Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở nước ta diễn ra hết sức phức tạp. Tai nạn giao thông (TNGT) đang trở thành một "vấn nạn" vô cùng nguy hiểm. Hậu quả do tai nạn giao thông là nỗi kinh hoàng, tổn thất do TNGT để lại hệ lụy lâu dài cho gia đình và xã hội, bởi 85% người chết vì TNGT ở độ tuổi lao động và có vai trò trụ cột trong gia đình. Điều đáng lưu ý là hàng chục năm qua, mặc dù đã thực thi nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng mức độ thiệt hại do TNGT gây ra không hề suy giảm, mà ngược lại, ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trước tình hình đó, lực lượng chức năng tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Chính phủ về đổi mới công tác bảo đảm ATGT. Hơn nữa, để góp phần kiểm soát được tình hình trật tự ATGT diễn ra ngày càng phức tạp như hiện nay, góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT và giảm thiểu tai nạn giao thông, ngoài việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn, cần phải phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng khi tham gia giao thông.
Những giá trị văn hóa đó là truyền thống quý báu của dân tộc được kết tinh lại thành văn hóa và được giữ gìn từ đời này qua đời khác, trở thành tình cảm sâu sắc và lẽ sống tự nhiên của toàn thể nhân dân. Vì vậy, để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu đó khi tham gia giao thông, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân cần phải:
Một là, thống nhất nhận thức về phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng nhằm xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông.
Văn hóa giao thông là cách ứng xử có văn hóa của con người được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Người tham gia giao thông là chủ thể để xây dựng nếp sống văn hóa giao thông. Do vậy, cần tập trung xây dựng ý thức văn hóa ở mỗi người, trong mỗi gia đình, trong mỗi cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng khi tham gia giao thông. Những đặc trưng của văn hóa giao thông được thể hiện ở nhiều góc độ như: thông hiểu đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo đảm trật tự ATGT.
Mọi người có ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác, cho cộng đồng; tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác khi lưu thông trên đường. Có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, chấp hành mọi chỉ dẫn của người thi hành nhiệm vụ, biết từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên, nhường nhịn cho người già, trẻ em; biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt, phải đội mũ bảo hiểm cho mình và cho trẻ em khi tham gia giao thông. Khi đó văn hóa giao thông của cả cộng đồng sẽ được nâng lên, tai nạn và ùn tắc giao thông sẽ từng bước được đẩy lùi.
Hai là, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông khi tham gia giao thông.
Đối với người trực tiếp tham gia giao thông, có 3 tiêu chí cần phải được thực hiện. Thứ nhất, người tham gia giao thông phải hiểu biết đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT và tự giác chấp hành các quy định đó. Thứ hai, người gây thiệt hại khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, có thái độ tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ người khác. Thứ ba, người tham gia giao thông phải ứng xử văn minh, lịch sự, có văn hóa khi xảy ra va chạm và phải tự giác chấp hành mệnh lệnh của các lực lượng chức năng.
Ở các quốc gia phát triển, văn hóa giao thông trở thành một thói quen, trở thành sự đương nhiên. Ai làm trái với cái đương nhiên ấy, sẽ trở nên lạc lõng giữa cộng đồng. Còn ở các đô thị của ta, thói quen ấy thực sự còn chưa bắt đầu. Thống kê mới đây của Hội sinh viên Việt Nam, 80% số sinh viên đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% số sinh viên khi đi xe máy còn điều khiển sai kỹ thuật và gần 100% số học sinh phổ thông điều khiển xe không có giấy phép lái xe vì chưa đủ tuổi. Sự phối hợp lỏng lẻo giữa 3 môi trường (gia đình - nhà trường - xã hội) đã "dẫn đường" nhiều em tới những cái chết thương tâm do thiếu ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Trước thực trạng trên, thì việc giáo dục ý thức tự giác, xây dựng văn hóa giao thông cho giới trẻ cần thiết phải được nghiêm túc nhìn nhận.
Hiện nay, vẫn còn tình trạng học sinh tan trường đi hàng hai, hàng ba thản nhiên trên đường phố; một số người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm; hành vi vượt đèn đỏ, vừa đi xe vừa nghe điện thoại di động; uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu; đi vào đường ngược chiều, đường cấm; bóp còi inh ỏi, các phương tiện tham gia giao thông trên đường mạnh ai nấy đi, không phân biệt làn đường, vạch phân cách; xe khách chở khách quá trọng tải, chạy quá tốc độ để tranh giành khách, xe ben chở đất đá bấm còi inh ỏi, chạy bừa, chạy ẩu... Những hành vi đó xét trên khía cạnh văn hóa giao thông và sinh hoạt cộng đồng sẽ trở thành những hiện tượng "lố bịch", "lạc lõng", thiếu ý thức và bị cộng đồng lên án.
Tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT diễn ra khá nhiều và tương đối phổ biến. Trong 6 tháng đầu năm 2009, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra xử lý 2.611.602 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; tước giấy phép lái xe 86.824 trường hợp, tạm giữ 10.259 xe ôtô, 406.887 xe máy, 98.457 phương tiện khác... Nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy ý thức chấp hành luật giao thông chưa cao.
Ba là, đề cao ý thức cộng đồng, tự giác thực hiện các chuẩn mực văn hóa về trật tự an toàn giao thông.
Tính cộng đồng của người Việt Nam là cơ sở bền vững cho tinh thần dũng cảm phi thường và trí thông minh sáng tạo, là cốt lõi của những giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam. Truyền thống này nếu được phát huy khi mỗi người tham gia giao thông thì sẽ hạn chế được tai nạn giao thông và nạn kẹt xe xảy ra ở các đô thị. Song, một thực tế là ý thức và hành vi ứng xử nơi công cộng của một số người Việt Nam còn chưa tốt. Đến ngã tư đèn đỏ mà không thấy công an thì vô tư vượt, hoặc nếu thấy ai vượt đèn đỏ thì mình cũng vượt theo, nếu một người nào đó dừng lại thì những người khác cũng dừng lại! Khi kẹt xe thì tranh giành, chen lấn để vượt thậm chí cả đi ngược chiều, hè đường dành cho người đi bộ... Khi dừng đèn đỏ, đèn chưa bật xanh hay mới bật xanh mà đã bấm còi inh ỏi, trong khi phía trước quá nhiều xe đang bắt đầu lăn bánh, người phía trước ai cũng cần đi, đâu có ai ngủ gật mà bấm còi? Tính cộng đồng chưa được phát huy trong khi tham gia giao thông.
Có người nói: "Muốn biết trình độ văn hóa, văn minh của một nước, hãy ra đường". Nghĩ lại thấy rất đúng, mỗi khi ra đường gặp kẹt xe bạn sẽ biết. Người thì chạy lên lề, người thì cố chạy ngược chiều, người thì bấm còi inh ỏi. Có một tác giả viết: "Tôi thấy chúng ta hãy học tập ở con kiến, dù chúng có đông đến đâu, tổ kiến có nhỏ đến đâu, đường đi có dài, có đi vòng hay khó khăn như thế nào đi chăng nữa, nếu chúng vẫn chịu khó xếp hàng lần lượt một để đi. Nếu chúng ta cũng làm vậy thì nạn kẹt xe sẽ giảm rất nhiều, càng muốn đi vội, càng lấn thì hóa ra chúng ta càng làm khổ chúng ta, vì ai cũng như ta vậy, khi đó những thứ rắc rối khó chịu đó sẽ quay lại và chúng ta sẽ là người nhận hết những thứ mà chúng ta gây ra, từ rác hôi thối, ồn, kẹt xe trễ giờ làm việc...".
Văn hóa giao thông là hành vi ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông bằng hành vi xử sự đúng quy định của pháp luật, từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên, nhường nhịn người già và trẻ em, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng. |
Những nội dung bao hàm trong văn hóa giao thông, tuy bây giờ, cùng với sự phát triển của xã hội, đã mang nhiều màu sắc hơn, đa dạng hơn, nhưng trong tiềm thức của mọi người không phải là chưa từng có. Người Hà Nội xưa, đang đi trên đường bắt gặp xe đưa tang đều dừng xe, xuống xe, ngả mũ thể hiện sự chia sẻ với gia quyến cũng như thái độ tôn trọng, kính cẩn đối với người đã khuất. Hà Nội thời "bao cấp", lên xe điện hay các phương tiện giao thông công cộng khác thì người già, phụ nữ và trẻ em, cứ theo thứ tự đó mà ưu tiên, khỏi phải thắc mắc. Ngay cả cái việc đơn giản nhất như xếp hàng thì người ta vẫn tôn trọng nhau như là một cách thể hiện trình độ văn hóa rất cao, dù nhiều khi chỉ là một... viên gạch.
Bốn là, tổ chức tuyên truyền văn hóa giao thông, bằng nhiều hình thức đến mọi tầng lớp nhân dân.
Ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp các cấp, các ngành triển khai kế hoạch tuyên truyền mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân về thực hiện nếp sống văn hóa đi đường. Để xây dựng thành công nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông, một mặt cần xuất phát từ ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Mặt khác, phải phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng khi tham gia giao thông.
Chưa bao giờ ATGT lại được quan tâm chú ý nhiều như những ngày đầu tháng 9/2009 này. Đến đâu người ta cũng bắt gặp các biểu ngữ, thông tin liên quan đến sự kiện Tháng An toàn giao thông với chủ đề "Văn hóa ứng xử trong tham gia giao thông". Vẫn biết vấn đề lớn của xã hội khó có thể được giải quyết trong thời gian ngắn như vậy, nhưng một khi nhận được sự đồng thuận của xã hội, mọi người, mọi nhà có ý thức xây dựng văn hóa giao thông thì một kết quả khả quan hơn là điều hoàn toàn có thể nghĩ đến.
Với những hoạt động tương đối rộng khắp và toàn diện như thời gian qua, có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, đi kèm là việc kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm trật tự ATGT đã có tác động nhất định đến ý thức người tham gia giao thông. Một số mặt công tác, nhất là công tác xử lý vi phạm trật tự ATGT đã đạt được kết quả cao hơn so với chỉ tiêu, yêu cầu. Song nếu nói rằng, văn hóa giao thông đã được hình thành thì có phần chủ quan.
Nói như vậy để thấy, sự xuất hiện và tồn tại của văn hóa trong giao thông hay như trong nhiều lĩnh vực khác phải xuất phát từ sự tồn tại trong ý thức con người, ở hành vi ứng xử văn hóa trước đã, chứ khó mà cứ đổ lỗi mãi cho cái gọi là kinh tế thị trường như bấy lâu nay người ta vẫn "hào phóng" ban cho nó. Bởi thế, phải khẳng định ngay rằng, việc phát động và cơ bản đã giành được sự quan tâm nhất định để tái xây dựng văn hóa ứng xử trong tham gia giao thông tại các đô thị lớn đến thời điểm này, vào lúc này là vô cùng cần thiết./.
(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)