Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 20/10/2010 21:46'(GMT+7)

Giải pháp nào cho nền sản xuất phim Việt Nam?

Cuộc tọa đàm thu hút 10 bản tham luận của nhà làm phim trong và ngoài nước đã phần nào cho thấy cái nhìn toàn cảnh về nền điện ảnh Việt Nam. Nhằm đưa bộ môn nghệ thuật thứ 7 của Việt Nam tiến xa trên trường quốc tế, giới chuyên môn đã có những định hướng đưa ra giải pháp cấp thiết cho nền điện ảnh nước nhà.

“Nền phim Việt đang bị thiếu máu”

Đó là nhận định của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong cuộc tọa đàm. Ông cho rằng tình hình sản xuất phim của Việt Nam hiện nay còn nhỏ giọt và sáng tạo thì cầm hơi. Theo ông thì: “Chừng nào chúng ta chưa cảm thấy phim trong nước đang bị thiếu máu thì điện ảnh Việt Nam chưa thể thay đổi”. Đã phần nào nói lên thực trạng của nền điện ảnh nước nhà.

Bên cạnh đó Tiến sĩ Lưu Trọng Hồng, nguyên Cục trưởng Cục điện ảnh cũng cho rằng nhìn chung chất lượng nghệ thuật cũng như kỹ thuật của phim Việt Nam còn thấp so với một số nước trong vùng Đông Nam Á; vẫn biết nền điện ảnh của ta được nhà nước đầu tư, tuy nhiên sự đầu tư này chưa thực sự đồng bộ. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng đội ngũ cán bộ vẫn còn thiếu chuyên nghiệp. Để giải quyết những khó khăn trước mắt, ông Lưu Trọng Hồng cho rằng: Cần phải có giải pháp đồng bộ trên cả 3 khâu tương đồng là sản xuất, phổ biến phim và nhân lực phục vụ sản xuất.

Còn Phó cục trưởng cục điện ảnh, ông Lê Ngọc Minh thì đánh giá, nền điện ảnh Việt Nam với số lượng khán giả khổng lồ là 86 triệu dân thì số lượng 10 phim/ năm trong thập niên vừa qua thật sự không đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Theo ông, nền điện ảnh Việt Nam èo uột là Việt Nam chưa có một thị trường điện ảnh đa dạng và ổn định. Trong khi phim nội địa đang đứng trước những nguy cơ “chết yểu” thì số lượng phim nhập ngoại lại tăng lên đáng kể và thu hút được người xem. Nếu cứ trong tình trạng này thì e rằng, nền điện ảnh Việt Nam sẽ chỉ cho ra những “đứa con lai”. Vậy, làm thế nào để nền điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cũng là điều cần bàn.

Xoay quanh việc chọn giải pháp, nhiều chuyên gia có nhắc đến vấn đề đầu tư của nhà nước. Trong khi nhiều nhà sản xuất phim khẳng định sự đầu tư của nhà nước sẽ tạo ra những cú hích cho việc sáng tạo nghệ thuật thì đạo diễn Lê Hoàng lại cho rằng: Nhà nước đang đầu tư lãng phí. Đạo diễn của “Gái nhảy” cho rằng, một bộ phim được coi là thành công khi bộ phim ấy ra lò được chính tay những người dân trên đất nước đó đón nhận, bằng cách bỏ tiền túi ra mua vé. Ý kiến này của đạo diễn Lê Hoàng đã nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp cũng như khán giả có mặt tại cuộc tọa đàm. Đạo diễn Lê Hoàng cũng quan niệm: tôi làm phim cho dân tôi xem, cái thành công của người làm phim là bán được vé cho chính người dân nước mình. Và đạo diễn cũng đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, ông cho rằng họ là đối tượng chính của nền điện ảnh. Có thể thấy, giới trẻ phân bố trên cả nước, nhưng sự thật là chỉ giới trẻ ở thành phố mới có điều kiện xem và thưởng thức phim. Thực tế cho thấy, số lượng khán giả trẻ chiếm đến 75%. “Vì vậy nếu làm phim mà không nhằm vào khán giả trẻ của thành thị là thua” - đạo diễn Lê Hoàng khẳng định.

Chuyên gia nước ngoài nói gì?

Tham dự cuộc tọa đàm có sự góp mặt của ông Kim Do Ho, Giám đốc Liên hoan phim Pusan (Hàn Quốc), nhận định về nền điện ảnh Việt Nam những năm trở lại đây, ông cho rằng: “Khoảng 10 năm trở lại đây, tôi thấy nền điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển, đặc biệt là kênh truyền hình. Hiện nay, khán giả trên thế giới chưa biết nhiều đến nền điện ảnh Việt Nam, nhưng tôi đánh giá cao nỗ lực của các nhà làm phim Việt. Làm thế nào để đưa phim Việt ra được với công chúng nước ngoài, mở rộng giao lưu với trường quốc tế là điều các bạn nên chú ý. Qua những hoạt động mở rộng ấy, sẽ nhanh chóng thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài và có cơ hội bán phim cho các nước khác”.

Bên cạnh đó, ông Kim cũng chia sẻ: sở dĩ phim Hàn Quốc có những bước phát triển nhanh chóng là do nền điện ảnh Hàn Quốc có sự hỗ trợ từ phía chính phủ về cơ chế, chính sách cũng như tư liệu phim. Đồng thời, đạt được thành công cũng đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng. Vấn đề tăng cường nhân lực cho nền điện ảnh Việt Nam cũng được ông nhắc đến. Ông cho rằng, cần bổ sung thêm những người thực sự có trình độ chuyên môn, và cần chú trọng hơn nữa đến việc đào tạo nguồn nhân lực.

Philip Cheah - GĐ LHP quốc tế Singapore lại chia sẻ: Hãy lắng nghe và chia sẻ với khán giả của chúng ta. Theo ông thì điện ảnh là một ngành độc lập nên gắn nhiều với tư nhân. Bản thân ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, học tập kinh nghiệm. Có cả những quốc gia nghèo cũng xây dựng một nền điện ảnh riêng, thậm chí điện ảnh kỹ thuật số. Chính vì vậy, sản xuất phim nên song hành với thị hiếu của khán giả trên chính đất nước ấy.

Trong vòng 2 tiếng, thu hút 10 bản tham luận của giới chuyên môn, buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi cùng với sự đóng góp thẳng thắn về thực trạng cũng như giải pháp của nền điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề về kinh phí đầu tư thì nhiều nhà sản xuất phim cũng cho rằng cần phải tạo một kênh riêng cho nền điện ảnh Việt Nam, xây dựng thêm rạp chiếu phim ở những nơi chưa có rạp, tạo sự đồng đều giữa các vùng miền. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thị hiếu khán giả, tăng cường huy động nguồn vốn xã hội hóa sản xuất phim…cũng là những vấn đề bức thiết cần sớm giải quyết để từng bước đưa nền điện ảnh nước ta phát triển.

Nằm trong khuôn khổ LHP quốc tế Việt Nam lần thứ nhất, các vấn đề Việt Nam môi trường hấp dẫn sản xuất phim? Cũng như chủ đề làm thế nào để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn sẽ được tọa đàm vào chiều ngày 19 và 20 tại nhà Hát Lớn Hà Nội./.

Tú Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất