Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 9/8/2009 23:16'(GMT+7)

Cần quảng bá, phát huy giá trị di sản Mộc bản Triều Nguyễn

Tư liệu quí giá về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật

Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá về Huế Phan Thuận An, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về Mộc bản Triều Nguyễn bày tỏ sự phấn khởi khi Mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới.

Về Mộc bản Triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết: Mộc bản triều Nguyễn chính là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán và chữ Nôm (chữ khắc ngược) dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi trong công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc đối với người dân. Đó cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc dã…

"Mộc bản có giá trị lịch sử và văn hoá ở chỗ nó chứa đựng nhiều nội dung hàng trăm cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực như: Lịch sử, địa lý, chính trị- xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn học... Bộ Mộc bản Triều Nguyễn có nhiều cuốn sách quí như: Đại Nam thực lực, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử, Thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ... Ngoài giá trị lịch sử, văn hoá, Mộc bản Triều Nguyễn còn có giá trị nghệ thuật. Nhìn vào đây người ta có thể biết được tài nghệ điêu khắc, chạm trổ của người thợ thủ công ngày xưa của VN"- Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nói.

Theo các nhà nghiên cứu, loại gỗ phổ biến nhất dùng làm ván khắc là gỗ thị. Loại gỗ này có ưu điểm là dai, mềm và mịn, khó bị nứt nẻ nên chữ khắc trên đó sẽ không bị lệch. Còn sách Đại Nam nhất thống chí thì ghi, mộc bản còn được chế tác từ “cây nha đồng, tục danh là sống mật, sớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi”.

Hiện nay, còn 34.555 tấm Mộc bản Triều Nguyễn còn lưu giữ được ở Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 đóng tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây là những ghi chép chính văn và chính sử cũng như các pho sách cổ, chủ yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong giai đoạn 1802-1945.

Khi xem xét hồ sơ về Mộc bản Triều Nguyễn, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao giá trị của di sản này và khẳng định: “Giá trị của mộc bản mang tính văn bản và nghệ thuật. Hơn thế, kỹ thuật làm mộc bản đại diện một dấu mốc trong sự phát triển nghề khắc in mộc bản ở VN. Chính tầm quan trọng và giá trị to lớn của nó đã khiến chính quyền phong kiến có sự quan tâm đáng kể trong việc bảo tồn những văn bản này thời gian dài”.

Sẽ có một khu trưng bày phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn tại Hà Nội

Theo Thạc sĩ Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 4, các bản gốc Mộc bản Triều Nguyễn được bảo quản trong một kho chuyên dụng được trang bị hiện đại nhất nước nhằm tăng tuổi thọ của các tài liệu này. Kho chuyên dụng này có công suất chứa khoảng 5.000 mét các giá tài liệu với hệ thống điều hòa trung tâm, phòng chống đột nhập, phòng cháy chữa cháy tự động…


Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO bắt đầu từ năm 1997, đến nay đã có 193 di sản được công nhận. Mục đích của chương trình là để bảo tồn và giới thiệu các di sản tư liệu độc đáo, giá trị và đang bị đe doạ trên toàn thế giới. Mộc bản Triều Nguyễn là di sản đầu tiên của VN nằm trong danh mục này.

Hiện Việt Nam đang lập hồ sơ đề cử cho 2 di sản tư liệu quý là: Bia tiến sỹ Văn Miếu và bản thảo Vừa đi đường vừa kể chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Chương trình Ký ức thế giới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc Mộc bản Triều Nguyễn được vinh danh là một tin vui, giúp chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc hoàn chỉnh các hồ sơ tiếp theo đề cử là di sản tư liệu thế giới.

Hiện nay toàn bộ tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn đã được in ra giấy dó rồi hệ thống hóa, tổng hợp được 152 đầu sách thuộc ba nhóm chính: chính sử triều Nguyễn, tác phẩm văn chương và sách kinh điển của các nhà Nho dùng để dạy và học. Trung tâm lưu trữ cũng đã ghi hết các tài liệu vào CD-Rom, ghi lại bản rập các tài liệu mộc bản triều Nguyễn. Chương trình quản lý tài liệu được xây dựng và nạp vào máy tính để thuận lợi cho việc tra cứu một cách có hệ thống và in sao dễ dàng.

Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 cũng đã xuất bản cuốn sách “Mộc bản triều Nguyễn - đề mục tổng quan” để công bố, giới thiệu toàn bộ tài liệu quý hiếm này và đưa phiên bản mộc bản ra trưng bày tại khu trưng bày tại Trung tâm (số 2 Yết Kiêu (Đà Lạt)- khu Biệt điện Trần Lệ Xuân cũ), phục vụ du khách và các nhà nghiên cứu và thăm quan, tìm hiểu.

"Chúng tôi đang dự định làm phim giới thiệu toàn bộ lịch sử của khối tài liêu này. Ngoài ra, chúng tôi cũng suy nghĩ tới hướng xây dựng một khu trưng bày phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn tại Hà Nội, phục vụ nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế khi muốn tìm hiểu về di sản quí giá này"- bà Phạm Thị Huệ cho biết./.

Trường Thành

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất