Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 30/8/2012 21:29'(GMT+7)

Từ Sổ tay Công tác đến Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng - Tiếp nối truyền thống tự hào của Tuyên giáo TP. Hồ Chí Minh

Tạp chí "Sổ tay Xây dựng Đảng" và các ấn phẩm của Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh hiện nay. (Ảnh: Bá Nhiễu).

Tạp chí "Sổ tay Xây dựng Đảng" và các ấn phẩm của Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh hiện nay. (Ảnh: Bá Nhiễu).

Điểm khởi đầu nhiều gian nan trong chiến khu

Xuất phát từ yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trên chiến trường, năm 1970 từ thực tế cục diện chiến trường ở khu Sài Gòn - Gia Định, để góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị làm hậu thuẫn cho sự chỉ đạo của Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định, giữa năm 1970, Ban Tuyên huấn Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định đã quyết định cho ra tờ báo dạng đóng cuốn gọi là “Sổ tay Công tác”.

“Sổ tay Công tác” - tiền thân của Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng của Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh hiện nay, là tập san hướng dẫn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác tuyên huấn, công tác dân vận cho cán bộ ở cơ sở của Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ.

Đồng chí Lê Sỹ Quang, một trong những biên tập viên nhiều năm liền của Số tay Công tác từ 1970 - 1975, cho biết: lúc đó Ban Tuyên huấn Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định hàng tháng, hàng quý đều tổ chức nhiều lớp học, lớp tập huấn về công tác tuyên huấn trong căn cứ để phổ biến, triển khai các vấn đề cần phải tuyên truyền, vận động quần chúng, công tác binh vận, công tác đảng... nên những tập tài liệu trong Số tay Công tác gồm những bài viết ngắn gọn, sát với thực tế chiến trường của cán bộ Ban Tuyên huấn Khu uỷ và những người tham gia học tập tại các lớp này, là cẩm nang cho anh, chị em sau đó trở về triển khai kịp thời trên các địa bàn.

Trong các tài liệu tuyên truyền cho cuộc kháng chiến, thì Số tay Công tác đã được chỉ đạo biên tập, xuất bản thường xuyên hàng tháng để làm tài liệu của Ban Tuyên huấn Khu uỷ và sau những đợt Khu ủy triển khai tình hình phục vụ cho cuộc kháng chiến. Số tay Công tác được tập hợp các bài về viết về tình hình nhiệm vụ, các vấn đề tôn giáo, dân tộc, tình hình an ninh, tư tưởng... trong địa bàn khu Sài Gòn - Gia Định. Có những vấn đề Ban Tuyên huấn Khu uỷ cần thông tin ra các vùng tạm chiếm, vùng căn cứ cũng đã được quan tâm để đưa những tài liệu đó vào Số tay Công tác.

Từ các lớp huấn luyện, các tài liệu mà Khu ủy, Ban Tuyên huấn Khu uỷ phổ biến để Số tay Công tác, dù được in bí mật, song vẫn kịp thời phục vụ cho các địa bàn trong toàn khu vực Sài Gòn - Gia Định. Có nhiều số đã đưa nguồn tài liệu khai thác được từ nội thành ra, qua những con đường cơ sở tin cậy của Khu ủy tại nội thành, như: công tác đối với đồng bào người Hoa, công tác tôn giáo, binh, địch vận.v.v.. được biên tập ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp khi đi chiến trường nhằm phục vụ cho từng cấp ủy để triển khai ra trong nội bộ và quần chúng.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, Số tay Công tác được các cơ sở đảng và đảng viên quan tâm, coi đó là một tài liệu không thể thiếu trong công tác tuyên truyền, dân vận, xây dựng cơ sở cách mạng, tập hợp lực lượng đấu tranh cả vùng tạm chiếm cũng như vùng giải phóng. Sổ tay Công tác đã nói lên các vấn đề của các phong trào như đấu tranh bãi công, bãi khóa trong nội thành, các phong trào sinh viên, học sinh xuống đường chống đàn áp, khủng bố, bắt lính; các cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris... Đến năm 1975, cùng với khí thế tiến công của chiến trường, Sổ tay Công tác đã phục vụ kịp thời cao trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, góp phần vào sự nghiệp giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Về in ấn, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Sổ tay Công tác phải in bí mật trong các cứ điểm thường bị địch theo dõi, truy lùng và càn quét nên Ban Tuyên huấn Khu uỷ chỉ đạo cho in nhỏ, gọn theo khổ 10 x 15 cm, dễ sử dụng cất giấu khi đi công tác tại chiến trường. Địa điểm in Sổ tay Công tác lúc mới hình thành là căn cứ chính B.1 của Nhà in Giải phóng, đóng ở tại khu rừng Lộc Thuận - Trảng Bàng - Tây Ninh. Tại đây, Ban Tuyên huấn Khu uỷ giao cho Nhà in chế bản, in ấn Sổ tay Công tác khi hình thành đến năm 1972 cùng với một số báo, tạp chí kháng chiến, như: Giải Phóng, Cờ Gia Định, Tập san Trí thức mới. Sau đó cơ sở này bị địch phát hiện, cho càn quét ác liệt, Nhà in phải di dời sang điểm mới và được Ban Tuyên huấn Khu uỷ cho thành lập thêm 2 bộ phận in nữa là B.2, đóng ở rừng Cây Sộp - huyện Củ Chi và B.3 di dời qua Bình Dương, đóng ở Bàu Cây Trâm - huyện Bến Cát.

Để in ấn Sổ tay Công tác, sau khi xưởng in chính của Nhà in Giải phóng bị địch càn quét phải di dời, Ban Tuyên huấn Khu uỷ đã chỉ đạo để Xưởng in B.3 làm điểm chính in Số tay Công tác từ năm 1972 đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Đột (Bảy Lợi) - Phụ trách Xưởng in B.3 hồi đó - cho biết: Do là khổ nhỏ, đóng cuốn nên dù trong điều kiện tại chiến trường, thiếu giấy trắng in, song Xưởng in B.3 của Nhà in Giải phóng vẫn dành những trang giấy trắng, in rõ, đẹp, để Sổ tay Công tác kịp thời phổ biến các vấn đề quan trọng mà Khu ủy, Ban Tuyên huấn Khu uỷ giao về cơ sở. Các tập Số tay Công tác được in chữ chì nghiêm túc, giấy in được cơ sở mật của Khu ủy mua từ nội thành rồi ngụy trang thành những “mặt hàng” thông dụng để đưa ra cứ điểm in. Do vậy, vào mỗi kỳ in tài liệu Sổ tay Công tác và các tạp chí, báo chí kháng chiến là cán bộ - công nhân viên Xưởng in B.3 thay phiên nhau túc trực cả ngày, đêm vừa làm cho kịp, vừa canh giữ đề phòng những kẻ gian và mật thám Sài Gòn lùng sục. Máy móc in được mua từ nội thành đưa vào, dù cũ kỹ, chữ xếp là chữ chì nên rất tốn công thao tác, song mỗi khi in là cả ngày và đêm phải đề phòng, để tránh các cuộc càn quét bất ngờ tới như tại Xưởng in B.1 bị lộ phải dời điểm in của Sổ tay Công tác. Trong in ấn, anh em cán bộ - công nhân viên vừa phải đề phòng, chiến đầu với những trận càn, vừa phải thực hiện nhanh, chuẩn xác những công đoạn trong quá trình in ấn tài liệu. Nhà in Giải phóng đã có 28 anh, chị em trong kháng chiến đã nằm xuống trên chiến trường trong những thời khắc như thế.

Nối tiếp truyền thống vinh dự từ kháng chiến

Sau ngày giải phóng, Sổ tay Công tác trực thuộc Ban Tuyên huấn Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, tiếp tục làm tròn nhiệm vụ là Tạp chí hướng dẫn công tác xây dựng Đảng, công tác tuyên truyền, công tác dân vận của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh.

Tháng 11/1981, thực hiện Quyết định số 18-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Sổ tay Công tác được đổi tên thành Sổ tay Xây dựng Đảng thuộc 3 Ban Đảng Thành ủy (Ban Tổ chức, UBKT Thành ủy, Ban Tuyên huấn Thành ủy). Ngày 22/9/1994 Sổ tay Xây dựng Đảng được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Thông tin-Truyền thông) ra Quyết định chính thức công nhận là Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, cơ quan chủ quản là Ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Qua những năm tháng trưởng thành về nội dung, hình thức, qua từng kỳ Hội đồng biên tập đóng góp và sự góp ý của lãnh đạo các Ban Đảng Thành ủy, cũng như các cộng tác viên, Biên tập viên…Ban biên tập Tạp chí đã từng bước có những cải tiến về nội dung, hình thức để phục vụ kịp thời cho các cơ sở Đảng hàng tháng, phục vụ bạn đọc làm công tác xây dựng Đảng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Từng thời kỳ, Hội đồng biên tập và Ban biên tập Tạp chí đã không ngừng cải tiến về các chuyên trang, chuyên mục trong nội dung, hình thức, in ấn đẹp, rõ ràng, bìa có hình ảnh trang trọng.

Cho đến nay, sau hơn 40 năm, tính chất của “Sổ tay hướng dẫn” công tác Đảng vẫn trung thành như trong thời kỳ từ trong kháng chiến. Trong việc cải tiến nâng cao về nội dung, Tạp chí đã chú ý đầu tư 4 dạng bài viết có tác dụng cả trong lý luận và thực tiễn, đó là “Hướng dẫn công tác” và “Kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng và công tác dân vận”; “Công tác lịch sử Đảng bộ Thành phố”, “Gương đảng viên"... được chú trọng thường xuyên, nhất là các kinh nghiệm từ cơ sở đảng, những điển hình có tính chất rút ra bài học trong công tác xây dựng Đảng.

Từ năm 2005, Ban Biên tập Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng đã đẩy mạnh việc cải tiến về nội dung, tăng cường các bài viết của các nhà khoa học, các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng đang nghỉ hưu tại Thành phố, lực lượng cộng tác viên trực tiếp làm công tác xây dựng Đảng tại các quận, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy…

Những bài viết có tính nghiên cứu, tổng kết và rút kinh nghiệm, bài học ngày càng được độc giả đánh giá cao. Thay vì in sao y các văn kiện nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và của Thành ủy và các Ban Đảng Thành ủy, Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng đã nâng cao thành những bài viết dưới dạng “hướng dẫn”, “kinh nghiệm” và “bài học”... tạo tính thực tiễn và sự phong phú, sinh động cho nội dung.

Qua việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên thường xuyên, có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng Đảng tại các quận, huyện, cơ sở trên địa bàn Thành phố; sau nhiều lần cải tiến, Ban biên tập Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng đều tham khảo ý kiến bạn đọc thông qua phiếu điều tra và qua các hội nghị giao ban tuyên giáo các quận, huyện; cũng như qua hệ thống đội ngũ làm công tác tuyên giáo các cấp ủy Đảng. Từ đó không ngừng làm cho nội dung, chất lượng của Tạp chí ngày càng nâng cao, làm tròn nhiệm vụ chính trị và đáp ứng sự mong đợi của độc giả và các cơ sở đảng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Nhìn lại trang sử truyền thống cao đẹp của ngành tuyên huấn trên chiến trường khu Sài Gòn - Gia Định qua hai cuộc kháng chiến, những người trong ngành tuyên giáo của TP. Hồ Chí Minh hôm nay càng thấm hiểu thêm những hy sinh thầm lặng của người làm báo chí và công tác in ấn thuộc Ban Tuyên huấn Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định trên các chiến trường ác liệt trước năm 1975.

Nối tiếp truyền thống Sổ tay Công tác từ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng đã và đang vươn lên trong sự nghiệp đổi mới báo chí, nhằm không ngừng đáp ứng lòng tin của các cơ sở đảng và độc giả trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh./.

Phạm Bá Nhiễu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất