Thứ Năm, 21/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 5/12/2023 13:52'(GMT+7)

Phô trương... kỷ lục

Áo dài “Dấu ấn thời gian”. (Ảnh: Báo Phụ nữ)

Áo dài “Dấu ấn thời gian”. (Ảnh: Báo Phụ nữ)

Hai tháng qua, hai chiếc áo dài là “Dấu ấn thời gian” và “Non sông gấm vóc” lần lượt được công bố kỷ lục áo dài dài nhất, nặng nhất gây sự ồn ào trong dư luận. Bởi lâu nay, tà áo dài vẫn được ví như tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam thanh lịch, sang trọng mà ý nhị, giản dị và hoàn toàn trái ngược với sự phô trương mà hai kỷ lục vừa xác lập.

Đây không phải lần đầu dư luận tỏ ra nghi ngại về các kỷ lục được xác lập trong nhiều năm qua. Tính đến năm 2022, sau 18 năm thành lập, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã xác lập được gần 3.000 kỷ lục Việt Nam. Trung bình, cứ 2 - 3 ngày lại có thêm một kỷ lục ở đất nước mình. Đặc biệt, những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố thi nhau tổ chức các loại lễ hội với lý do để quảng bá hình ảnh của địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch.

Trong khuôn khổ các lễ hội thường xuất hiện trào lưu lập kỷ lục và gần như giống nhau về hình thức như: 100 món ăn từ xoài của Đồng Tháp, 122 món ăn từ tôm muối của Bạc Liêu, 60 món ăn từ cua của Cà Mau; trước đó là kiểu kỷ lục: Tô hủ tiếu to nhất, chiếc bánh tét to nhất, bánh xèo to nhất... Hay một thương hiệu điện thoại xác lập kỷ lục với logo ghép từ 1.300 bức ảnh chân dung chụp bằng điện thoại, một tập đoàn kinh tế xác lập kỷ lục với hành trình xuyên Việt nhân dịp 30 năm thành lập...

Sẽ chẳng có gì để bàn nếu các kỷ lục được xác lập không trở thành căn bệnh thích phô trương và háo danh với sự xuất hiện ngày càng rầm rộ những cái “to nhất, dài nhất, nặng nhất, nhiều nhất...” nhưng mờ nhạt về giá trị. Chưa kể nhiều kỷ lục được xác lập cho các công ty để quảng bá thương hiệu chứ không nhằm phổ biến hay tôn vinh giá trị văn hóa khiến nhiều người có cảm giác kỷ lục Việt Nam phải chăng đang dần trở thành thương vụ kinh doanh để đổi chác giữa một bên cần tiền, một bên cần quảng bá thương hiệu.

Đã là kỷ lục thì phải nổi trội, thuyết phục và có sức lan tỏa; có tác dụng động viên, khích lệ sự phấn đấu không ngừng của các cá nhân và tập thể. Nó phải làm biến đổi đời sống và hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Ví như trường hợp ca nương Tú Thanh qua đời cách đây không lâu vì bị tai nạn giao thông. Tú Thanh đã từng nhận bằng kỷ lục Việt Nam là ca nương hát các dòng nhạc cổ truyền dân tộc nhỏ tuổi nhất nước (khi đó mới 6 tuổi). Kỷ lục này được trao khiến mọi người khi nghe Tú Thanh hát đều cảm thấy khâm phục tài năng đặc biệt nổi trội của cô bé và tôn vinh giá trị của dòng nhạc cổ truyền dân tộc.

Nên nhớ, mục đích của việc đề ra kỷ lục để các tổ chức, cá nhân thi đua xác lập và công nhận là cách khuyến khích mọi người phấn đấu đạt đến những điều kỳ diệu trong lao động, sản xuất, nghiên cứu, sáng tạo. Danh hiệu kỷ lục phải là sự tự nhiên mới đáng quý, còn nếu cố tình làm cho to, cho nhiều thì đi ngược lại với văn hóa, không thiết thực và gây lãng phí. Đừng dễ dãi mà khiến giá trị cốt lõi của kỷ lục Việt Nam hóa tầm thường./.

THÚY AN (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất