Thứ Bảy, 7/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 26/3/2024 10:2'(GMT+7)

Đừng thương mại hóa giáo dục

Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (220 Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Vtcnews.vn)

Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (220 Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Vtcnews.vn)

Gần 1.300 học sinh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) phải nghỉ học vì hầu hết giáo viên không đến trường do bị nợ lương. Sự việc khiến hàng loạt phụ huynh hoang mang, bức xúc.

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam được xem là một trong những trường “quốc tế” có mức học phí cao nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, dao động từ 280 triệu đồng đến mức cao nhất 725 triệu đồng/năm, chưa tính nhiều khoản chi phí khác.

Lý do nhà trường đưa ra là đang gặp khó khăn về tài chính. Trường đang tiếp tục mời gọi các quỹ đầu tư, tái cấu trúc lại nhà trường, nên thời gian này, hoạt động và vấn đề trả lương cho giáo viên bị ảnh hưởng.

Đây không phải là lần đầu tiên học sinh bị “đẩy ra đường” vì sự căng thẳng giữa mục tiêu thương mại và mục tiêu giáo dục ở những trường kiểu này. Trước đó đã có trường “quốc tế” nâng học phí vô tội vạ, khi phụ huynh và học sinh có ý kiến thì bị cho nghỉ học luôn. Hay chuyện có trường tuyển giáo viên “Tây ba lô” không có bằng cấp phù hợp; đồ ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm; bỏ quên học sinh trên xe đưa đón...

Thiết nghĩ, việc xây dựng thương hiệu nhà trường không đơn giản là vấn đề quảng bá hình ảnh, mà quan trọng hơn là xác định tầm nhìn, xây dựng nền tảng văn hóa, lấy giá trị nhân văn làm cốt lõi... Như vậy mới có thể làm tròn nhiệm vụ “trồng người”.

Thực tế, hiện nay ở Việt Nam chỉ có 3 loại hình trường học, gồm: Trường công lập, trường tư thục và trường dân lập. Luật Giáo dục năm 2019 không có quy định về loại hình trường quốc tế. Nếu nói về khái niệm trường quốc tế, trên thế giới thường sử dụng loại hình này khi công nhận một trường học có cơ sở ở nhiều quốc gia; thường sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến như tiếng Anh để giảng dạy và phải đào tạo theo chương trình quốc tế được nhiều nước công nhận, có thể học trong chương trình phổ thông, thi tuyển vào các đại học quốc tế.

Hiện nay, ở nước ta có hàng trăm cơ sở giáo dục tự gọi là “quốc tế”, nhưng thực tế nguồn gốc và hoạt động rất khác nhau, kiểu “vàng thau lẫn lộn”.

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các trường có vốn đầu tư nước ngoài trong việc đa dạng hóa lựa chọn giáo dục cho phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có sự giám sát và quản lý chặt chẽ để bảo đảm các trường này hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là góp phần tạo ra những công dân có đạo đức, phẩm chất, ý thức, trách nhiệm đối với xã hội và gia đình.

Ngày nay, khi trí tuệ trở thành yếu tố hàng đầu thể hiện sức mạnh của một quốc gia, tư duy giáo dục cần được xây dựng trên nền tảng văn hóa và đặt giá trị nhân văn là cốt lõi. Một hệ thống giáo dục mạnh mẽ không chỉ là phúc lợi xã hội mà còn là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy sự phát triển quốc gia.

Một khi xem giáo dục là hoạt động kinh doanh, mối quan hệ giữa học sinh - giáo viên, giáo viên-nhà trường cũng sẽ thay đổi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, hoạt động của nhà trường và sứ mệnh của giáo dục./.

THU HÀ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất