Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 2/4/2012 21:41'(GMT+7)

Nghiên cứu, xác minh tư liệu và giá trị di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang

Lán Nà Lừa (Tuyên Quang) - một trong những địa điểm Bác Hồ đã ở và làm việc.

Lán Nà Lừa (Tuyên Quang) - một trong những địa điểm Bác Hồ đã ở và làm việc.

Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang (2/4/1947- 2/4/2012) lãnh đạo nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 2/4/2012, tại Tuyên Quang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, xác minh tư liệu và giá trị di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang’’.

42 bản tham luận và các ý kiến thảo luận, phát biểu tại Hội thảo đã tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề chính:

Thứ nhất: Bối cảnh, nội dung, vai trò và ý nghĩa lịch sử của các sự kiện liên quan đến lãnh tụ Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang, giai đoạn tiền khởi nghĩa.

Các tham luận đã làm rõ hơn, chi tiết hơn các sự kiện lịch sử quan trọng; những quyết định mang ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang. Đó là, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp quyết định chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, Quốc dân Đại hội Tân Trào thể hiện quyết tâm hưởng ứng chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời chuyển đất, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai: Vai trò và ý nghĩa lịch sử của các sự kiện liên quan đến lãnh tụ Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947- 1954)

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (tháng 12/1946), Trung ương chủ trương chọn một số địa bàn thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn xây dựng Khu an toàn (ATK) để đặt các cơ quan Trung ương lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tuyên Quang trở thành Trung tâm An toàn khu của Trung ương - Thủ đô kháng chiến. Từ năm 1947 đến năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não kháng chiến: Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội… cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như: Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt… đã đặt trụ sở làm việc ở nhiều nơi trên đất Tuyên Quang. Với vị thế đó, Tuyên Quang là nơi diễn ra các sự kiện lịch sử, nơi ra đời những chủ trương, đường lối, quyết định quan trọng nhất đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc nhiều năm nhất tại Việt Bắc ( heo đồng chí Tạ Quang Chiến, lão thành cách mạng, người vinh dự được phục vụ Bác Hồ trong suốt thời kỳ kháng chiến thì Bác Hồ sống và làm việc tại gần 30 địa điểm, với thời gian là 5 năm 11 tháng 25 ngày trên đất Tuyên Quang), nơi Trung ương, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và 65 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương (trong đó có 13/14 bộ và cơ quan ngang bộ) đặt trụ sở làm việc tại 146 địa điểm trên địa bàn toàn tỉnh, gắn với nhiều quyết định quan trọng nhất của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội… Với ý nghĩa đó, các tham luận đã làm rõ tư tưởng chiến lược của Trung ương Đảng, Bác Hồ về xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng ATK Trung ương trong kháng chiến; địa điểm, thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc, chủ trì, tham dự nhiều đại hội, hội nghị quan trọng và đưa ra các quyết sách lớn của cách mạng Việt Nam như: Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Đại hội liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất; Hội nghị Trung ương 6 khóa II mở rộng; Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa I…Đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tổ chức tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, đây là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước, là đại hội duy nhất cho đến nay được tổ chức ở địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội.

Thứ ba: Thảo luận, thống nhất sử dụng tư liệu trong công tác nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và bảo tồn phát huy giá trị các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang.

Thông qua các tham luận của các nhà khoa học, các vị đại biểu và các nhân chứng lịch sử phát biểu tại Hội thảo, 32 di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 8 di tích thời kỳ tiền khởi nghĩa, 16 di tích thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và 8 di tích thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở Tuyên Quang đã được khẳng định. Tuy số lượng di tích không nhiều, nhưng đa dạng về loại hình và chứa đựng nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng quyết định đến vận mệnh của cả dân tộc. Quan trọng hơn cả, những di tích này giúp chúng ta hình dung ra những khó khăn, những vất vả, những thiếu thốn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trải ở chiến khu, ở Thủ đô kháng chiến, thấy được cuộc sống thường nhật giản dị nhưng thanh tao, đạm bạc nhưng giàu lòng nhân ái, vị tha, vui vẻ của Bác và quyết tâm, nghị lực phi thường của một bậc thiên tài hiếm có trong lịch sử.

Với gần 500 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, trong đó có những di tích đặc biệt như: Lán Nà Lừa, đình Tân Trào, lán Hang Bòng, cây đa Tân Trào, di tích Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, khu di tích hầm bí mật, an toàn của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ ở Kim Quan, di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình… Tuyên Quang gắn với những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc, chứa đựng các giá trị về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cùng các giá trị về nghệ thuật chỉ đạo quân sự tài tình của Đảng, Bác Hồ. Đặc biệt là có nhiều di tích khắc ghi đậm nét hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại Tuyên Quang, chính là những di sản văn hóa vô cùng quý giá mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang có may mắn vinh dự thay mặt nhân dân cả nước giữ gìn và phát huy giá trị cho hôm nay và mai sau.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều khẳng định rằng: Những di tích lịch sử trên địa bàn Tuyên Quang, đặc biệt là các di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được Trung ương Đảng, Chính phủ đánh giá là hệ thống di tích lịch sử cách mạng “quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX’’, đã và đang được đầu tư, tôn tạo, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vùng căn cứ kháng chiến, đó là sự đánh giá cao về vị thế, những đóng góp to lớn của Tuyên Quang trong cách mạng, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương dành cho vùng chiến khu xưa.

Để những giá trị lịch sử mãi mãi trường tồn cùng các giai đoạn cách mạng của dân tộc, hội thảo khoa học này là hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực, nhằm ôn lại những truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc; làm sáng tỏ thêm những giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của những sự kiện gắn liền với những di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang. Đồng thời, phát huy những giá trị to lớn ấy trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh đưa sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đến thắng lợi./.

Thái Thu Hà
Bảo tàng Hồ Chí Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất