Khóa họp Ðại Hội đồng UNESCO(1) lần thứ 24 tại Pa-ri, từ ngày 20-10 đến 20-11 năm 1987, đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", vào năm 1990.
Tại Nghị quyết quan trọng này, cùng với việc khẳng định những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc... Ðại Hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các nước thành viên "cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người", đồng thời đề nghị ông Tổng Giám đốc UNESCO "triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam" (2).
Ðây là một văn kiện quan trọng của một tổ chức quốc tế lớn thuộc Liên hợp quốc, ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam và của cả bầu bạn quốc tế... Tuy nhiên, hơn 20 năm qua kể từ ngày Nghị quyết được thông qua, hầu hết chúng ta mới chỉ được biết đến nội dung của văn kiện quan trọng này qua bản dịch tiếng Việt đăng trên một số sách, báo, tạp chí, website... Ðã có rất nhiều bạn đọc trong và ngoài nước và khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh mong muốn được nhìn thấy văn bản gốc của Nghị quyết quan trọng này.
Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ chỉnh lý, bổ sung nhằm hoàn thiện nội dung trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong quá trình chuẩn bị tài liệu, hiện vật trưng bày, chúng tôi đã tìm được văn bản gốc Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðó là "Tập biên bản của Ðại Hội đồng Khóa họp lần thứ 24 tại Pa-ri, từ ngày 20-10 đến 20-11 năm 1987, Quyển 1: NGHỊ QUYẾT", bản in tiếng Pháp.
Ðây là một trong số các tập biên bản báo cáo của Ðại Hội đồng UNESCO(3), Khóa họp lần thứ 24, được UNESCO xuất bản đồng thời bằng 6 thứ tiếng (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga), được in và đóng quyển tại xưởng in của UNESCO, Pa-ri, vào năm 1988, trong đó có Nghị quyết số 18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh(4).
Thực hiện Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1990 nhiều hoạt động cụ thể đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn", tổ chức tại Hà Nội, tháng 3-1990, Tiến sĩ M.Át-mét (Modagat Ahmet) Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ðại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO, đã khẳng định "Hội nghị UNESCO phiên thứ 24, đã quyết định Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người vào năm 1990. Ðây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Ðiều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng". Tiến sĩ M.Át-mét coi việc được tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm về Hồ Chí Minh "là một niềm vinh dự" và nhấn mạnh rằng: "Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này"(5)...
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy bản dịch tiếng Việt đã in trong một số sách, báo, tài liệu, website... có những câu chữ không thống nhất, như: Ðại hội đồng = Phiên họp toàn thể; Nhìn lại = nhắc lại; Nhà văn hóa kiệt xuất = Nhà văn hóa lớn; Biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định quyền dân tộc = Biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc; Yêu cầu = Ðề nghị... Sự khác nhau về câu chữ này, phải chăng là do cách dịch ra tiếng Việt từ các văn bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh có khác nhau cho nên việc trích dẫn giới thiệu có những câu chữ khác nhau, không thống nhất?
|
Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích từ Tập biên bản của Đại hội đồng Khóa họp 24 tại Pa-ri, ngày 20-10 - 20-11-1987, do UNESCO xuất bản năm 1988. tr.144). |
Ðể có một văn bản tiếng Việt chuẩn đưa ra trưng bày, giới thiệu cùng công chúng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam giúp thẩm định lại từ bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bản dịch của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
"18. 65 Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ðại hội đồng,
Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới,
Nhắc lại Nghị quyết số 18 C/4.351 thông qua tại Khóa 18 Ðại Hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại,
Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam,
Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội,
Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc,
1- Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người;
2- Ðề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam".
(1) Ðại Hội đồng UNESCO hai năm họp một lần. Khóa họp lần thứ 24 tại Paris (Pháp), từ ngày 20-10 đến 20-11-1987. Ðoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam Nguyễn Dy Niên dẫn đầu.
(2) Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫn theo bản dịch mới của Bảo tàng Hồ Chí Minh và UNESCO Việt Nam, 7-2009.
(3) Theo chú thích về tập biên bản của Ðại hội đồng cho biết các biên bản báo cáo của Ðại Hội đồng UNESCO, Khóa họp lần thứ 24, được in thành ba quyển: Quyển Nghị quyết bao gồm các nghị quyết được Ðại hội đồng thông qua và danh sách các thành viên của Văn phòng Ðại hội đồng và văn phòng các ban và ủy ban (quyển 1); Quyển Các báo cáo, bao gồm các bản báo cáo của các ủy ban từ I đến V, ban Hành chính và Ủy ban pháp luật (quyển 2); Quyển Biên bản thảo luận, bao gồm các biên bản ghi lại bên lề các phiên họp toàn thể, danh sách các thành viên tham gia và các tài liệu (quyển 3);
(4) Tại khóa họp lần thứ 24 này, cùng với việc vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Ðại Hội đồng UNESCO còn ra các nghị quyết về việc Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Phya Anuma Rajadhon (nhà văn người Thái-lan), 500 năm Ngày sinh Thomas Munzer (nhà Cải cách ở Ðức và của cuộc cách mạng tư sản đầu tiên ở châu Âu), 100 năm Ngày sinh Anton Semionovitch Makarenko (nhà văn và nhà giáo dục lớn của Liên Xô), 100 năm Ngày sinh Jawaharlai Nehru (nguyên Thủ tướng Ấn Ðộ) và 400 năm Ngày mất của Sinan (kiến trúc sư người Thổ Nhĩ Kỳ).
(5) UNESCO và UBKHXHVN: Hội thảo quốc tế "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn". Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1990, tr. 20, 22. |
PHẠM KHẢI, Bảo tàng Hồ Chí Minh
(Nguồn: ND)