Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 8/8/2018 9:14'(GMT+7)

Giữ vai trò trung tâm trong thế giới biến động

Để giữ vững vai trò trung tâm trong các mối liên kết khu vực và quốc tế, ASEAN vừa phải bảo đảm đoàn kết để giải quyết những vấn đề nội khối, vừa thống nhất lập trường chung khi đàm phán và hợp tác với các nước đối tác trong một khu vực năng động nhưng cũng có nhiều biến động. Với tổng GDP khoảng 3.000 tỷ USD, lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, cùng thế mạnh địa chính trị, ASEAN đương nhiên là đối tác mà bất cứ quốc gia nào cũng muốn hợp tác.

Càng mở rộng hợp tác, ASEAN càng phải chứng minh vai trò trung tâm của mình để giữ đúng định hướng hợp tác và phát triển, không để các đối tác tác động làm chệch hướng. Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) được thành lập năm 1994 để các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các nước lớn thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực, theo cơ chế an ninh-chính trị. Diễn đàn này nhanh chóng khẳng định vai trò của ASEAN trong quản lý xung đột, xử lý các vấn đề an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Sự ra đời của ARF đáp ứng nhu cầu rất lớn của các nước nhằm đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, như: Khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai… Bên cạnh việc dẫn dắt ARF, ASEAN cũng tạo cơ hội cho các nước lớn thể hiện lập trường và phát huy vai trò nhất định trong các vấn đề khu vực. Với cách làm này, ASEAN trở thành đối tác không thể thiếu của rất nhiều nước trên thế giới.

Tuy vậy, các diễn biến trong khu vực, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên, đòi hỏi ASEAN gắn kết hơn với các đối tác để tạo dựng lòng tin. Khi đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2010, Việt Nam đã đưa ra ý tưởng hình thành Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM+) trên cơ sở cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM). Đây là cơ chế an ninh, quốc phòng và là sự bổ sung cho ARF để định hình hai cơ chế đa phương chính ở khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Cả ARF và ADMM+ đều là cơ chế ASEAN+ cấp bộ trưởng và là diễn đàn để ASEAN cùng các nước lớn, các đối tác bên ngoài ngồi lại với nhau để xây dựng lòng tin, tăng cường đối thoại và quản lý xung đột.

Giữ được vai trò trung tâm, ASEAN tiếp tục thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các nước. Đến nay, đã có 86 quốc gia cử đại sứ tại ASEAN, trong đó có các nước và đối tác lớn, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Liên minh châu Âu. Do vậy, cộng đồng quốc tế đánh giá ASEAN là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất mà Việt Nam là một thành viên tích cực cùng các quốc gia thành viên tham gia xây dựng tầm nhìn cộng đồng ASEAN, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn qua con đường hội nhập và đối thoại./.

Nam Long (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất