Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 12/1/2010 21:3'(GMT+7)

Bảo tàng cần chọn lọc khi tiếp nhận đồ hiến tặng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tiếp nhận chức Giám đốc bảo tàng từ 1/7/2009, họa sĩ Vi Kiến Thành đã bắt tay ngay vào việc phục hồi vị thế, uy tín cũng như hướng hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Điều ông tâm huyết nhất là làm sao bảo tàng có được bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật đương đại để chuẩn bị cho Bảo tàng Mỹ thuật đương đại trong tương lai.

Thương lượng mua tranh: Quá khó

Ông đang thực hiện sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật hiện đại, đương đại, một công việc mà thời gian trước đây, bảo tàng đã làm chưa hiệu quả. Ông có thể lý giải nguyên nhân?

Họa sĩ Vi Kiến Thành: Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mỹ thuật nở rộ với nhiều tác phẩm tốt. Không phải Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chịu mua tác phẩm mà bảo tàng vẫn mua, nhưng mua với số lượng ít.

Dư luận cũng đã nói nhiều về việc nhiều tác phẩm tốt của mỹ thuật Việt Nam đã bị “chảy máu” ra nước ngoài. Điều này cũng phải nhìn từ 2 phía. Về phía bảo tàng, do kinh phí hạn hẹp, vì nhiều lý do, không đủ tiền để mua nhiều tác phẩm, và cũng không có tiền để mua tác phẩm với giá cao. Trong khi đó, các bảo tàng, các nhà sưu tập nước ngoài có thể có nhiều tiền hơn. Họ “quyết” được ngay khi họ thấy tác phẩm nào là xứng đáng. Họ đã tranh thủ thời cơ và mua được nhiều tác phẩm.

Nhưng cũng có nguyên nhân từ phía các họa sĩ, nhà điêu khắc - những người sáng tạo ra tác phẩm. Các nghệ sĩ đã đặt mục đích bán được tác phẩm với giá cao lên trên cả trách nhiệm của nghệ sĩ đối với đất nước, với thế hệ mai sau... Nói thế có vẻ hơi lý thuyết quá, lý tưởng quá, nhưng quả đúng là như thế. Nếu anh em nghệ sĩ có thể đồng thuận, chấp nhận bán với giá thấp hơn và dành quyền mua cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, để những tác phẩm đó được lưu giữ tại đất nước, thì chắc chắn việc mua cũng sẽ được nhiều hơn.

Vậy tại sao bảo tàng không thương lượng với nghệ sĩ?

Họa sĩ Vi Kiến Thành: Từ khi về công tác tại bảo tàng, tôi đã tổ chức mua 2 đợt, thương lượng với anh em nghệ sĩ cũng rất khó khăn. Vì chúng tôi chỉ có thể mua theo giá thị trường ở mức độ cho phép thôi, theo khung giá của Nhà nước, chưa thể vượt khung quá mức được.

Đến nay, bảo tàng có được bao nhiêu tác phẩm mỹ thuật thời kỳ đổi mới?

Họa sĩ Vi Kiến Thành: Mới chỉ có khoảng hơn 100 tác phẩm. Hiện nay chúng tôi đã có thể mua tác phẩm gần với giá thị trường rồi mà anh em họa sĩ còn chưa muốn bán. Ví dụ vừa rồi có một loạt trường hợp tôi đặt vấn đề mua tác phẩm thì anh em họa sĩ cũng trả lời ngay là bảo tàng không mua được đâu, vì giá cao lắm.

Tiếp nhận hiến tặng: Phải có hội đồng

Cũng có nhiều nghệ sĩ có tiếng sẵn sàng tặng các tác phẩm của mình cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng chỉ có điều họ băn khoăn là diện tích trưng bày của bảo tàng đến nay đã chật kín chỗ?

Họa sĩ Vi Kiến Thành: Việc tặng tác phẩm mỹ thuật có những đặc thù riêng. Ở Việt Nam, rất nhiều bảo tàng vẫn thường tổ chức tiếp nhận những tác phẩm, những di vật, hiện vật trong nhân dân, các tổ chức xã hội... hiến tặng. Nhưng đó là những hiện vật lịch sử chứ không phải tác phẩm mỹ thuật. Vì giá trị của tác phẩm mỹ thuật thường được đong đếm quy ra bằng giá trị kinh tế kèm theo, cho nên rất ít trường hợp nghệ sĩ có tác phẩm tốt mang đi tặng cho bảo tàng. Hiếm lắm.

Hơn nữa, khác với nhiều bảo tàng, Bảo tàng Mỹ thuật không bao giờ tách khỏi mà luôn sống cùng nhịp đập với đời sống mỹ thuật và luôn “thay máu”, tiếp nhận những tác phẩm mới sản sinh ra. Bảo tàng phải là "người có con mắt xanh" phát hiện, bổ sung các tác phẩm cho sưu tập của mình.

Có thể việc hiến tặng tác phẩm cũng có, nhưng để tiếp nhận thì cần có một hội đồng nghệ thuật, xem tác phẩm người ta tặng có xứng tầm để tiếp nhận không, hay một số tác giả tự đem tác phẩm đi tặng chỉ là muốn có thương hiệu riêng cho mình... Còn nếu tiếp nhận tác phẩm ào ạt thì bảo tàng sẽ trở thành chỗ chứa tác phẩm vô tội vạ.

Xin cảm ơn ông!/.

 Sẽ trưng bày mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới
 
Hệ thống trưng bày hiện nay ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới chỉ giới thiệu được mỹ thuật Việt Nam từ năm 1990 trở về trước. Còn từ cuối thế kỷ 20 và sang thế kỷ 21 thì vẫn bị gián đoạn, thiếu hẳn phần trưng bày về giai đoạn mỹ thuật thời kỳ đổi mới. Trong năm 2010, Bảo tàng sẽ cải tạo tầng 2- nhà E để trưng bày mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới.

(Theo: TT&VH)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất