Gần nửa tháng qua, hàng nghìn hộ dân thuộc 10 xã, thị trấn của hai huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phải sống trong cảnh ngập lụt.
Nguyên nhân chủ yếu là do nước lũ trên thượng nguồn và hạ lưu sông Bùi,
sông Tích cùng đổ về, kết hợp với trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài,
khiến nước ở ngoài sông dâng cao, nước trong đê ứ đọng không có lối
thoát, dẫn đến ngập lụt. Mặc dù các lực lượng và nhân dân đã tích cực
chống tràn, các trạm thủy nông đã hoạt động hết công suất, nhưng do nước
cả trong lẫn ngoài sông đều lớn nên việc tiêu thoát rất chậm.
Trước đó, vào tháng 10/2017, sau một đợt mưa lớn trên diện rộng, nước
sông Bùi (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng tràn vào khu dân cư, khiến hàng trăm
hộ thuộc hai xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến bị ngập nặng. Khi khu dân cư
bị ngập lụt, thiệt hại trước mắt là tài sản, hoa màu, sản xuất đình
trệ thì đã thấy rõ, còn thiệt hại về lâu dài là ô nhiễm môi trường, nguy
cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh... thì đang tiềm ẩn.
Vì vậy, làm thế
nào để giảm khả năng bị ngập lụt, làm thế nào để chủ động phòng bị, hạn
chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra là vấn đề mà các
cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tính toán,
chuẩn bị phương án để cùng người dân thực hiện.
Ai cũng biết mưa bão là hiện tượng thời tiết tự nhiên, khách quan,
nhưng ngập lụt là do có một phần chủ quan. Vì thế, khắc phục được phần
chủ quan ấy sẽ hạn chế được những thiệt hại cơ bản.
Từ thực tế ngập lụt ở
Chương Mỹ hai năm vừa qua, cho thấy, các cơ quan chức năng của Hà Nội
và các địa phương liên quan cần phải xem xét, tính toán lại mức lũ tối
đa của các con sông trên địa bàn để đề ra phương án xây dựng cốt đê cho
phù hợp. Cốt đê dựa trên mức lũ của năm 1971 có lẽ đã lạc hậu, bởi hiện
nay, diện tích dòng chảy, lưu lượng tiêu thoát của các con sông đều đã
thay đổi, sức chứa nội đồng bị thu hẹp, do nhiều ao hồ bị san lấp phục
vụ sự phát triển. Do đó, không còn khả năng tiêu chứa nội tại khi có mưa
lớn trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, phải rà soát, cơ cấu lại hệ thống
các trạm thủy nông nội đồng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù
hợp với nhu cầu tiêu thoát của từng vùng. Bởi thực tế cho thấy, muốn
ngăn được lũ tất yếu phải nâng cao cốt đê, khai thông dòng chảy; muốn
tiêu thoát nước từ nội đồng thì phải tăng cường hoạt động của các trạm
thủy nông từ trước khi có mưa lũ. Đó là hai yếu tố cơ bản cần phải giải
quyết trong chống ngập lụt vùng đồng bằng.
Để giảm thiệt hại về người và tài sản khi ngập lụt thì phải tích cực
tuyên truyền cho nhân dân chủ động phương án đề phòng ngập úng. Đồng
thời, phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống nhà ở của người dân theo mô
hình nhà chống lũ như bà con Đồng bằng sông Cửu Long đã từng làm để
phòng bất trắc.
Sự chủ động của từng người dân trong vùng ngập lụt là
yếu tố rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản
trong hoàn cảnh bất khả kháng.
Giải quyết những vấn đề trên chính là
giải quyết các nguyên nhân cơ bản của ngập lụt không chỉ đối với một số
huyện, thị xã của Hà Nội mà còn đối với các địa phương thuộc Đồng bằng
Bắc Bộ. Do đó, rất cần được cấp ủy, chính quyền các địa phương và các cơ
quan chức năng nghiên cứu./.
Trần Vũ (qdnd.vn)