 - 2010; kế thừa các nội dung đánh giá tại Đại hội X, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội X, các kỳ họp Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị; đồng thời có bổ sung, khái quát với tầm nhìn xuyên suốt thực tiễn phát triển của đất nước trong bối cảnh có nhiều biến động phức tạp 10 năm qua, nhất là mấy năm gần đây. Trung ương đã nhất trí về cơ bản với những đánh giá được trình bày trong Đề cương Chiến lược.

- Đề cương Chiến lược bước đầu đề xuất một số bài học kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Chiến lược 2010 – 2010. Thực tiễn 10 năm qua khẳng định con đường phát triển của đất nước ta là đúng đắn và có thể rút ra 5 bài học chủ yếu: (1) Bài học về phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; (2) Bài học về kiên trì đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; (3) Bài học về phải đặc biệt coi trọng tính bền vững của sự phát triển; (4) Bài học về giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước; (5) Bài học về sự gắn kết chặt chẽ giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của Nhà nước và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

Đề cương Chiến lược đề cập 5 bài học nêu trên là được đúc kết từ thực tiễn hết sức phong phú, sôi động của gần 10 năm qua, vừa có tính kế thừa các bài học đã nêu trước đây, vừa có những nội dung mới có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực đối với sự chỉ đạo cho thời kỳ chiến lược tới, cũng không trùng lặp với quan điểm phát triển.

(còn tiếp)

[1]Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 2001 - 2010 dự kiến đạt khoảng 7,2%/năm; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt bình quân trên 7%/năm; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt khoảng 4%; đến năm 2010: tỷ lệ lao động được đào tạo nghề dự kiến đạt khoảng 40%.; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 20%; tuổi thọ trung bình đạt 72 tuổi; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 43,2 triệu tấn;...

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất