Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 19/1/2010 20:54'(GMT+7)

Trung thực phải học cả đời

Nhả thơ Xuân Diệu luôn đòi hỏi thơ phải "chân chân chân, thật thật thật".

Nhả thơ Xuân Diệu luôn đòi hỏi thơ phải "chân chân chân, thật thật thật".

Bây giờ thì không còn ai đồng tình với thi sĩ Nguyễn Bính: "Van em, em cứ giữ nguyên quê mùa", nhưng người ta vẫn yêu cái "chân quê" của ông. "Quê mùa" với "chân quê" là vỏ và hồn vậy. "Vỏ" thì phải lột xác, phải thay đổi. Còn "hồn" thì phải giữ và phát triển lên.

1. Chân chất và hiện đại

Phải chăng có sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại? Giữa những nàng Kiều "e lệ nép vào dưới hoa" với những hoa hậu thời nay có gì khác nhau, ngoài mái tóc dài và mái tóc phidê? Ngoài "cầm, kỳ, thi, họa" với vi tính xách tay? Ngày xưa, ở làng quê đã có những cô gái tóc dài rất tinh ranh như Thị Mầu, Xúy Vân! Liệu ngày nay có những cô gái phidê, vi tính xách tay mà chân thật?

Chế Lan Viên và Xuân Diệu đều là những nhà thơ hiện đại của thế kỷ XX. Nhưng khi nói về thơ, mỗi ông có một cách nói khác nhau. Xuân Diệu thì đòi hỏi thơ phải "chân chân chân, thật thật thật", và "chân chất, đó là tinh chất của thơ". Còn Chế Lan Viên thì không biết ông nói đùa hay viết thực:

Tạo ra một giống thơ như một giống lợn nạc nhiều
Có đùi to, mông to, mười sáu cặp sườn, lắm vú...
Hôn phối nhiều loại thơ để đẻ ra loại thơ ưu tú
Những F.I mượt lông, nhiều sữa
Có nên chăng...
                        
(Thơ bình phương, đời lập phương)

Điều ấy thì còn phải bàn, và để thực tế kiểm nghiệm xem "hôn phối nhiều loại thơ" có "đẻ ra loại thơ ưu tú" không? Hay lại giống như hôn phối giữa lừa và ngựa đẻ ra một loại la vô sinh? Ấy là nói vậy, chứ quy luật cuộc sống là cái mạnh sẽ thắng cái yếu; cái hợp thời thì tồn tại, cái không phù hợp thì sẽ bị loại bỏ. Sẽ không có trường viết văn nào dám dạy sáng tác thơ theo hình thức thơ của Ly Hoàng Ly. Cũng không có ông bố bà mẹ nào dám dạy con bằng cách cho đọc truyện của Đỗ Hoàng Diệu cả.

Cuộc sống cũng như văn chương nghệ thuật sẽ phát triển theo đúng quy luật của nó. Thơ hiện đại vẫn cần sự chân chất, như những hoa hậu thời nay nếu có được núm đồng tiền thì càng thêm duyên. Và không có vẻ đẹp trơ lỳ nào lại được tôn vinh là hoa hậu. Bài thơ "Người đẹp" của Lò Ngân Sủn là một trong những "hoa hậu" của thơ hiện đại, vẫn mang dáng vẻ chân chất truyền thống:

Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát - nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói - nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết - nhìn thấy người đẹp lại không chết nữa
Ơ!
Người đẹp là giấc mơ
Treo trước mắt mọi người!

Trong cuộc sống, số người đẹp ngày nay nhiều hơn bội phần số người đẹp thời xưa. Và về chất lượng các hoa hậu thời nay cũng đẹp hơn hẳn "tứ đại mỹ nhân" trong lịch sử Trung Quốc, những người đẹp được thêu dệt thành huyền thoại! Nhưng sao văn chương nghệ thuật thì chưa có được sự phát triển theo tỉ lệ thuận ấy? Phải chăng cơ chế thị trường không còn là đất sống của nghệ thuật, văn chương? Hay văn chương nghệ thuật đang ở thời kỳ tích tụ? Nhân loại đã chấp nhận nền kinh tế thị trường thì chắc chắn đó phải là một thành tựu của trí tuệ loài người.

Vậy không nhẽ nền kinh tế thị trường lại không phù hợp với văn chương nghệ thuật? Tôi thì luôn luôn cho rằng, con người đã phát triển đến ngày nay thì tự mình đã biết uốn lượn vượt qua mọi biến động vật chất và tinh thần của lịch sử. Nên chúng ta cũng không phải lo lắng gì cho văn chương nghệ thuật cả. Tự văn chương nghệ thuật sẽ tìm được hình thức phù hợp để phát triển. Đó là việc của "hóa công".

2. Mục đích của phê bình

Điều ấy tưởng chừng quá rõ, nhưng cứ nhìn đời sống phê bình văn chương hiện nay thì thấy không phải người viết phê bình nào cũng xác định đúng. Phê bình là để bình giá tác phẩm, nhằm mục đích giúp tác giả, những người viết văn và độc giả thấy được cái hay, cái đẹp của văn chương thì ai cũng biết. Như vậy, đối tượng chính để phê bình hướng tới là những người viết văn và bạn đọc, chứ không phải chỉ là chính tác giả. Bởi tác giả cũng chỉ là một người trong số đó, dẫu đó là người trước hết cần nghe.

Nhưng nhìn vào đời sống phê bình của nền văn chương chúng ta hiện nay thì lại có nhiều hiện tượng trái ngược. Ấy là người phê bình chỉ chăm chăm nhằm vào tác giả, mà không nghĩ đến những người viết văn khác và bạn đọc. Tán dương và tâng bốc nhau đến mức khó chịu, trong khi đáng lẽ người phê bình phải bình giá đúng để giúp tác giả, các nhà văn khác và bạn đọc thưởng thức đúng tác phẩm ấy, từ đó mà biết phương pháp thưởng thức những tác phẩm khác. Tức là phê bình một tác phẩm là để góp phần hiểu cả nền văn chương,

Gần ba chục năm đi theo nghiệp phê bình văn chương, tôi luôn tôn trọng nguyên tắc có cảm hứng về tác phẩm tác giả nào đó thì mới viết, và khi viết thì chỉ viết những điều mình nghĩ, không vì bất cứ lý do gì mà khen chê quá mức giá trị thực của tác phẩm và tác giả.

Có đến hai phần ba số nhà thơ, nhà văn có tác phẩm mà tôi viết phê bình, đến nay tôi vẫn chưa gặp một lần nào. Lại có những nhà văn tôi thân quen gần gũi thì tôi lại chưa có bài viết về họ và tác phẩm của họ. Thì đấy là cái duyên văn chương, biết làm sao được, tôi không cố ý cũng chẳng vô tình. Thậm chí, có nhà văn tôi viết về tác phẩm của họ, do có lời khen, tôi lại không muốn tác giả đọc được lời khen ấy, sợ nó ảnh hưởng đến bước đi tiếp theo của họ, như khi tôi bình bài thơ "Gửi bác Trần Nhuận Minh" của Trần Đăng Khoa chẳng hạn.

Tôi đã viết như thế này: "Chúng ta vui mừng vì nàng thơ đang về lại với Trần Đăng Khoa, nàng đang đứng trước anh rồi, anh đã cầm được tay nàng. Nhưng làm sao để nàng lại nhập vào anh và ở lại với anh là một điều không dễ dàng. Vì thơ cũng như tình yêu đến với mỗi người mỗi khác và thường đỏng đảnh khó lường. Giữ tình yêu cũng như giữ thơ không chỉ có đam mê, không chỉ có tỉnh táo, không chỉ bằng sự chân thật hay khôn ngoan… Riêng tôi, không muốn Trần Đăng Khoa đọc bài viết này. Anh hãy làm thơ như anh cảm xúc và suy nghĩ" (Thơ lại về với Trần Đăng Khoa - Phụ san Văn nghệ Quân đội, số tháng 5/1998).

Vì nhiều người viết không xác định được đúng mục đích của phê bình nên đã làm cho đời sống phê bình rối loạn. Cứ một cuốn sách ra là có nhiều bài viết giới thiệu. Để mục đích bán sách và tuyên truyền cho tác giả nên người viết cứ việc nói hay, tâng bốc không đúng với giá trị thực của tác phẩm. Có cần thiết cứ sách ra là phải có bài giới thiệu không. Thế thì những bài phê bình cũng lại chất thành núi. Mà độc giả cần là cần chính tác phẩm chứ không phải cần đọc bài phê bình.

Về mặt này nên quan niệm: phê bình kém chất lượng, phê bình bốc thơm tác giả và tác phẩm chính là một loại thuốc độc của đời sống văn chương, bởi nó làm hỏng chuẩn mực thẩm mỹ, nó phá hoại đời sống bình thường của văn chương nghệ thuật. Tự do phê bình đâu phải muốn nói gì thì nói. Đó là một loại "thực phẩm không an toàn" mà đời sống văn chương cần loại bỏ.

Thế mới biết viết phê bình thật khó, bởi nó đòi hỏi phải trung thực. Trung thực là phẩm chất đầu tiên, cũng là phẩm chất quan trọng nhất của người viết phê bình. Mà trong thời buổi kinh tế thị trường, phẩm chất trung thực thật là quý hiếm, bởi trung thực rất dễ phải chịu thiệt. Thì cái gì chả có giá của nó. Chẳng lẽ cứ giả dối mà lại có được những tác phẩm có giá trị ư? Vì vậy, trung thực cũng chính là tiêu chí quan trọng của tài năng. Nếu người viết không có phẩm chất trung thực thì theo tôi không nên viết phê bình, bởi sự giả dối trước sau cũng bị lộ, mọi người sẽ không tin, dẫu có tài che chắn.

Bây giờ sống lại, chắc thi sĩ Chế lan Viên sẽ không nói: "Nhà sáng tác học ba tháng đủ thành nhà phê bình, còn nhà phê bình học ba mươi năm cũng không thể sáng tác nổi". Bởi phẩm chất trung thực của người viết phê bình thì phải học cả đời, đã chắc gì có được./.

(Theo: Đinh Quang Tốn/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất