Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 17/7/2009 8:3'(GMT+7)

Tìm hiểu hội nghị Trung ương 10 (phần 2)

II. Một số nội dung cơ bản của Hội nghị

A. Về định hướng chuẩn bị Đại hội XI của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp; thành lập tiếp các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XI của Đảng

Theo Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị Trung ương lần này ngoài việc thảo luận đề cương, phạm vi bổ sung, phát triển Cương lĩnh và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, Hội nghị đã thảo luận định hướng chuẩn bị Đại hội XI và đại hội đảng các cấp, thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XI.

1. Về bối cảnh Đại hội XI

Đại hội XI của Đảng được tiến hành trong bối cảnh đất nước ta đã trải qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (l991 - 2011) và 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới (l986 - 2011). Đại hội sẽ tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010), 20 năm thực hiện Cương lĩnh; phát triển đường lối, bổ sung và phát triển Cương lĩnh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định Chiến lược phát triển trong 10 năm tới; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo.

Từ nay đến Đại hội XI, tình hình còn nhiều diễn biến khó dự báo (nhất là diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới), nhưng sơ bộ có thể đề cập một cách khái quát đến mấy khía cạnh sau:

1.1. Về tình hình quốc tế

- Về chính trị: Tình hình thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường[1].

- Về kinh tế: Từ cuối năm 2007, nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng tài chính nặng nề, lan rộng ra nhiều nước, gây ra suy thoái kinh tế thế giới[2].

- Về xã hội: Thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu, tác động trực tiếp đến nhiều nước, nhiều khả năng sẽ dẫn đến những bị động, lúng túng trong việc đối phó.

1.2. Về tình hình trong nước

Từ đầu nhiệm kỳ 2006 - 2010, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực[3].

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế từ bên ngoài và do những khiếm khuyết của bản thân nền kinh tế cũng như hạn chế trong lãnh đạo, điều hành nên một số mục tiêu chủ yếu của Đại hội X (như mức tăng trưởng GDP, mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ phát triển dân số, chỉ tiêu về môi trường...) có khả năng không đạt được, chất lượng và hiệu quả nền kinh tế chuyển biến chậm, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu trong các giai đoạn tiếp theo. Những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, du lịch sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thu ngân sách nhà nước, việc làm và đời sống của nhân dân. Những tác động về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, nhất là ở những địa bàn quan trọng, những đô thị lớn sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn... Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng nhìn chung có một số mặt tiến bộ, nhưng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng còn nhiều mặt yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa tạo được chuyển biến căn bản, những yếu kém về mặt xã hội, cộng thêm những khó khăn về việc làm, đời sống do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế làm cho tình hình tư tưởng vẫn còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta quyết liệt và tinh vi hơn. Vấn đề giữ vững an ninh, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đang đặt ra những yêu cầu mới.

- Nhìn chung, tình hình trong nước vẫn đan xen giữa 2 mặt thuận lợi và khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần tận dụng tối đa thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tạo thuận lợi cho bước phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

2. Về yêu cầu của Đại hội XI và việc chuẩn bị các văn kiện, chuẩn bị Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI

2.1. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng của Đại hội XI, cũng như tình hình, bối cảnh quốc tế và trong nước Trung ương xác định yêu cầu chung của Đại hội XI và việc chuẩn bị các văn kiện phải trên tinh thần tranh thủ mặt thuận lợi, chủ động nắm bắt và vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XI, tạo thuận lợi để đạt các mục tiêu của các giai đoạn tiếp theo sẽ được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) và trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020); đồng thời bầu được Ban Chấp hành Trung ương khoá mới có đủ trí tuệ, phẩm chất để kế thừa, phát triển những kết quả đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI.

2.2. Từ yêu cầu chung nói trên, Trung ương thống nhất các tư tưởng chỉ đạo việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XII, nhất là trong Báo cáo Chính trị:

- Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2009 và 2010, cố gắng phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội X đã đề ra.

- Xác định chủ đề Đại hội XI và các vấn đề trọng tâm cần đề cập trong các văn kiện, nhất là trong Báo cáo Chính trị, cụ thể là:

+ Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, gắn với việc thực hiện có chiều sâu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

+ Tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo được chuyển biến về chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển bền vững; tạo thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (theo Nghị quyết Đại hội X).

+ Chăm lo xây dựng, tạo chuyển biến đồng bộ để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

+ Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

+ Mở rộng dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển theo con đường và mục tiêu nêu trong Cương lĩnh, Chiến lược.

3. Về các văn kiện trình Đại hội XI

Thông thường, các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thảo luận và quyết định các vấn đề: Cương lĩnh; Báo cáo chính trị; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm trong nhiệm kỳ tới; Báo cáo xây dựng Đảng, bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương; Bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá mới.

Đại hội XI sắp tới có nhiều nội dung quan trọng cần được bàn thảo, quyết định; để tập trung và dành nhiều thời gian để đại biểu Đại hội thảo luận, theo tinh thần đổi mới, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương và Trung ương đã biểu quyết thông qua các văn kiện trình Đại hội XI gồm:

Ngoài báo cáo về nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội các báo cáo:

- Báo cáo chính trị (trong đó bao gồm cả phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và công tác xây dựng Đảng; không trình Đại hội các báo cáo riêng về những vấn đề này).

- Báo cáo tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991).

- Báo cáo về Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 – 2010 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.

- Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X).

- Báo cáo bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (Ban Chấp hành Trung ương sẽ quyết định có hay không có báo cáo này tại Hội nghị Trung ương 11).

4. Về thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XI

Hội nghị Trung ương 4 (khoá X) đã quyết định thành lập 2 tiểu ban:

- Tiểu ban Cương lĩnh gồm 34 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng. Tiểu ban này đồng thời thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng.

- Tiểu ban Chiến lược gồm 47 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng. Tiểu ban này đồng thời thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo về kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) trình Đại hội XI của Đảng.

Theo đề nghị của Bộ Chính trị và Trung ương đã nhất trí: về các văn kiện sẽ trình Đại hội XI, Tiểu ban Chiến lược sẽ không phải chuẩn bị Báo cáo về kinh tế - xã hội 5 năm nữa, còn Tiểu ban Cương lĩnh phải chuẩn bị Báo cáo chính trị, bao gồm cả phần kinh tế - xã hội 5 năm và phần xây dựng Đảng.

Xuất phát từ tình hình trên và nhân sự cụ thể của Tiểu ban Cương lĩnh, Tiểu ban Chiến lược hiện nay, theo đề nghị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã bổ sung một số đồng chí từ Tiểu ban Chiến lược tham gia Tiểu ban Cương lĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ soạn thảo Báo cáo chính trị; đồng thời thành lập mới 3 tiểu ban: Tiểu ban Tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng gồm 23 đồng chí (do đồng chí Hồ Đức Việt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng tiểu ban); Tiểu ban Nhân sự gồm các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị (do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng tiểu ban); Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XI gồm 20 đồng chí (do đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng tiểu ban).

5. Về thời gian Đại hội XI

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) và bảo đảm cho việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII được tiến hành thuận lợi và đúng luật, Trung ương đã thảo luận và biểu quyết quyết định thời gian tổ chức Đại hội XI của Đảng vào nửa đầu tháng 01/2011.

6. Về lịch trình và định hướng tổ chức đại hội đảng bộ các cấp

Việc lựa chọn thời gian tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng sẽ tuỳ thuộc vào tiến trình chuẩn bị các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc và cần kết thúc trước ngày khai mạc Đại hội XI khoảng 2 - 3 tháng để có thời gian hoàn thiện văn kiện và chuẩn bị nhân sự Đại hội XI. Theo đó, lịch trình đại hội đảng bộ các cáp dự kiến như sau:

- Đại hội đảng bộ cấp cơ sở, từ đầu tháng 5 đến hết tháng 6/2010.

- Đại hội đảng bộ cấp huyện, từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8/2010.

- Đại hội đảng bộ cấp tỉnh, từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10/2010.

7. Về thí điểm thực hiện chủ trương đại hội đảng bộ cấp tỉnh và cấp huyện trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ

Trung ương tán thành chủ trương thí điểm đại hội đảng bộ cấp tỉnh và cấp huyện trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ (chọn 15% đến 20% số đảng bộ cấp tỉnh và cấp huyện làm thí điểm). Quy trình cụ thể về trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ tại Đại hội sẽ được thể hiện trong Hướng dẫn về công tác nhân sự cấp uỷ tại đại hội đảng bộ các cấp.

(còn tiếp)

[1] Cách mạng khoa học - công nghệ và toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ; hoà bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn (như nhận định của Đại hội X) nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, bất ổn chính trị - xã hội, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa một số nước trong khu vực, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Cùng với tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, thoả hiệp trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược, cạnh tranh giữa các nước lớn về vị thế và ảnh hưởng, giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường... sẽ gay gắt hơn; vị trí, vai trò của Mỹ bị suy giảm so với trước; xu hướng hình thành thế giới đa cực ngày càng biểu hiện rõ hơn trước.

[2] Tình hình kinh tế thế giới có thể diễn biến theo 2 khả năng: (l) Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới sớm được khắc phục, nhưng ảnh hưởng còn kéo dài thêm một số năm. (2) Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn kéo dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia trên thế giới.

[3] Công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được đẩy mạnh, có chuyển biến tích cực. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, phát huy. Sự nghiệp đổi mới tiếp tục được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực; nền kinh tế cơ bản ổn định, lạm phát và suy giảm kinh tế bước đầu được kiềm chế, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, an sinh xã hội được quan tâm giải quyết, chăm lo nhiều hơn. Đã đạt hoặc gần đạt được nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X đề ra. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội được giữ vững. Quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất