Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 24/6/2011 19:59'(GMT+7)

Giữ lửa cho ngọn bút

Các nhà báo tại Lễ diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Các nhà báo tại Lễ diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Không khí ngày hội báo chí năm nay hòa vào niềm vui của đất nước sau khi chúng ta thực hiện thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HÐND các cấp - một cuộc bầu cử mang dấu ấn lịch sử khi đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới. Tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đang đứng trước những đòi hỏi mới vô cùng cấp thiết.

Trong bối cảnh đó, mặt trận đấu tranh tư tưởng dẫu không tiếng súng, nhưng ngày càng trở nên nóng bỏng và quyết liệt. Các thế lực thù địch đang tìm mọi thủ đoạn chống phá quyết liệt nhằm phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Chặng đường một phần tư thế kỷ đầy thách thức và sáng tạo vừa qua là minh chứng hùng hồn rằng công cuộc đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo không phải là một khẩu hiệu chính trị khô khan, mà đã trở thành cây đời ăn sâu bén rễ trong lòng người. Ðổi mới đang trở thành sức mạnh lan tỏa, được nhân lên và cộng hưởng trong cộng đồng dân tộc, dân ta được hưởng trái ngọt đầu mùa của đổi mới.

Mặc dù đất nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, nhưng bằng sự vào cuộc đầy bản lĩnh và trách nhiệm, báo chí đã vạch ra nhiều bất cập, nhiều căn bệnh trầm kha đang hủy hoại và làm tắc nghẽn những nguồn lực quý giá của đất nước. Ðây đó, bài học lấy dân làm gốc đang trở nên mờ nhạt. Ðói nghèo và nhất là bất công xã hội đang là điều u uất ở không ít nơi. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thói nhũng nhiễu, đặc quyền đặc lợi, sự tù đọng trong tư duy và hành động... đang là những căn bệnh cực kỳ nguy hại. Nó không chỉ triệt tiêu những nguồn lực bên trong của đất nước mà còn tước đi những cơ hội hợp tác làm ăn với thế giới bên ngoài. Những năm qua, một loạt kẻ phạm tội không kể ở cấp nào đã bị đưa ra xét xử nghiêm minh trong một số vụ án lớn mà ở đó có sự góp sức rất quan trọng của báo chí. Những biện pháp chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực được triển khai một cách mạnh bạo, tích cực ở một số nơi, được báo chí phát hiện, cổ vũ, được dư luận cả nước đồng tình ủng hộ, nhưng cũng chỉ như những chồi non mới nhú cần được tiếp tục bảo vệ, khích lệ mạnh mẽ hơn nữa để dần dần trở thành một hiện thực sống động và vững chắc, như ánh sáng xua tan bóng tối.

Chúng ta đã quen sống với chủ nghĩa tập thể, nhưng đáng buồn thay, ở nhiều nơi, đó không phải là chủ nghĩa tập thể lành mạnh đích thực mà là chủ nghĩa tập thể hình thức, đồng nghĩa với cào bằng mọi thứ, đồng nghĩa với 'cha chung không ai khóc'. Báo chí đã đưa ra công luận không biết bao nhiêu sự việc bức xúc và đáng buồn về thực trạng chế độ trách nhiệm cá nhân không rõ ràng trong một cơ chế bùng nhùng vốn là cái nôi nuôi dưỡng thói vô trách nhiệm, đố kỵ ghen ăn tức ở. Chính là trong cái vỏ của chủ nghĩa tập thể hình thức hoặc bị biến dạng mà chủ nghĩa cá nhân tìm được đất sống lý tưởng. Chúng ta không thể thắng trong tiến trình hội nhập mà ở đó đòi hỏi ngặt nghèo khả năng thích ứng và tăng sức cạnh tranh, không thể thắng trong cuộc chiến chống tụt hậu nếu bộ máy của ta quá rườm rà, đủng đỉnh, nếu chúng ta không loại bỏ được những kẻ tham ô hám lợi, vô trách nhiệm, vô cảm đang chốt chặt trong các mắt xích của bộ máy công quyền. Ðó thật sự là một cuộc chiến đấu của toàn xã hội, phải được triển khai trên nhiều cấp độ, trên mọi lĩnh vực mà ở đó luôn cần sự có mặt của những người làm báo như một lực lượng tiên phong. Cuộc đấu tranh này đòi hỏi ở những người tham gia nhiều phẩm chất, trong đó không thể thiếu phẩm chất dấn thân. Những hành vi mua chuộc tinh vi, đe dọa trắng trợn và trả thù hèn hạ nhằm vào các nhà báo chống tiêu cực không thể làm cho họ mềm lòng, chùn bước. Trái lại, những ngọn bút dũng cảm cùng với sự nghiêm minh của luật pháp  làm cho những thế lực hắc ám phải run sợ.

Nhưng cũng cần thấy rằng, có một chiều hướng rất đáng lưu ý là một số người cầm bút chỉ thấy những hạn chế, tiêu cực diễn ra trên các lĩnh vực, chỉ biết chê bai, phê phán như người ngoài cuộc mà không tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, không đề xuất được những giải pháp khắc phục hiệu quả. Có  không ít các nhà báo và một số tờ báo chỉ cảm thấy 'hứng thú' khi viết về mặt trái, các vụ tiêu cực, các tệ nạn xã hội mà không chú trọng đúng mức tới việc phát hiện những nhân tố mới, những mặt tốt vẫn là một hiện thực nổi trội, sống động trong xã hội ta.

Thời cuộc vẫn đang trong vòng xoáy biến động lớn. Các tình huống diễn biến càng đột ngột, khó lường hơn trong điều kiện các trang điện tử,  các mạng xã hội trên in-tơ-net có thể  gây ra những cơn bão thông tin để từ đó tập hợp lực lượng. Không ai có thể tưởng tượng được rằng cơn biến loạn chính trị - xã hội chưa từng có được báo chí phương Tây gắn cho cái tên mỹ miều 'mùa xuân Ả-rập' bất thần nổ ra và nhanh chóng lan rộng ra toàn khu vực Bắc Phi và Trung Ðông lại khởi phát từ một vụ việc như thế này: Ngày 17-12-2010, ở Tuy-ni-di, một thanh niên bán hàng rong bị cảnh sát ức hiếp, đánh đập thô bạo, vì quá phẫn uất đã châm lửa tự thiêu. Vụ việc này đã kích động dân chúng, tạo thành những làn sóng người xuống đường biểu tình chống chính quyền. Từ Tuy-ni-di, luồng gió nóng kỳ lạ và đáng sợ đó đã thổi thốc sang Ai Cập, Y-ê-men để lan nhanh ngoài sức tưởng tượng ra nhiều nước khác. Ðến cuối tháng 2-2011, theo kiểu hiệu ứng đô-mi-nô, đã có tới 18/ 24 nước Bắc Phi và Trung Ðông chìm đắm trong rối loạn.

Ðành rằng bối cảnh chính trị - xã hội cũng như nguyên nhân khủng hoảng ở mỗi nước, mỗi khu vực không giống nhau, nhưng cuộc biến động lớn ở Trung Ðông và Bắc Phi hiện nay làm người ta liên hệ tới bài học từ cuộc 'tổng xỉ vả lịch sử' tại các nước XHCN hơn 20 năm trước đây. Ðây là điều thật đáng suy ngẫm đối với những người cầm bút. Trên mặt trận tư tưởng, cần hết sức tránh chuyển từ chủ nghĩa giáo điều kiểu này sang chủ nghĩa giáo điều kiểu khác. Nhớ lại, trong cơn lốc nóng của chủ nghĩa chống cộng tại các nước XHCN cuối những năm 80 của thế kỷ trước, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng chỉ chú trọng một cách khác thường vào việc phê phán CNXH. Dễ nhận thấy một sự chuyển thái cực như sau: nếu như trước đó, ngọn bút của họ quất tơi bời vào bộ mặt của CNTB, mô tả nó như một xã hội đầy tội ác và khuyết tật, còn CNXH thì được họ phết cho một lớp sơn tuyệt đẹp, thì lúc này họ dùng búa tạ để nện một cách tàn nhẫn vào những sai lầm, khuyết điểm của CNXH, còn tội ác của CNTB, nếu được đề cập cũng chỉ theo lối dùng 'chổi lông đánh voi'. Ðây chính là lúc cuộc chiến đấu trên mặt trận tư tưởng để giành con tim, khối óc cho XHCN bị bỏ rơi. XHCN có sai lầm, nhưng điều đó không có nghĩa rằng CNTB là tuyệt vời, là phương thuốc để chữa trị những căn bệnh của XHCN. Phê phán những sai lầm, khuyết điểm của XHCN là cần thiết, nhưng điều đó không được biến thành việc tô vẽ cho CNTB. Làm như thế, chúng ta đã chấp nhận sự 'giải giáp tư tưởng' đơn phương, điều mà CNTB luôn luôn mong muốn.

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế là những nhiệm vụ trọng yếu và là một tiến trình mới mẻ. Trong chiến lược diễn biến hòa bình đối với Việt Nam, các thế lực thù địch mơ tưởng rằng, một khi nền kinh tế thị trường đã phát triển mạnh, cùng với quá trình tư nhân hóa và tư bản hóa nhanh, thì 'vòng cương tỏa' hiện thời sẽ mất dần hiệu lực. Lúc đó, 'chiếc áo chính trị chật hẹp' sẽ bị cơ thể cường tráng của nền kinh tế thị trường xé toạc. Ðấy chính là lúc sự ổn định (hay sự cân bằng tạm thời) giữa kinh tế thị trường và thể chế chính trị XHCN sẽ bị phá vỡ. Nghĩa là họ cho rằng, lúc đó không có chiếc gậy thần nào lại có thể điều khiển để tạo ra sự chung sống hòa bình giữa thể chế chính trị XHCN với nền kinh tế thị trường đã được tư nhân hóa và tư bản hóa một cách sâu rộng. Họ mơ tưởng, trên nền tảng của một nền kinh tế thị trường không còn hoạt động theo định hướng XHCN, do Nhà nước đã mất khả năng khống chế và điều tiết, những 'nhân tố mới' do họ cài nắm, nuôi dưỡng sẽ xuất hiện, tạo nên một thế trận mới, một sự sắp xếp lực lượng mới, và tất nhiên, từ đó mà một thể chế chính trị mới sẽ ra đời (!). Theo đề án của 'chiến lược chuyển hóa', một nền kinh tế thị trường tự do ắt sẽ dẫn đến một 'nền tự do chính trị' như là một hệ quả tự nhiên và tất yếu, nghĩa là trên đôi cánh của nền kinh tế thị trường, quá trình dân chủ hóa sẽ được bay bổng để đạt tới 'nền tự do chính trị'.

Nhân dân cần gì?

Câu hỏi này đang là điều day dứt và thôi thúc khôn nguôi đối với những người cầm bút. Không phải quá khó để trả lời bằng ngôn từ thuần túy, vì đối với nhiều người dân, chuyện cơm áo, học hành, chữa bệnh... vẫn là một cuộc vật lộn khắc nghiệt thường ngày, vẫn là một hiện thực từng ngày từng giờ đập vào mắt ta. Nhưng giải đáp câu hỏi đó bằng những bài viết đầy tinh thần chiến đấu và xây dựng thì thật phức tạp, gian nan.

Báo chí là tấm gương soi của xã hội. Có thể nhìn thấy trình độ dân chủ, nền tảng văn hóa - tinh thần, đạo đức xã hội, khát vọng vươn tới của một dân tộc qua gương mặt báo chí. Tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, sự đồng thuận trong xã hội, vì sự ấm êm dưới mọi mái nhà, bình yên trong lòng người..., tất cả cùng chung tay góp sức cho cuộc kiến tạo lớn trên đất nước yêu quý của ta, đó là mục đích cao cả mà lao động báo chí cần hướng tới. Làm sao khi mỗi ngày cầm tờ báo trên tay, nghe một bản tin, xem một chương trình truyền hình, truy cập vào một tờ báo điện tử..., bạn đọc có thêm những thông tin bổ ích và lý thú, góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp tâm hồn, hướng về điều thiện, dám bảo vệ cái đẹp, cái tốt, quyết chống cái ác, cái xấu, để cho niềm tin vào sự thật và lẽ phải luôn là ánh sáng trong cuộc đời này.

Giữ lửa cho ngọn bút! Công chúng báo chí và xã hội luôn kỳ vọng và mong chờ như vậy.

Hồ Quang Lợi

(Nguồn: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất