Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 16/12/2009 16:56'(GMT+7)

Hai vấn đề bức xúc: Xâm hại di tích và loạn quảng cáo

Di tích Cổ Loa không giữ được những nét xưa.

Di tích Cổ Loa không giữ được những nét xưa.

Hội nghị đã thảo luận hai vấn đề "nóng" hiện nay: Làm thế nào để nâng cao chất lượng quản lý và phát huy giá trị di tích (DT) lịch sử trên địa bàn thành phố trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hà Nội sẽ làm gì để dẹp "loạn" quảng cáo (QC)?

Những chuyện "đã rồi"

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó GĐ Thường trực Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: Thành phố sau khi mở rộng có số lượng DT nhiều nhất cả nước (5.175 DT), trong đó có 1.050 DT được xếp hạng quốc gia; 803 DT được xếp hạng cấp thành phố. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2007 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, thành phố đã tu bổ 824 DT với tổng kinh phí hơn 750 tỷ đồng. Đây là sự cố gắng rất lớn của Nhà nước và nhân dân nhưng nếu so với số DT cần được đầu tư tôn tạo trên địa bàn thì con số trên chỉ là "muối bỏ biển", bởi có tới 70% số DT trên địa bàn trong tình trạng xuống cấp. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Hòa cũng thừa nhận không phải DT nào cũng được tu sửa đúng Luật Di sản văn hóa. Ví dụ như việc tu bổ DT chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), đình Mông Phụ, xã Đường Lâm (Sơn Tây) và gần đây nhất là sự việc xây dựng nhà văn hóa trái phép giữa trung tâm khu DT Cổ Loa…

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng bức xúc nhất là việc thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn làm công tác tu bổ DT. Tại các địa phương, tổ giám sát quá trình tu bổ DT không có sự tham gia của cơ quan quản lý DT thành phố, còn cán bộ phòng VH-TT chỉ tham gia với vai trò đại biểu trong các cuộc họp khảo sát và tư vấn. Đối với các DT được trùng tu bằng nguồn xã hội hóa, người dân và người trông coi DT thường có tâm lý thay thế càng nhiều cấu kiện cũ càng tốt, đặc biệt là các cấu kiện không có họa tiết trang trí nên thường xảy ra những "chuyện đã rồi". Cũng vì tâm lý muốn tu sửa DT thật hoành tráng mà việc tu sửa đình Đông Lao ở huyện Hoài Đức không giữ được các yếu tố gốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Lê Danh Ngân khẳng định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới người dân thôn Chùa, xã Cổ Loa (Đông Anh) tự ý xây dựng nhà văn hóa giữa trung tâm khu DT quan trọng bậc nhất Việt Nam.

Hoạt động quảng cáo: chứng nào tật nấy

Mặc dù Quyết định số 94 của UBND thành phố Hà Nội về Quy chế quản lý hoạt động QC có hiệu lực từ ngày 1-9-2009, nhưng đến nay vẫn còn 11 quận, huyện, thị xã đứng ngoài cuộc. 18 đơn vị đã triển khai có quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình… thực hiện quyết định này, điển hình là quận Long Biên. Bà Trần Thị Vân Anh, Trưởng phòng VH-TT quận Long Biên cho biết: Quận Long Biên đã phối hợp với các phường tiến hành khảo sát, phân loại và phát hiện có 3.050 biển hiệu sai và đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự tháo dỡ 1.350 biển, thu giữ 500 biển. Quyết tâm như vậy nhưng một số cơ sở kinh doanh gara ô tô trên địa bàn quận chỉ chấp hành Quy chế khi có đoàn cán bộ đi kiểm tra, sau đó lại "chứng nào tật nấy" - bà Vân Anh nhấn mạnh.

Quyết tâm lập lại cảnh quan đô thị, thế nhưng bà Đinh Thị Lan Duyên, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Riêng phường Đồng Tâm đã có 9 hộ có biển QC, biển hiệu vi phạm chưa cam kết tháo dỡ. Tương tự, bà Lê Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định: "Công tác vận động người dân tự nguyện tháo dỡ biển QC, biển hiệu vi phạm gặp không ít khó khăn"…

Kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương

Để bảo vệ và phát huy giá trị DT trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Hòa đề nghị các ngành chức năng sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể DT lịch sử, văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020; sớm ban hành nội dung phân cấp DT giữa thành phố, quận, huyện, phường, xã; đồng thời cần công khai thủ tục, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt các dự án tôn tạo DT. Hơn thế, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng các đơn vị làm chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo DT phải có đội ngũ cán bộ vững về chuyên môn và có tinh thần trách nhiệm.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng giao nhiệm vụ cho các đơn vị làm công tác quản lý DT phải thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý DT và trong tháng 1-2010, Sở VH,TT&DL phải trình UBND thành phố "Quy định quản lý dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo DT trên địa bàn thành phố Hà Nội". Đối với việc xâm phạm DT Cổ Loa, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu huyện Đông Anh phải giải quyết ngay, trước mắt có thể lấy tạm trụ sở UBND xã Cổ Loa cũ làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho nhân dân thôn Chùa.

Việc xử lý biển QC, biển hiệu vi phạm tất nhiên không thể giải quyết triệt để trong ngày một, ngày hai nhưng nhìn từ kinh nghiệm của quận Long Biên thì đây không phải là vấn đề quá khó. Bà Trần Thị Vân Anh chia sẻ kinh nghiệm: Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, quận Long Biên đã tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh và cấp kinh phí cho cán bộ trực tiếp làm công tác "dẹp loạn" QC trên địa bàn; đồng thời phát động phong trào "Gọn nhà, sạch phố, đẹp Thủ đô" đến từng hộ gia đình… Bằng phương pháp này, đến nay toàn quận đã có 316 tổ dân phố đăng ký 316 tuyến đường "xanh - sạch - đẹp" và có hàng nghìn hộ gia đình và các cơ quan, đơn vị, trường học tự nguyện tham gia dọn dẹp rác trên đường, rác trên tường và đứng ra "gánh" trách nhiệm nếu bị "rác tặc" tấn công.

Với những biện pháp "rắn" của thành phố, hy vọng những bức xúc nói trên sẽ được giải tỏa tích cực để Thủ đô đẹp hơn chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và trước hết là trong dịp đón Xuân Canh Dần.

Ngày 15-12, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 167 về việc quản lý, tổ chức hoạt động QC rao vặt trên địa bàn. Theo đó, ngày 26-12 tới, Đoàn Thanh niên 29/29 quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội sẽ ra quân thực hiện bóc xóa QC rao vặt và hoạt động này sẽ được duy trì thường xuyên. Nếu đơn vị nào vi phạm, sẽ không dừng ở mức độ xử lý cắt thuê bao điện thoại như những năm trước nữa mà UBND thành phố sẽ cho phép ngành điện lực cắt điện. Sở KH-ĐT cũng sẽ vào cuộc với việc rút giấy phép kinh doanh nếu các đơn vị vi phạm nhiều lần…


Hà - Hiền-HNM0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất