Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 21/8/2008 11:41'(GMT+7)

Hà Tĩnh: Tiên phong trong cuộc chấn hưng ca trù

Dù UNESCO có ghi danh, công nhận Ca trù là Di sản VHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp hay không thì chúng ta cũng phải bảo tồn và phát huy nghệ thuật độc đáo này của dân tộc. Suy cho cùng việc bảo tồn, phát huy Di sản Ca trù phải làm từ gốc, từ các địa phương trên cả nước. Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trên cả nước có hẳn một công trình khoa học cấp tỉnh về Di sản Ca trù.

Cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu và cả những địa phương có Di sản Ca trù đều thừa nhận Hà Tĩnh là một trong những cái nôi của Ca trù người Việt. Từ năm 1998, Sở VH-TT (nay là Sở VH,TT&DL) tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Hội Văn nghệ Dân gian và UBND huyện Nghi Xuân tổ chức Hội thảo “Ca trù Cổ Đạm”. Với gần 20 bản tham luận, Hội thảo đã mang tới nhiều góc nhìn khác nhau về Di sản Ca trù ở Hà Tĩnh nhưng có một quan điểm chung đã được nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm, nghệ nhân ghi nhận: Hà Tĩnh có một Ty giáo phường Cổ Đạm nổi tiếng một thời và mảnh đất này cũng chính là một trong những quê hương của hát Ca trù người Việt.

Với Ca trù Cổ Đạm, Hà Tĩnh cũng là tỉnh đầu tiên và duy nhất cho đến nay đứng ra đồng tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học về Di sản Ca trù ở địa phương mình. Giữa lúc 17 tỉnh, thành có Di sản Ca trù đang gấp rút tiến hành thống kê, kiểm kê Di sản Ca trù... để hoàn thiện hồ sơ Hát Ca trù người Việt chuẩn bị trình UNESCO, Đề tài “Nghiên cứu - Các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hoá Ca trù ở Hà Tĩnh” do một nhóm tác giả thuộc Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh thực hiện đã được nghiệm thu xuất sắc cấp tỉnh. Chủ nhiệm đề tài này chính là nhà nghiên cứu Phan Thư Hiền - Phó giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Tĩnh cũng là người đã có nhiều tác phẩm đáng chú ý như Hát phường vải ở Trường Lưu, Tam vị Thánh Mẫu ở Hà Tĩnh, Nguyễn Công Trứ với hát Ca trù...

470Muatuquy-.jpg
Phục dựng "Múa tứ quý"

Bắt đầu triển khai từ năm 2006, nhóm tác giả gồm Phan Thư Hiền, Đặng Hoành Loan, Phạm Đức Ban, Thái Kim Đỉnh... đã tiến hành điều tra, khảo sát, điền dã, sưu tầm... di sản Ca trù trên toàn bộ 262 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và 5 tỉnh, thành phố liên quan gồm Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Huế, Hà Nội. Sau gần hai năm thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã sưu tầm được trên 100 bài hát nói và Ca trù các điệu của các tác giả về Hà Tĩnh xưa và nay như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Trình, Trương Quốc Dụng, Thuỵ Ưng Bình...  Ngoài ra, còn sưu tầm được hơn 100 bài Ca trù của các tác giả nổi tiếng trong nước như: Dương Khuê, Cao Bá Quát, Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tế Xương... Nhóm tác giả này cũng đã dày công tìm hiểu, sưu tầm nhiều văn bia, hương ước, gia phả, thư tịch liên quan đến Ca trù ở tỉnh Hà Tĩnh như: văn bia trong nhà thờ họ Phan Huy ở huyện Lộc Hà có ghi lại những quy định về hát xướng, 2 bản hương ước cổ nói về hát xướng Ca trù... Táo bạo hơn, một bản đồ phân bố Ca trù Hà Tĩnh xưa và nay cũng được vẽ lại trong quá trình thực hiện Đề tài này.... Bên cạnh những tài liệu sưu tầm, thống kê được về Di sản Ca trù ở tỉnh Hà Tĩnh, nhóm tác giả còn tổ chức phục dựng 2 không gian diễn xướng Ca trù gồm Hát Thờ tại nhà thờ Phan Tôn Chu và Hát Chơi tại khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ.

Ngày 28-7-2008 vừa qua, Đề tài Nghiên cứu - Các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hoá Ca trù ở tỉnh Hà Tĩnh đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc cấp tỉnh. Vẫn biết, công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Ca trù không thể chấn hưng trong ngày một ngày hai, cũng không thể chỉ đơn lẻ ở từng địa phương... nhưng với những gì đã làm được, Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành địa phương “tiên phong” trong cuộc chấn hưng Ca trù người Việt./.
 (Nguồn: Báo Văn hoá)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất