(TCTG) - Tại Hội nghị quán triệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” tổ chức ngày 27-3 tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng cho biết: Trong năm 2012, du lịch Hà Nội sẽ triển khai nhiều sản phẩm phát huy thế mạnh của một thành phố thủ đô có ngàn năm lịch sử với nhiều di sản được thế giới công nhận. “Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa sản phẩm du lịch của Hà Nội so với các địa phương khác và thế giới.”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, trong thời gian tới, một trong di sản được Hà Nội đưa vào khai thác du lịch là lễ hội Gióng. Hà Nội đang thực hiện từng bước trình duyệt đề cương và triển khai lập đề án phát huy giá trị, khai thác, phát triển du lịch bền vững tại quần thể “Không gian lễ hội Gióng”, huyện Gia Lâm và huyện Sóc Sơn, tạo thành “điểm đến” mới cho ngành du lịch. Ông Dũng khẳng định: “Lễ hội Gióng là một lễ hội đặc sắc, mang nhiều nét văn hóa riêng biệt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Những nơi diễn ra lễ hội Gióng cũng hội đủ điều kiện phát triển du lịch như cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, dịch vụ du lịch có thể kết nối với các địa danh du lịch khác.”
Một trong những mục tiêu khi đưa du lịch vào không gian lễ hội Gióng, đó là các nhà văn hóa và du lịch mong muốn góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đồng thời giáo dục truyền thống văn hóa Việt Nam cho người dân thông qua con đường du lịch. Theo một chuyên gia văn hóa, vấn đề đặt ra là thực hiện như thế nào để du lịch không làm phá vỡ không gian văn hóa, để du lịch và văn hóa có sự tương hỗ. Bên cạnh đó, cái khó của không gian lễ hội Gióng khi đưa vào du lịch là lễ hội chỉ diễn ra vỏn vẹn vài ngày, làm sao để du khách có thể xem, nhìn, nghe và cảm nhận trong cả một năm.
Cũng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung vào khai thác du lịch tại các điểm lịch sử như di sản Hoàng Thành Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử Giám… UBND Quận Hoàn Kiếm cũng đang tiến hành triển khai đề án mở rộng tuyến phố đi bộ ở khu vực bờ Hồ và khu vực phố cổ vào cuối tuần. Hà Nội sẽ thí điểm xã hội hóa tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ du lịch như: biểu diễn võ thuật (tại đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc), phối hợp với Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức chương trình tạp kỹ tại rạp Chuông vàng, tổ chức cho du khách nghe hát ca trù (phối hợp với nhóm hát ca trù của nghệ sĩ Bạch Vân)…
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp phát triển tuyến du lịch du lịch cộng đồng tại Ba Vì, tại các làng cổ Đông Ngạc, làng nghề Bát Tràng, làng nghề Vạn Phúc, hay các làng nghề khác ở khu vực Hà Tây cũ…
Về công tác xúc tiến du lịch, năm 2012, Hà Nội sẽ tổ chức hội chợ du lịch quốc tế 2012, đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ XI của Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA); đồng thời tổ chức đoàn xúc tiến giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội tại một số thị trường gửi khách tiềm năng vào Hà Nội như Ba Lan, Nga, Hungary, Séc, Úc, Canada… Hà Nội cũng dự định xây dựng chương trình truyền hình chuyên đề Quảng bá và bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội…
Theo số liệu thống kê, năm 2011, số lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 1.887.000 lượt khách, tăng 11% so với năm 2010. Khách nội địa đến Hà Nội ước đạt 11.660.000 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quang Anh