Hiện nay, hầu hết các đơn vị nghệ thuật trên cả nước đã và đang ráo riết chọn lựa kịch bản, đạo diễn thực hiện vở diễn tham gia. Tuy mới chỉ là bước khởi đầu, chuẩn bị hội diễn, nhưng những gì đang diễn ra đã gợi cho những ai quan tâm đến sân khấu nhiều điều phải suy nghĩ. Tại sao?
1. “Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009” là cơ hội cho các nghệ sĩ, đạo diễn và cả đơn vị nghệ thuật khẳng định tài năng, sự thăng hoa trong nghệ thuật. Chính ý nghĩa, mục đích ấy mà nhiều đơn vị nghệ thuật đã không ngần ngại chi đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, để dàn dựng vở diễn tham gia. Nếu như tất cả các đơn vị đều dày công đầu tư, nghệ sĩ miệt mài sáng tạo lao động nghệ thuật nghiêm túc, thì hội diễn sẽ mang đến cho công chúng nhiều tác phẩm hay.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có những ý kiến e ngại, cho rằng đây sẽ là “cơ hội” xài tiền của một số đơn vị nghệ thuật, dàn dựng những vở diễn hoành tráng để... không chịu thua ai, nhưng hậu hội diễn thì lại không diễn được mấy suất, bởi mỗi lần quy tụ diễn viên hay tổ chức lưu diễn đều gặp khó khăn. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, tâm sự trước thềm hội diễn rằng: “Trong mùa hội diễn này, điều quan trọng nhất là các đơn vị nghệ thuật mang đến ngày hội của những người làm sân khấu, tác phẩm có “đời sống” như thế nào? Đó là điều rất đáng quan tâm!”.
2. Hiện nay, mặc dù đang trong thời gian chuẩn bị cho hội diễn, nhưng có những thông tin khiến cho giới sân khấu phải giật mình nhìn lại. Trong quy định của hội diễn có ra “tối hậu thư”, một đạo diễn chỉ được dàn dựng mỗi thể loại tối đa 3 vở diễn. Thế nhưng, có những đạo diễn được đến cả chục đơn vị nghệ thuật săn đón, mời gọi. Chẳng hạn như trường hợp của đạo diễn, NSƯT Trần Ngọc Giàu của TPHCM. Trước những lời mời này, đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết: “Tôi ưu tiên dàn dựng cho các đơn vị nghệ thuật ở TPHCM, còn ở các tỉnh, thành khác, tôi chỉ chọn dựng từ 1 đến 3 vở”. Được các đơn vị nghệ thuật săn đón nhiều là điều hạnh phúc cho một đạo diễn, nhưng sau niềm vui ấy, NSƯT Trần Ngọc Giàu lại ưu tư: “Điều này chứng tỏ rằng, các đạo diễn trẻ chưa đủ sức tạo sự tin cậy cho các đơn vị nghệ thuật…”. Với một nền sân khấu, mỗi khi đến kỳ tranh tài, nhiều đơn vị nghệ thuật lại cứ trông chờ vào tài năng, tay nghề của những người “cũ”: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSƯT Trần Ngọc Giàu, NSƯT Hoa Hạ… thì quả tình đáng lo hơn đáng mừng là lẽ tất nhiên!
3. Vậy phải chăng sân khấu Việt Nam nói chung và sân khấu TPHCM nói riêng đang hụt hẫng thế hệ đạo diễn trẻ kế thừa? Tại Liên hoan đạo diễn trẻ sân khấu toàn quốc năm 2007, tổ chức tại TPHCM, đã có một số gương mặt đạo diễn trẻ mang đến niềm tin cho nhiều người. Nói như đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng giám khảo của liên hoan: “Nếu như trước đây, tôi và nhiều đạo diễn tên tuổi khác ngoảnh lại phía sau không thấy các gương mặt đạo diễn trẻ thì nay đã tạm yên lòng, bởi đã có đâu đó bóng dáng của những người trẻ kế thừa…”.
Vậy tại sao, trước thềm “Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009” lại ít có gương mặt đạo diễn trẻ được các đơn vị nghệ thuật săn đón, mời dàn dựng? Đơn giản một điều, không ít đơn vị quan niệm, hội diễn là một sân chơi lớn, không thể mạo hiểm, phải chọn mặt gởi vàng. Theo nghệ sĩ Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: “Lúc đầu, tôi định giao vở diễn “Cổ tích thời hiện đại” cho đạo diễn trẻ Quốc Kiệt dàn dựng. Nhưng kỳ hội diễn này diễn ra ngay tại “sân nhà”, tôi phải thận trọng hơn, mời NSƯT Trần Ngọc Giàu, người từng dựng thành công vở Rồng phượng cho nhà hát ở hội diễn lần trước thực hiện cho chắc, đỡ phải lo lắng nhiều…”.
Rõ ràng, với sự “quá thận trọng” kiểu như thế của nhiều đơn vị nghệ thuật, đã vô hình trung góp phần dập tắt ngọn lửa le lói của không ít đạo diễn trẻ! Ở một “sân chơi lớn” là hội diễn lại ít có đạo diễn trẻ được đua tài cùng những đạo diễn lão luyện thì biết khi nào người trẻ mới “trưởng thành”. Đây cũng là điều thật đáng phải suy ngẫm!
Theo VÂN AN-SGGP