Thứ Tư, 4/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 13/3/2024 9:4'(GMT+7)

Đối thoại thiết thực

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đối thoại với thanh niên là chương trình thường niên theo quy định của Chính phủ, được UBND các tỉnh, thành phố và địa phương trên toàn quốc tổ chức thực hiện.

Với các chủ đề phong phú, đa dạng gắn với quyền lợi, trách nhiệm của thanh niên, chương trình đối thoại mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc ngày càng được lan tỏa sâu rộng.

Đối thoại là diễn đàn để thanh niên bày tỏ những khó khăn, vướng mắc, những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị các giải pháp. Điều đáng nói là từ những cuộc “nghe thanh niên nói, nói cho thanh niên nghe”, lãnh đạo các địa phương đã kịp thời định hướng tư tưởng, tạo điều kiện để thực thi chính sách chăm lo và phát triển thanh niên được toàn diện và hiệu quả hơn.

Giá trị mà chương trình này mang lại càng thêm to lớn khi nhiều ý tưởng, sáng kiến do thanh niên hiến kế được các cấp ghi nhận, cụ thể hóa bằng những chủ trương, chính sách, triển khai thực hiện đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng xã hội. Qua đó, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cho thấy tinh thần cầu thị, sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới thế hệ tương lai, rường cột của nước nhà như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kỳ vọng: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

Khẳng định là chương trình mang ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội, tuy nhiên đáng tiếc là thời gian qua, không ít địa phương chưa quan tâm đối thoại với thanh niên. Có địa phương tổ chức mang tính hình thức, lồng ghép vào các chương trình hội nghị; không có chủ đề, nội dung gì cụ thể.

Lại có cuộc mang danh nghĩa là đối thoại nhưng chủ yếu để tung hô, ngợi khen hoạt động bề nổi của phong trào mà không chạm đến những vấn đề thanh niên đang cần, đang mong.

Lại có nơi “đối thoại một chiều”, chủ yếu là nói cho thanh niên nghe mà không nghe thanh niên nói. Thậm chí lấy ý kiến của thanh niên nhưng lại kiểu “ghi nhận suông”, không có hồi âm kết quả gì nên không tạo động lực cho thanh niên phấn đấu, cống hiến.

Kết quả của một cuộc đối thoại chỉ có thể hoàn thành khi mà tư tưởng, nhận thức và hành động được thống nhất, thông suốt; các ý kiến của thanh niên được giải đáp thỏa mãn; các chủ trương, chính sách được hiện thực hóa. Bởi vậy, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương cần làm tốt việc đối thoại với thanh niên ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, chương trình, chủ đề đối thoại. Cần đặc biệt quan tâm đến vùng khó, điểm nghẽn để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi, định hướng cho tương lai thanh niên.

Mặt khác, phải có chính sách tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp và lập nghiệp. Bản thân thanh niên không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, không chỉ học trong sách vở mà phải quan tâm đến các vấn đề đất nước, xã hội đang cần. Xây dựng hoài bão, dám nghĩ, dám nói, dám làm, phát huy nhiệt huyết tuổi trẻ, tích cực hiến kế, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước./.

PHẠM KIÊN (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất