Đổi mới tư duy về đối ngoại quốc phòng
Phóng viên (PV): Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ
XII đã nêu rõ, trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã kiên quyết, kiên
trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại,
hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế
của nước ta tiếp tục được nâng cao. Đồng chí có thể cho biết, công tác
đối ngoại quốc phòng đã đóng góp như thế nào vào thành quả quan trọng
này?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Có thể nói, đối ngoại
quốc phòng là một trong những bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại
của Đảng và Nhà nước. Đặc trưng của đối ngoại quốc phòng là tăng cường
lòng tin giữa các quốc gia trên thế giới, vừa hợp tác, vừa đấu tranh
giải quyết những bất đồng để ngăn chặn xung đột và củng cố quan hệ với
các nước.
Người ta vẫn nói rằng, chiến tranh dù thế nào thì cũng sẽ đi đến hòa
bình và tốt nhất là không có chiến tranh. Kế sách tối ưu để bảo vệ Tổ
quốc trong thời bình là không phải dùng đến biện pháp quân sự mà chúng
ta phải bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc bằng biện pháp
hòa bình, tất nhiên phải dựa trên sức mạnh răn đe của đất nước trước
những đe dọa từ bên ngoài. Đây là một nhiệm vụ khó khăn không kém gì
việc phải đánh thắng trong thời chiến. Công tác đối ngoại quốc phòng
đang góp phần thực hiện nhiệm vụ đó.
Những năm qua, ở nhiều khu vực trên thế giới tiềm ẩn hoặc đã xảy ra
xung đột, bất ổn. Trong bối cảnh như vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam đã
tích cực, chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại trên cả bình diện
song phương và đa phương, nhằm xây dựng và củng cố lòng tin với các
nước, nâng cao sự hiểu biết về tình hình an ninh chung cũng như chiến
lược của các quốc gia; từ đó, tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc
thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, độc lập tự chủ,
đồng thời duy trì hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Đối ngoại quốc phòng cũng chú trọng thúc đẩy vấn đề hợp tác khắc phục
hậu quả chiến tranh. Chúng ta nỗ lực để các nước từng gây chiến với
Việt Nam nhận thấy họ phải có trách nhiệm đối với những hậu quả chiến
tranh nặng nề mà đất nước và con người Việt Nam phải gánh chịu hằng
ngày. Một kết quả hợp tác điển hình là việc Hoa Kỳ hỗ trợ không hoàn lại
100 triệu USD giúp tẩy rửa chất độc đi-ô-xin tại khu vực sân bay Đà
Nẵng.
Một hoạt động của quân đội thời gian qua đó là tham gia hoạt động gìn
giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tuy Việt Nam tham gia muộn và cử sĩ
quan tham gia không nhiều bằng các nước khác song hiệu quả lại rất đáng
kể. Điều này được thể hiện qua phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc
Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2015 nói
rằng, ông nghiêng mình trước sự cố gắng và năng lực của sĩ quan Việt Nam
khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở những địa bàn xa xôi như tại
châu Phi.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn
Đối ngoại biên giới là một trong những điểm sáng của đối ngoại quốc
phòng trong những năm vừa qua. Với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, chúng
ta duy trì được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát
triển, bền vững lâu dài và phòng thủ vững chắc. Quân đội đã tham gia
tích cực vào công tác tăng dày cột mốc với Lào, đang tích cực tham gia
phân giới cắm mốc với Cam-pu-chia. Trong khi đó, chúng ta cũng duy trì
được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với Trung
Quốc. Nổi bật là giao lưu quốc phòng hữu nghị biên giới Việt-Trung
thường niên với sự tham dự của hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đông đảo
lực lượng quân đội của hai nước. Trên biển, chúng ta luôn bảo đảm vùng
biển Việt Nam là vùng biển an toàn, hữu nghị, hợp tác, đồng thời kiên
quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán chính đáng của
mình. Vùng biển Việt Nam hầu như không có cướp biển và trong trường hợp
xảy ra nạn cướp biển đều được xử lý kịp thời. Chúng ta cũng đẩy mạnh hợp
tác với lực lượng hải quân, cảnh sát biển của các nước có vùng biển
liền kề như Trung Quốc, một số nước thành viên ASEAN. Các nước thường
xuyên đánh giá cao về tinh thần, thiện chí hợp tác của lực lượng Việt
Nam.
PV: Đồng chí đánh giá ra sao về nhận thức của
cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân về vai trò của đối ngoại quốc phòng
trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi Nghị quyết 806 của Quân ủy Trung
ương được triển khai thực hiện?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước hết, chúng ta
phải nói về việc đổi mới tư duy của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương
8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã khái
quát thành nguyên tắc, thể hiện cách nhìn nhận mới về đối tác, đối
tượng. Với những kiểm nghiệm về tính đúng đắn trong thực tiễn, nguyên
tắc này đã được đưa thành quan điểm trong Nghị quyết số 28-NQ/TW (khóa
XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: “Những ai tôn
trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác
bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào
có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Mặt khác, trong
tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn
biện chứng: Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp
tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần
phải đấu tranh”.
Có thể nói ngắn gọn là trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có
đối tác và chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong công tác đối
ngoại. Chúng ta đấu tranh trên những mặt còn khác biệt và hợp tác trên
những mặt có cùng lợi ích. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đề cập
đến vấn đề này trong bài phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28
năm 2013. Sau này, Nghị quyết Đại hội XII đã chỉ rõ nhiệm vụ bảo vệ Tổ
quốc là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, chế độ
chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, giữ vững môi trường thuận lợi
để phát triển đất nước. Đây là một khái niệm hết sức toàn diện, biện
chứng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của cả hệ thống chính trị trong bối
cảnh hiện nay. Như vậy, với kim chỉ nam này, trong thời bình quân đội
cũng phải hành động để bảo vệ hòa bình, giữ vững môi trường thuận lợi để
phát triển đất nước.
Với nhận thức như vậy, Nghị quyết 806 khẳng định vai trò quan trọng
của đối ngoại quốc phòng. Đây không phải là công tác ngoại giao thông
thường mà là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời bình bằng biện pháp hòa
bình. Chúng ta nhận thức đầy đủ rằng quân đội trong thời bình không chỉ
thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu mà phải tham gia tích cực vào việc
bảo vệ Tổ quốc bằng các biện pháp hòa bình. Đây là vấn đề hệ trọng của
quân đội được thể hiện qua Nghị quyết 806.
Nghị quyết 806 cũng nhấn mạnh phương châm đối ngoại của Đảng và Nhà
nước ta là chủ động, tích cực. Thay vì chờ đợi ý kiến của các đối tác,
giờ đây chúng ta chủ động đề xuất những nội dung có thể hợp tác một cách
chân thành trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
PV: Đề nghị đồng chí cho biết, những bài học nào có thể rút ra sau hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 806?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Bài học đầu tiên là
đối ngoại quốc phòng phải chủ động tiếp cận vì lợi ích đất nước. Nếu
không chủ động, chúng ta sẽ bị động và bị áp đặt. Một mặt, chúng ta bảo
đảm giữ vững lợi ích quốc gia, dân tộc, mặt khác, chúng ta tôn trọng lợi
ích chính đáng của các quốc gia khác. Như đã nói ở trên, giờ đây chúng
ta chủ động đề xuất những nội dung có thể hợp tác một cách chân thành
trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Ví dụ, trong quan hệ quốc phòng với
Hoa Kỳ, điều đầu tiên khi chúng ta làm việc với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ là
thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Đây không chỉ là vấn đề
khắc phục hậu quả của quá khứ để lại mà còn là cánh cửa mở ra tương lai
đối với quan hệ song phương.
Bài học thứ hai là phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Người ta thường
cho rằng đối ngoại là phải làm vui lòng nhau và tìm được tiếng nói
chung. Tuy nhiên, trên thực tế không nhất thiết như vậy. Trong công tác
đối ngoại, các bên có thể không hoặc chưa tìm được tiếng nói chung nhưng
vẫn phải duy trì quan hệ, không để xảy ra căng thẳng, xung đột. Vì vậy,
bên cạnh hợp tác, đấu tranh cũng rất quan trọng để bảo vệ các giá trị
của Việt Nam, bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ
hòa bình và ổn định, không cho nước khác xâm phạm lợi ích chiến lược
của đất nước.
Bài học thứ ba, đối ngoại quốc phòng là nhiệm vụ của toàn quân, có
liên quan đến nhiều đơn vị, cán bộ chiến sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng cho các
cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, nhất là các đơn vị đóng quân ở khu vực giáp
biên, là rất cần thiết và quan trọng.
Cuối cùng, chúng ta cần luôn học tập và làm theo phương châm lớn của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cho dù tình
hình có thay đổi thế nào thì vẫn phải bảo vệ bằng được lợi ích quốc gia
dân tộc, các giá trị của đất nước cũng như bảo vệ hòa bình và ổn định.
Đất nước càng mạnh thì nguy cơ chiến tranh càng bị đẩy lùi
PV: Môi trường an ninh khu vực trong thời gian
tới được dự báo sẽ có nhiều biến động khi các nước lớn cạnh tranh chiến
lược quyết liệt và tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến
khó lường. Theo đồng chí, Việt Nam cần phải làm gì để giữ vững độc lập
tự chủ đồng thời tranh thủ tối đa được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế
nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Theo tôi, trước hết là
phải chú trọng củng cố, xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước, bao
gồm ổn định về chính trị, phát triển nhanh và bền vững về kinh tế, nâng
cao dân trí, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Đất nước càng mạnh thì nguy
cơ chiến tranh càng bị đẩy lùi.
Đồng thời, công tác đối ngoại cần góp phần mở rộng quan hệ với nhiều
nước hơn nữa, thúc đẩy xây dựng lòng tin để khi một nước nào đó có ý đồ
xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc của ta, họ sẽ phải tính toán rất kỹ
lưỡng và nhận ra rằng, không nên thực hiện và thực hiện cũng không được.
Một điều quan trọng nữa là không được đứng về bên nào trong các cuộc
cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, không vì lợi ích chính đáng của
đất nước.
PV: Đồng chí cho rằng, việc củng cố, xây dựng
sức mạnh tổng hợp của đất nước, trong đó có việc tăng cường tiềm lực
quốc phòng, là rất quan trọng. Vậy mối quan hệ giữa đối ngoại quốc phòng
và việc xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ra
sao, thưa đồng chí?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi cũng muốn nhấn
mạnh về vai trò của đối ngoại quốc phòng với việc xây dựng quân đội
chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong xây dựng tiềm lực quốc
phòng, việc xây dựng quân đội hiện nay khác với trước đây. Trong thời
bình, chúng ta phải xây dựng quân đội mạnh nhưng cũng không được là gánh
nặng của đất nước, của nền kinh tế, của nhân dân. Vì vậy, bên cạnh
trang bị vũ khí hiện đại thì phải tập trung vào yếu tố con người. Chỉ
đến khi chúng ta sử dụng tinh thông và làm chủ được các trang thiết bị,
vũ khí mới thì quân đội mới hiện đại được. Đối với khoa học-kỹ thuật, có
lĩnh vực chúng ta chưa thể tự nghiên cứu được, do đó cần phải học tập
của nước ngoài. Vì vậy, phải tận dụng các cơ hội, điều kiện mà đối ngoại
quốc phòng đem lại để đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội có trình độ
chuyên môn kỹ thuật cao.
PV: Với những kết quả đạt được và kinh nghiệm
rút ra trong thời gian qua, phương châm của công tác đối ngoại quốc
phòng trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng ta cần cân đối
hài hòa giữa hợp tác và đấu tranh, bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia,
dân tộc. Đấu tranh trên tinh thần xây dựng, trên cơ sở luật pháp quốc
tế. Đấu tranh trên cả bình diện song phương, đa phương và quan trọng là
đấu tranh với chính các nước có xung đột lợi ích trực tiếp với chúng ta.
Trong khi đó, cần tận dụng tối đa mọi cơ hội để hợp tác chân thành,
thiết thực trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và cùng đóng góp cho hòa
bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
BẢO TRUNG - HOÀNG VŨ (thực hiện)