Chủ Nhật, 6/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 24/12/2009 21:10'(GMT+7)

Hà Giang: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đổi mới

Phiên chợ vùng cao Hà Giang.

Phiên chợ vùng cao Hà Giang.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang lần thứ nhất vừa được tổ chức thành công với sự tham gia của 361 đại biểu đại diện cho hơn 20 dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 87,8% dân số trong toàn tỉnh.

Tham dự Đại hội có các đồng chí: Hoàng Minh Nhất, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu QH khóa XII tỉnh Hà Giang; Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, thành viên BCĐ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam; Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, đại biểu QH khóa XII tỉnh Hà Giang; Thiếu tướng Hoàng Toái, Phó Tư lệnh Quân khu II;  Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và đại diện các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Hà Giang là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là quê hương của cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống, tiêu biểu như dân tộc Mông chiếm 31,59%, Tày chiếm 26%, Dao chiếm 15,4% so với tổng dân số của tỉnh, còn lại là các dân tộc khác như: Nùng, La Chí, Giáy, Xuồng, Ngạn, Pà Thẻn, Bố Y… Các dân tộc thiểu số đều có bản sắc văn hóa địa phương lâu đời, hết sức phong phú và đa dạng, với truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết xây dựng, bảo vệ quê hương trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Đặc biệt là giai đoạn từ năm 1986 đến nay, giai đoạn Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước, trong đó có đổi mới chính sách dân tộc.

Trong quá trình xây dựng và phát triển KT-XH, cùng với sự giúp đỡ của các tỉnh bạn và đồng bào miền xuôi, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, quyết tâm phấn đấu vươn lên. Ngay từ những ngày đầu, đã tích cực tham gia xây dựng hợp tác xã, xóa bỏ chế độ bóc lột ở nông thôn, phát triển y tế, giáo dục, thực hiện phong trào thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa; phát triển hạ tầng cơ sở. Điển hình nhất là, đã cùng nhau mở tuyến đường “Hạnh Phúc” từ thị xã Hà Giang đi các huyện vùng cao phía Bắc và nhiều tuyến đường trọng yếu khác đi các huyện, các xã trong tỉnh; phát triển thông tin liên lạc...

Trong giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, đồng bào các dân tộc tiếp tục đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau “xóa đói giảm nghèo”; thực hiện “Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở” nâng cao dân trí; hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tiếp tục làm đường dân sinh, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc (về tiếng nói, chữ viết; về phong tục, tập quán; về các ngành nghề truyền thống; về văn hóa, văn nghệ v.v...).

Kể từ khi tỉnh Hà Giang được tái thành lập tháng 10/1991, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về việc phát triển vùng dân tộc, trong đó có Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy về tăng cường cán bộ về cơ sở, xây dựng cơ sở vững mạnh, xóa đói giảm nghèo; Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy về chính sách hạ sơn các hộ ở 4 huyện vùng cao núi đá xuống vùng thấp xây dựng kinh tế mới.

Chương trình “Một mái nhà, một bể nước, một con bò” của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ tích cực cho đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang; Chương trình 135 từ năm 1999 đến 2008 đã đầu tư trên 1.228 tỷ đồng… Đến nay, 100% số xã trong tỉnh có trường học 2 tầng, xây dựng được 34 Trung tâm cụm xã với 146 công trình, mở 794 lớp đào tạo cán bộ xã, thôn cho cho 32.264 lượt người. Ngoài ra, tỉnh còn huy động các nguồn vốn khác lồng ghép trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn với số tiền trên 546,75 tỷ đồng phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện các chương trình di dãn dân, ổn định dân cư biên giới, di dân kinh tế mới, hạ sơn với tổng số gần 3.800 hộ, giúp đồng bào giảm bớt khó khăn, phát triển sản xuất, ổn định đời sống…

Đặc biệt, để giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao, Thủ tướng Chính phủ đã đầu tư cho tỉnh 30 hồ “treo”, góp phần giúp nhân dân vùng cao núi đá đỡ thiếu nước về mùa khô. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững cũng đang được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo 6 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% tích cực triển khai thực hiện. Hệ thống y tế ở vùng dân tộc ngày càng được củng cố, phát triển, tăng cường trang thiết bị. Đến nay đã có 60% số xã có bác sỹ, 100% xã có nữ hộ sinh, 1.905/2.032 thôn có y tá thôn bản,170/195 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Từ năm 2006 đến 2009, đã cấp thẻ khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế miễn phí cho 1,5 triệu người.

Công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, được thể hiện bằng hệ thống trường Nội trú dân nuôi, các chính sách đối với học sinh con em dân tộc thiểu số, con hộ nghèo. Từ năm 2006 đến nay đã miễn giảm học phí và các khoản đóng góp, trợ cấp xã hội và học bổng, cấp sách vở, dụng cụ học tập cho gần 5.550 lượt học sinh; cấp tiền ăn cho 79.678 học sinh con hộ nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn… thông qua thực hiện các chính sách, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2006 đến nay đã có trên 21.000 hộ thoát nghèo; kết thúc Chương trình 135 giai đoạn I, toàn tỉnh có 19 xã hoàn thành mục tiêu ra khỏi Chương trình 135; chính sách về nhà ở được triển khai thực hiện tốt, từ 2001-2005 đã hỗ trợ tấm lợp cho 3,2 vạn hộ, xóa nhà tạm cho hơn 12.000 hộ; hỗ trợ sửa nhà được 733 hộ và tặng 418 ngôi Nhà đại đoàn kết; 100% xã có đường ô - tô đến trung tâm, trên 83% số hộ trong tỉnh được dùng điện lưới Quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh đến năm 2008 giảm còn 28,5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm đáng kể...

Phát biểu tại Đại hội, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất ghi nhận những công lao đóng góp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh vào sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của quê hương Hà Giang. Đồng chí nhấn mạnh:  Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được phát huy và nhân lên gấp bội. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Coi đây là vấn đề sống còn và có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Có thể nói, suốt chặng đường lịch sử đã qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang đã trưởng thành và phát triển vượt bậc về mọi mặt (cả về dân số và chất lượng cuộc sống). Về ăn ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh đã được cải thiện và nâng cao; nông thôn, thành thị nơi đồng bào sinh sống đã có sự đổi mới rõ rệt...

Tại Đại hội, đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã bày tỏ lòng biết ơn và khắc ghi sâu sắc công ơn đối với Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, được thể hiện qua Quyết tâm thư với lời hứa quyết tâm gửi tới Đảng, Nhà nước bằng lòng tin sắt son của nhân dân các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hồ, đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đại hội đã thông qua kết quả lựa chọn 60 đại biểu, đại diện cho các dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất, được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2010, đồng thời công bố Quyết định và trao Bằng Chứng nhận của Chủ tịch UBND tỉnh cho 22 đại biểu xuất sắc tại Đại hội./.

Phạm Công Hà, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất