Ðồng chí Phan Xuân Trường, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tỉnh Gia Lai cho biết: Qua hơn hai năm triển khai Cuộc vận động, Gia Lai đã tổ chức 1.010 lớp nghiên cứu, học tập các chuyên đề về tấm gương đạo đức của Bác cho hơn 140 nghìn lượt cán bộ, đảng viên.
Ðiều đáng ghi nhận là, Cuộc vận động không chỉ nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mà ở mỗi đơn vị, địa phương đã thể hiện sự năng động, sáng tạo với những cách làm hay, nhiều hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, phù hợp từng đối tượng và lứa tuổi, mang lại hiệu quả thiết thực, thật sự đi vào lòng người như: Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh có phong trào "Tuổi trẻ Gia Lai làm theo lời Bác", Hội Cựu chiến binh tỉnh có phong trào "Kho thóc Cựu chiến binh"; các bệnh viện, trạm y tế có phong trào "Bữa cháo tình thương cho người nghèo"; ngành giáo dục và đào tạo đã lồng ghép các chuyên đề học tập tư tưởng, đạo đức của Bác vào các buổi chào cờ đầu tuần; các chi đoàn có sổ vàng, nhật ký "Học tập và làm theo lời Bác", xây dựng tủ sách về Bác Hồ. Ngoài ra, nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể còn tổ chức thi kể chuyện, hội trại, tọa đàm, trao đổi ý kiến các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Bác Hồ kính yêu.
Hội LHPN tỉnh Gia Lai còn sáng kiến xây dựng "Kho thóc tình thương" đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em. Ðược triển khai làm thí điểm tại huyện Mang Yang, cho đến nay đã có đến 11 kho thóc ở bảy xã với lượng thóc thường xuyên có từ 0,5 đến 1,5 tấn. Nhờ phong trào này, nhiều gia đình hội viên được trợ giúp kịp thời lúc giáp hạt. Chị Rơil, Chi hội trưởng Phụ nữ làng Ktu, xã Kon Chiêng cho biết: Hồi đầu khi mới được Hội cấp trên hướng dẫn, chi hội triển khai còn lúng túng vì phần lớn gia đình hội viên đều nghèo nhưng quá trình đi vận động, nhiều chị hiểu ra, thấy đây là việc làm phù hợp với bản tính cần, kiệm của người phụ nữ, với lại gây quỹ Hội sử dụng cho mục đích giúp đỡ các chị em khó khăn nên họ hưởng ứng rất nhiệt tình.
Còn chị Thuyết ở làng Bông, xã Ayun thì nói: Mình đã được nghe nhiều mẩu chuyện về Bác Hồ và nhớ nhất là câu chuyện những năm đầu nước nhà được độc lập, cứ ba ngày Bác nhịn ăn một bữa để giúp người nghèo. Học tập theo Bác, sống thương yêu, chia sẻ giúp đỡ nhau nên mỗi lần đi xay thóc, mình bớt lại một ít bỏ vào cái túi, đến khi đầy mình mang đến góp vào kho thóc tình thương của làng... Có thể nói, chính nhờ những hạt gạo mang nặng nghĩa tình ấy mà bếp của nhiều gia đình lúc nào cũng đỏ lửa. Ngoài ra, còn phải kể đến phong trào phụ nữ Chư Sê quyên góp xây dựng nhà tình thương để tặng cho những chị em chưa có nhà hoặc nhà ở dột nát, tạm bợ với mức đóng góp 10 nghìn đồng đối với chị em là người Kinh và 5.000 đồng với chị em là người dân tộc thiểu số. Ðến nay, Hội đã xây dựng được 20 nhà, bình quân mỗi nhà trị giá từ 6 đến 11 triệu đồng...
Ðồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong nhiều năm qua đã luôn nhận được sự quan tâm đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhờ vậy kinh tế - xã hội có bước phát triển tiến bộ, đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa không ngừng được cải thiện. Nhiều năm qua, kinh tế toàn vùng Tây Nguyên luôn tăng trưởng bình quân đạt 11,92%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,23 triệu đồng năm 2004 lên 6,64 triệu đồng năm 2007, tỷ lệ đói nghèo giảm 5,6%...Với Gia Lai, từ 2001 đến nay, chỉ tính riêng từ nguồn vốn của Chương trình 135, tỉnh đã đầu tư gần 400 tỷ đồng để tập trung đầu tư, phát triển cho 113 làng, thuộc 78 xã đặc biệt khó khăn, trong đó ưu tiên cho việc xây dựng các kết cấu hạ tầng kỹ thuật "Ðiện, đường, trường, trạm, nước sạch" góp phần không chỉ làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn mà còn tạo điều kiện để đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cải thiện nâng cao đời sống.
Cho đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn được dùng điện lưới quốc gia, có đường ô-tô đến trung tâm xã; tất cả các xã, phường có trạm y tế, phòng khám khu vực, trong số này 40% số trạm có bác sĩ. Những kết quả trên đã góp phần hạ tỷ lệ đói nghèo của tỉnh xuống còn 18,2% năm 2008. Ý nghĩa về kinh tế thì đã rõ, nhưng quan trọng hơn là ý nghĩa về mặt xã hội, mà trước hết đó là sự thể hiện sinh động nhất của ý Ðảng lòng dân. Còn nhớ, cách đây gần năm năm, trong buổi lễ khánh thành, thông xe đường vào xã Kon Pne (huyện Kbang), xã cuối cùng của tỉnh Gia Lai có đường vào trung tâm xã. Trong niềm vui khó diễn đạt được hết bằng lời, ông Ðinh Khyi, 75 tuổi, già làng Kon Kring bộc bạch: "Thời đánh Mỹ, mình vượt suối, luồn rừng đi làm giao liên cho cách mạng. Hòa bình rồi, cũng phải vượt suối, băng rừng mất hai ngày, một đêm mới ra được huyện, khi có việc cần. Bây giờ có đường to đẹp thế này, có đi bộ cũng sướng cái chân!". Bí thư Ðảng ủy xã Chu Văn Ðịnh cũng không giấu được niềm vui: "Phấn khởi quá đi chớ! Có đường rồi nay mai có điện, lại luôn nhận được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, bà con Ba Na chúng tôi nhất định sẽ đoàn kết, vượt qua khó khăn, tích cực xóa đói, giảm nghèo để xứng đáng hơn với truyền thống là xã căn cứ của cách mạng...". Ngẫm lại lời bộc bạch của già làng Ðinh Khyi, rồi nghe lời tâm sự của Bí thư Ðảng ủy xã, tôi hiểu rằng có con đường to vào xã không chỉ mở hướng để bà con ở Kon Pne nói riêng, vùng sâu, vùng xa nói chung, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống mà còn tạo điều kiện để bà con gắn bó chặt chẽ, keo sơn hơn với cách mạng, với Ðảng, như Bác Hồ hằng mong muốn.
Theo Báo Nhân Dân