Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 18/1/2010 16:48'(GMT+7)

Sức sống làng Việt

Được mùa.

Được mùa.

Làng Việt cổ đều có nguồn gốc từ một công xã Hùng Vương. Tính chất công bằng, dân chủ của công xã Hùng Vương luôn được các làng Việt bảo lưu là nguồn nội lực giúp nó phát triển không ngừng.

Các triều đại phong kiến, kể cả kẻ thù ngoại bang luôn nhòm ngó xuống từng làng Việt. Thực tế thời Bắc thuộc và thực dân đô hộ, kẻ thù ngoại bang và bọn tay sai chỉ làm chủ được các châu, quận, phủ, lỵ sở và đồn bốt của chúng, còn làng Việt vẫn do người Việt tự quản. Dân ta vẫn nói tiếng ta, thờ thần của ta, sống theo phong tục của ta... nước mất nhưng làng còn là vì vậy. Còn làng nên hồn Việt không mất để đến lúc nào đó nhân tài các làng lại bắt tay nhau hô hào toàn dân tộc giành lại độc lập cho đất nước.

Các triều đại phong kiến luôn muốn can thiệp sâu xuống các làng để nhằm quản được dân, thu được nhiều phu thuế lính tráng. Tuy thế họ chỉ có thể can thiệp đến một chừng mực nào đó đối với các xã thôn. Khi tổ chức xã (đơn vị hành chính cấp thấp nhất của triều đình) ra đời thì làng xã Việt Nam ngoài bộ máy lý dịch cơ quan hành chính chuyên lo việc nước ở cơ sở thì ở làng vẫn còn bộ máy tự quản của dân làng. Bộ máy này gọi là "hội đồng kỳ mục". Theo quy định của triều đình thì hội đồng kỳ mục chỉ gồm những viên quan lại đã nghỉ hưu hoặc đương chức ở làng. Ai có phẩm hàm cao nhất thì đứng đầu hội đồng này, gọi là tiên chỉ và một hai ông thứ chỉ (phó tiên chỉ). Hội đồng kỳ mục lãnh đạo cả hội đồng lý dịch (như chính quyền xã ngày nay) và họ quản lý cả các phường, hội, phe, giáp ở làng. Vì thế họ có vị thế rất lớn ở làng nhưng kỳ mục lại không hề có lương xướng và công xá của dân làng. Họ không có bổn phận phải tiếp quan trên và không làm việc trực tiếp với người dân. Họ làm việc chỉ vì trách nhiệm chung với cộng đồng. Do đặc điểm này mà dân chủ thời Hùng Vương mới được gìn giữ ở làng Việt. Thực chất hội đồng này còn mang đậm dấu ấn tự quản của công xã Hùng Vương cho dù đã có sự can thiệp của triều đình phong kiến. Trừ các làng nhỏ có họ lớn áp đảo được các họ khác thì lý dịch và kỳ mục mới bắt tay nhau chèn ép dân đen, còn lại phần nhiều các làng có nhiều họ lớn, có nhiều người cứng cổ thì bọn kỳ hào không thể tác oai tác quái.

Thời phong kiến, lý dịch không được ăn lương của triều đình, mà chỉ được hưởng công của dân bằng cách thu lúa ở ngoài đồng. Công nhiều hay ít là do hội đồng kỳ mục, đại biểu của dân quy định. Chánh phó lý, kể cả chánh phó tổng đều không được xếp hàng quan, không được gọi là quan, lại không được lĩnh lương do quan trên phát nên chúng khó bề quan cách nhũng nhiễu dân.

Làng Việt cổ truyền đều có những phần ruộng đất công. Ngoài ruộng của nhà chùa, ruộng đình, ruộng lính (dành cho những nhà có người đi lính canh tác) ruộng của phe, giáp, học điền... thì làng còn nhiều ao hồ, sông suối, cánh rừng, đầm bãi cánh đồng chung để hằng năm chia theo đầu đinh hoặc nhân khẩu, nóc nhà cho cày cuốc canh tác thu hái hoa lợi.

Dù sau này triều đình có phong điền trang thái ấp cho giới quý tộc thì ruộng đất vẫn không thành ruộng riêng của nhà quý tộc. Hết đời ông ta ruộng đất lại trả về cho dân làng chia nhau canh tác. Dấu ấn công xã Hùng Vương rớt lại trong làng Việt cổ truyền khá rõ rệt ở tình trạng ruộng đất công. Trước 1945 nhiều làng có diện tích ruộng đất công chiếm đến non nửa. Nhờ có chung ruộng đất canh tác nuôi thả mà mối cố kết cộng đồng làng xã càng thêm bền chặt.

Làng Việt xưa rất nghèo so với ngày nay. Thế nhưng làng nào cũng làm được to nhỏ hàng chục ngôi đình, chùa, đền, miếu trị giá tiền ngày nay tính ra hàng chục hàng trăm tỷ đồng. Thời ấy không hề có "nhà nước và nhân dân cùng làm". Tất cả là tiền của công sức của dân. Ai cung tiến cho làng nhiều tiền của làm công ích thì người ấy được vẻ vang sang trọng, được cả làng tôn vinh. Khi xưa mỗi khi làng cần tiền để xây dựng công trình công cộng người ta không bổ bán theo đầu đinh, đầu nóc nhà vì người nghèo đâu có tiền của đóng góp. Làng tổ chức bán NGÔI để thu tiền. Ai mua NGÔI cao nhiều tiền thì ra đình họp hành ăn cỗ được ngồi chiếu trên. Ðược miễn trừ phu phen không phải đi tuần phiên canh gác, không phải đi làm cỗ bàn hầu làng. Những người ấy ăn cỗ không chỉ được ngồi mâm trên cỗ cũng to hơn tuy tượng trưng, hơn nhau miếng đầu gà má lợn.

Cũng chỉ những người có nhiều tiền của đóng góp cho làng mới được tham gia ban tế, được tranh cử vào các chân chức dịch như chánh phó lý, chánh phó hương hội, v.v. Người nào mua ngôi HẬU (tương đương giá hàng chục mẫu ruộng) thì sống được ngồi chiếu nhất, ngang với người đỗ hương cống, cử nhân, tiến sĩ, chết được làng thờ cúng. Người xưa vì thế đua nhau làm giàu, đóng góp xây dựng làng để có danh ở đời. Danh đi liền với giá, người có danh giá được cả làng kính trọng. Do vậy làng tự hào, tự tôn và liêm sỉ được xã hội đề cao. Làng xã xưa vững mạnh là do đạo đức được chú trọng. Người ta đã phải mua danh ba vạn, không dại gì để bán danh ba đồng.

Làng xã cổ truyền có mối cố kết cộng đồng bền chặt được phát huy từ xã hội Hùng Vương. Mối cố kết ấy đã che chở con dân của mình để không có kẻ chủ nô nào bắt dân của họ thành nô lệ. Nhờ vậy Việt Nam ta mới không có chế độ chiếm hữu nô lệ. Trong cộng đồng làng xã thì quan trọng nhất là đồng tông: họ mạc, khi xưa một người làm quan cả họ nhờ, nếu trong họ có người bất mãn bỏ đi ăn xin ăn mày hoặc làm mõ thì cả họ xấu hổ. Vì thế mà quan hệ họ hàng gần gũi đúng nghĩa là một gia đình lớn.

Sau đồng tông là đồng hương. Những người cùng xóm ngõ phải dựa vào nhau, bảo vệ che chở nhau phòng khi tắt lửa tối đèn. Vì thế mới có câu "bán anh em xa mua láng giềng gần". Xóm nào cũng có miếu thờ thổ thần riêng. Vì có chung tín ngưỡng mà xóm giềng thêm phần gắn bó. Dân xóm dù giàu nghèo đều phải dựa vào nhau đề phòng hỏa hoạn trộm cướp, người giàu đến đâu cũng chỉ có nhà ngói cây mít, tất cả chìm ngập trong bóng tre làng. Không ai làm nhà cao chọc trời gây cảm giác nhấn chìm đè nén những nhà tranh vách đất ở chung quanh. Lối ăn ở ấy tạo ra cách ứng xử hài hòa trong cộng đồng. Người xưa có câu "trong xóm ngoài làng" là ngụ ý người cùng xóm là người trong nhà, không phải là người ngoài. Rồi những người cùng làm một nghề thì sinh hoạt trong phường nghề để giúp đỡ nhau trong làm ăn sinh sống, người cùng tuổi thì đều vào hội đồng tuế. Cùng học một thầy thì vào hội đồng môn. Những người từng đi lính vào hội bản binh, hàng đội. Ðàn ông các xã thường tổ chức ra bốn giáp, cắt cử nhau đăng cai lễ lạt và lo tổ chức các ngày tiệc ở đình làng. Làng xã nào cũng có hội tư văn của những bậc đàn anh có ăn có học ở làng. Các tổ chức của cộng đồng làng xã xưa đã từng bền chặt làm cho ai cũng gắn bó với làng. Người xưa sợ nhất phải bỏ làng, kẻ bỏ làng đi đâu cũng bị kỳ thị, làng Việt vì thế mới vững hơn cả pháo đài xây bằng gạch đá, xi-măng. Vì pháo đài còn bị phá nhưng làng Việt thì chưa kẻ thù nào phá được.

Làng mãi mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt./.

(Theo: NGUYỄN HỮU NHÀN/ND)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất