Nhiều người hỏi: “Tôi có tiền, muốn cho con sang tây học vẽ-có tốt hơn không? Nên học ở đâu? v.v… đại khái vậy. Sự thực, đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Tìm cách “hiện đại hóa nghệ thuật”, “hòa nhập với mỹ thuật thế giới”, không ít họa sĩ Việt Nam đã ngóng về phương Tây. Ở miền Nam, vào thập niên 1960, có một nhóm bốn, năm họa sĩ trẻ đã vượt biên qua Cam-pu-chia tìm đường sang Pháp với ý định “thử xem Tây bây giờ nó vẽ thế nào…” mà học tập. Đến giờ, vẫn có khá nhiều họa sĩ, không ít hơn một lần mơ được một chuyến đi Tây “tu họa”.
Thực tế xưa nay, cũng có không ít họa sĩ Việt Nam đã từng sang Tây học, tham quan hay triển lãm-nói chung, là đã từng tiếp xúc, tiếp thu nhiều điều từ nghệ thuật phương Tây… Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, ngoại trừ những người chuyên học mỹ thuật ứng dụng, còn lại, hành trang mà họ mang về, thường là một tâm thức rối bời, một tâm trạng hoang mang, để rồi, khởi sự lại một cách loạng choạng, hoặc thu về, tự bằng lòng với những giấc mộng con con loay hoay quanh những hình ảnh tượng trưng được gọi là bản sắc, hoặc trở nên “đa ngôn” và không bao giờ khởi sự nữa… Nói chung, những chuyến “Tây du-tu họa” này, thường, chỉ mang lại những kết quả ê chề. Hiện tượng này phổ biến đến độ, đối với người trong làng mỹ thuật, đã là điều không cần phải chứng minh. Các họa sĩ vẫn nói với nhau về họa sĩ này họa sĩ nọ: “Ông này đi Tây một chuyến về là đâm ra…!”. Tuy nhiên, tại sao vậy? - Câu hỏi này chắc chắn không thừa. Bởi vì, nói gì thì nói, nền nghệ thuật tạo hình phương Tây vẫn có “khối điều” đáng để tiếp thu, học hỏi. Sự khai phá liên tục các phương tiện trung gian và hình thức thể hiện nghệ thuật mới chẳng hạn, sự đa dạng của phương pháp và thái độ vận dụng tự do cá nhân chẳng hạn v.v…
Sự thực, chính sự phồn thực và đa tạp thông tin nơi xã hội hiện đại, ở đâu cũng là một thách thức đối với bản lĩnh nhân văn ở mỗi người nghệ sĩ. Đa số các họa sĩ Việt Nam, dường như chưa được chuẩn bị đầy đủ cho sự tiếp cận siêu hình học đối với nghệ thuật. Bởi vậy, mà đa số, chỉ nhìn thấy nghệ thuật, thường chỉ ở lớp ngoài hình thức, chứ không thâm nhập, giải mã các khía cạnh bản chất của nó từ vấn đề môi trường tác động cho đến các phương thức tư duy chi phối từng chiều hướng… Do đó mà không bóc tách được các yếu tố nào nên tiếp thu, yếu tố nào chỉ có giá trị tham khảo và yếu tố nào cần được loại bỏ v.v… Sự chưa chuẩn bị đầy đủ cho sự tiếp cận siêu hình học đối với nghệ thuật, căn bản, có nguồn gốc từ sự thiếu một ý thức triệt để về ngay cái gọi là bản lĩnh nhân văn ở mỗi người nghệ sĩ. Nhiều người quên rằng, mình cũng chỉ là sản phẩm của một quá trình lịch sử, và con người là một cái gì luôn luôn cần được sáng tạo thích ứng với các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau chằng chịt trong xã hội, kể cả các hệ lụy từ đó v.v… Quên, nên người ta dễ an tâm đã ‘là mình”, và “tu họa” chỉ còn là quá trình nắm bắt, làm chủ một số nguyên tắc, thủ pháp hội họa nào đó mà thôi. Khi mà sự ‘tu họa” được nhìn nhận như thế thì người ta đâm ra “sợ Tây”, thấy cái gì "của Tây” cũng “hãi”, cũng phục… rồi vẽ ra cái gì na ná như Tây, được Tây khen là “sướng”, đâm ra “kiêu” v.v… là điều không khó hiểu.
Tâm lý học sáng tạo nghệ thuật hiện đại, từ lâu, đã “phát hiện”, nghệ sĩ thực thụ là những người tự sáng tạo nên mình. Sự sáng tạo có ý nghĩa hoàn tất thân phận làm người, tự hoàn thiện nhân cách con người… Nói cách khác, là vươn đến tự do-nhân tính. Bởi vậy, quá trình hình thành một nghệ sĩ, một họa sĩ nói riêng, không đơn giản là một quá trình tích lũy tri thức, làm chủ các kỹ năng sáng tác mà thực sự là một quá trình “tu thân”-thích nghi với thực tại một cách tự chủ trên căn bản nhân tính… Làm nghệ thuật mà chỉ thấy hình thức nghệ thuật thì đã biến hình tượng người nghệ sĩ chỉ còn là một đám "xướng ca vô loài”. Còn lại trong lịch sử nghệ thuật Đông-Tây xưa nay chỉ là những con người trung chính với thân phận, chân thành với những khát vọng nơi mình. Nghệ thuật của họ, cho dù có dáng vẻ chủ quan đến đâu, thậm chí cực đoan, thì do đó, cũng trở thành tiếng nói tiêu biểu cho một nhân loại cụ thể-một xã hội, một thời đại…
Để trở thành họa sĩ có cần phải học “Tây”? - Câu trả lời có lẽ đã rõ. Điều lạ là ở Việt Nam, hết sức phổ biến, người ta cứ nhìn vào Âu-Mỹ, biết nhiều về Âu-Mỹ hay cứ nhìn vào Trung Quốc, biết nhiều về Trung Quốc v.v… hơn là nhìn vào chính mình, biết về chính mình. Điều này xét về mặt văn hóa nghệ thuật là đặc biệt nguy hại./.
(Theo: Nguyên Hưng/QĐND)