Thứ Tư, 4/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 15/12/2023 11:2'(GMT+7)

Ồn ào sau danh hiệu

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Mỗi đợt xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ sĩ thường kéo theo dư luận ồn ào. Sự ồn ào này không chỉ dừng lại ở câu chuyện bàn tán ai xứng đáng, ai không xứng đáng được tặng danh hiệu cao quý, mà đôi khi còn rộ lên những chuyện thị phi như cơ chế xin-cho, mua-bán giải thưởng, tỷ lệ phiếu bầu...

Về phía nghệ sĩ, có người bức xúc, cho rằng mình “oan ức” vì bị “trượt lên trượt xuống” sau vài ba lần tham gia xét tặng, cá biệt có người còn làm “đơn cứu xét” khiến dư luận như “nổi sóng”. Có người tỏ ra buồn chán vì tên tuổi của mình được nhiều người biết đến nhưng vẫn không đạt danh hiệu như mong muốn. Lại có người đạt danh hiệu nhưng không được đồng nghiệp tôn trọng, công chúng nể phục vì bị cho là “tài năng có hạn”.

Về phía hội đồng xét tặng, có ông ủy viên hội đồng than phiền với truyền thông là cảm thấy bị áp lực khi ngồi trên “ghế nóng” tham gia biểu quyết danh hiệu cho nghệ sĩ. Lại có bà ủy viên khẳng định rất thoải mái, tự tin khi bỏ phiếu xét tặng danh hiệu vì đã làm theo các điều luật, điều lệ, quy định, tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Cũng có người nói kiểu nước đôi là “nghệ sĩ này được danh hiệu, còn nghệ sĩ kia không đôi khi tại số phận hên-xui"...

Đã là nghệ sĩ, hầu như ai cũng mong có một ngày được Nhà nước vinh danh Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, vì đó không chỉ là tấm thẻ định danh tài năng, đức độ và mức độ cống hiến của nghệ sĩ, mà còn là động lực tinh thần để họ tiếp tục vươn lên sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của nền nghệ thuật nước nhà.

Tuy vậy, khi đánh giá tài năng, mức độ đóng góp của nghệ sĩ để xét tặng danh hiệu thì không đơn thuần chỉ dựa vào “độ phủ sóng” của nghệ sĩ trên truyền thông và mức độ ảnh hưởng trong công chúng. Vì trên thực tế, có nghệ sĩ ở những đơn vị nghệ thuật Trung ương và ở các đô thị lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) hay những nghệ sĩ ở lĩnh vực điện ảnh, ca múa nhạc hiện đại sẽ dễ nổi tiếng hơn, được công chúng biết đến nhiều hơn so với các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc, ca múa nhạc dân gian ở các đơn vị nghệ thuật địa phương.

Do đó, nếu chỉ dựa vào cảm tính của số đông khán giả mà không tính đến yếu tố đặc thù, khó khăn của các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống trên địa bàn dân tộc miền núi, thì nhiều người khó được chạm tay vào danh hiệu cao quý. Khi đó, mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc càng thêm gian nan.  

Bất cứ giải thưởng, danh hiệu nào cũng khó đạt được sự đồng thuận tuyệt đối. Có chăng, cái sự tuyệt đối không ở đâu xa, mà chính là ở thái độ ứng xử chuẩn mực, niềm tin chân chính của nghệ sĩ và sự công tâm, khách quan của các thành viên hội đồng xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ.

Bởi có một số ít nghệ sĩ vì cái tôi cảm tính quá lớn nên phát ngôn bồng bột, cố tình “làm nóng” dư luận không cần thiết. Cũng không loại trừ có người ngồi ở vị trí “cầm cân nảy mực” vì cả nể, dễ dãi, thậm chí vì động cơ thiếu trong sáng nên không làm tròn trách nhiệm cao cả của mình. Đó là căn nguyên sâu xa làm cho sự ồn ào lại xuất hiện sau mỗi đợt xét tặng danh hiệu.

Cũng có người phiến diện cho rằng, nên bỏ việc xét tặng danh hiệu này, vì nghệ sĩ nào tài năng sẽ sống trong công chúng, được nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia văn hóa, phục vụ khán giả là mục đích tối thượng của nghệ sĩ, nhưng ngộ nhận về tình cảm của khán giả dành cho mình cũng là “căn bệnh” của nghệ sĩ, nhất là trong bối cảnh truyền thông bùng nổ hiện nay, có nghệ sĩ không thiếu chiêu trò để “mua chuộc” khán giả. Do vậy, ngoài tiêu chí khán giả chân chính ghi nhận, sự thiện cảm và tính khách quan đánh giá của cơ quan chức năng thì tên tuổi nghệ sĩ mới chính danh ngôn thuận và có giá trị bền lâu trong lòng công chúng./.

NGÔ DƯƠNG (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất