(TG) - “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn...”, câu ca dao ấy dường như đã khắc sâu trong tâm trí và trái tim của ông Vương Quang Minh, dân tộc Hoa, sống tại phường 2, thành phố Trà Vinh. Vì, mỗi lần làm được việc gì đó giúp đỡ cho người nghèo thì trong lòng ông như thanh thản hơn, ông tâm niệm “dù việc nhỏ hay lớn chỉ cần có đóng góp cho xã hội đều là nghĩa cử đẹp”.
Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 10.000 người Hoa (chiếm tỷ lệ 1% dân số) sinh sống, đông nhất là ở thành phố với 5.292 người, nhiều thập kỷ qua họ có một sự hội nhập, gần gũi, thân tình trong cuộc sống đời thường với người Việt, người Khmer, nhất là rất hoà nhập với cộng đồng các dân tộc. Cùng với việc lưu giữ được bản sắc văn hoá riêng, đồng bào người Hoa nơi đây có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
Theo giới thiệu của lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh, chúng tôi gặp ông Vương Quang Minh, một trong những người rất có uy tín không chỉ trong cộng đồng người Hoa ở đây, mà còn được người dân và lãnh đạo địa phương yêu quý. Ông Minh năm nay 63 tuổi, mẹ của ông là người Việt, cha là người Hoa, ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Trà Vinh.
Trong cộng đồng người Hoa ở Trà Vinh, khi hỏi về ông Minh ai cũng biết, bởi ông không chỉ là người làm công tác từ thiện nhiều, mà còn là người có vai trò rất quan trọng trong quá trình trùng tu ngôi chùa Phước Minh Cung (còn được gọi là chùa Ông), đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật văn hóa độc đáo của hơn 10 vạn đồng bào Hoa đang sinh sống tại địa phương. Thời điểm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ngôi chùa Phước Minh Cung xuống cấp trầm trọng, ông Minh đã đi vận động bà con cùng nhau góp công, góp của sửa sang ngôi chùa để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Suốt hơn 10 năm ròng rã, ông Minh luôn cần mẫn vận động nguồn lực, tiền của để trùng tu ngôi chùa. Đến năm 2001, việc trùng tu mới được thực hiện một cách quyết liệt, nhưng trong suy nghĩ của ông Minh lúc này chỉ nghĩ là làm sao để cộng đồng người Hoa có một nơi để sinh hoạt tín ngưỡng theo phong tục tập quán, nên chi phí cũng chỉ tốn vài trăm triệu, thế nhưng khi ngôi chùa được hoàn thành theo ý muốn, kinh phí mà ông vận động (chưa kể công sức) đã gần vài tỷ đồng. Vào tháng 11-2005, chùa Phước Minh Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa,Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia về loại hình kiến trúc nghệ thuật; nhiều năm nay, nơi đây đã đón khá nhiều khách đến tham quan nhất là vào dịp lễ, hội của đồng bào Hoa hay dịp Tết Nguyên đán.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Minh cho biết, được thừa kế sự nghiệp của cha mẹ để lại, từ năm 1972 ông duy trì, phát triển sản xuất và chế biến cà phê, để trong suốt thời gian qua dù phải đối mặt với xu thế cạnh tranh gay gắt, nhưng sản phẩm cà phê Kim Nguyên của ông không những đứng vững mà còn có tiếng ở Trà Vinh. Sự thành đạt này đã giúp cho ông có nhiều điều kiện để làm việc thiện.
Với tâm niệm, làm từ thiện thì phải xuất phát từ cái tâm của mình, nên ông Minh luôn khắc ghi lời đức Phật: Thiện tại tâm, làm từ thiện không câu nệ lớn hay nhỏ, ít hay nhiều, mà cốt ở cái tâm con người. Do vậy, những món quà của ông không lớn, đôi khi chỉ là vài ki-lô-gam gạo, vài thùng mì gói hay sách vở cho các em học sinh, nhưng đó là món quà của cả tấm lòng. Với ông Minh, mỗi việc làm chỉ đơn giản là “lá lành đùm lá rách”, qua đó đó để những người trong gia đình tôi hiểu rằng, việc hỗ trợ những người khó khăn là trách nhiệm của mình đối với xã hội, cho nên các hoạt động từ thiện tôi luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, người hảo tâm trong tỉnh và ngoài nước, những người khá giả ủng hộ tiền mặt, còn lại thì “lấy công làm của”. “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi tấm lòng của mình được đáp lại bằng nụ cười hơn hở của các cháu nhỏ khi đón nhận những quyển vở, cây bút, chiếc cặp mới hay ánh mắt ấm áp của đồng bào nghèo đón nhận vài ki-lô-gam gạo hay thùng mì gói…”, ông Minh vui vẻ cho biết.
Là Ủy viên của Hội khuyến học tỉnh, ông Minh vừa bỏ tiền túi, vừa vận động bạn bè ủng hộ kinh phí để mỗi năm mua gần 14.000 cuốn vở cho con em những hộ gia đình nghèo trong toàn tỉnh, nhưng năm vừa qua, do khó khăn chung nên kinh phí vận động được chỉ đủ để sắm hơn 12.000 cuốn vở, ông Minh cho biết. Chính bản thân ông Minh cũng không biết mình đã làm bao nhiêu việc từ thiện cho xã hội, nhưng có những trường hợp để ông nhớ nhất, đó là: Vào khảng năm 1990 - 1991 có một người bạn gặp khó khăn, hoạn nạn đến nhờ vả, ông Minh vui vẻ cộng tác và giúp đỡ về tiền bạc cũng như bày cho cách thức sản xuất, kinh doanh trà, vì thế việc kinh doanh của người bạn đã đạt được những thành công nhất định. Năm 2002, có gia đình người Khmer gặp khó khăn đến mượn ông Minh giúp 5 chỉ vàng, nhưng sau hơn 10 năm người mượn không có khả năng trả, nên vừa qua ông Minh đã gọi họ đến và xóa nợ. Những việc làm của ông được gia đình ủng hộ và đồng tình, không những thế 5 cô con gái đang học và làm việc ở Úc, mỗi khi về nước cũng chủ động làm từ thiện, mua quà tặng hội phụ lão ở địa phương.
Ông Khưu Sáng Nghiệp, người bạn đồng niên thân thiết cho biết, trong cuộc sống với anh em, bạn bè thì ông Minh rất gần gũi, thân thiện; đối với xã hội luôn thể hiện sự “tương thân tương ái”. Sự thuận lợi để làm được công tác từ thiện là vì nhà ông Minh có của ăn, của để, cùng với sự uy tín của mình nên ông Minh đã làm tốt công tác vận động quyên góp tiền của từ một số bạn bè ở nước ngoài, sẵn sàng hỗ trợ cho nhiều con em thuộc diện hộ nghèo để có điều kiện đến trường và nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Ngoài ra, cách làm của ông Minh luôn được bạn bè và xã hội ủng hộ, vì kinh phí từ công tác vận động luôn sử dụng một cách minh bạch, hiệu quả.
Nhận xét về những việc làm của ông Vương Quang Minh, bà Quách Cúc Liên Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh cho biết: Ông Minh luôn thể hiện rõ sự đồng cảm với khốn khó của những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ hay những người gặp hoạn nạn, vì thế ông luôn dành thời gian để đi vận động các nhà hảo tâm, bạn bè của mình quyên góp, ủng hộ… Với những việc làm đó, ông Minh đã được bầu làm Phó Chủ tịch không chuyên trách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh; 2 lần liên tiếp gần đây nhất ông là cá nhân tiêu biểu trong các thành phần dân tộc của tỉnh Trà Vinh được đi dự Đại hội lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hà Nội (tại Đại hội lần thứ VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ông cũng được tham dự) vào cuối tháng 9 năm 2014 - sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng về đại đoàn kết dân tộc./.
Đức Thuận