Thứ Hai, 7/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 15/10/2009 13:48'(GMT+7)

Hoàn thiện hơn nữa cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” về chương trình cải cách hành chính đến với đời sống của nhân dân

Thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn II (2006-2010). Năm 2009 tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và toàn diện chương trình tổng thể cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trên các lĩnh vực mang tính dịch vụ công đến đời sống của nhân dân. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 18/18 sở, ban ngành thuộc tỉnh, 16/16 huyện, thị xã, thành phố và 191/219 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”.

Sau một thời gian triển khai đồng bộ cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh, nhìn chung hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp đã được nâng lên một bước về chất lượng, quy trình giải quyết công việc được công khai minh bạch, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị được sắp xếp theo hướng đơn giản, gọn nhẹ; quy trình làm việc đổi mới hợp lý, khoa học đã góp phần tiết kiệm thời gian, giảm phiền hà cho công dân, tổ chức khi đến liên hệ công tác, giao dịch. Kết quả giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” bình quân đạt khoảng 85-90% đối với các sở, ban ngành thuộc tỉnh và đạt khoảng 75-80% đúng hẹn đối với cấp huyện.

Trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông”, tỉnh Gia Lai đã triển khai thí điểm trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, khắc dấu, đăng ký mã số thuế tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; cho thuê đất và khai thác khoáng sản tại Sở Tài nguyên và Môi trường; cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc con dấu cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp; giải quyết chế độ chính sách tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; đồng thời cũng thực hiện trong giải quyết đất đai, xây dựng, chính sách xã hội tại một số xã của huyện Chư Pah, Đức Cơ và Kbang.

Bộ phận "một cửa" của huyện Krông Pa


Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong quá trình thực hiện cải cách hành chính nhà nước giai đoạn II tỉnh Gia Lai, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong khâu bố trí cán bộ làm công tác chuyên trách tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các sở, ban ngành, địa phương. Tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính vẫn còn chậm, mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, bộ phận trong quy trình giải quyết hồ sơ liên quanh đến nhiều ngành, nhiều cấp chưa được quy định rõ ràng, thiếu đồng bộ- nhất là các công việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, đăng ký đầu tư...

Trên thực tế hiện nay, tình trạng cán bộ làm kiêm nhiệm cải cách hành chính vẫn diễn ra tại hầu hết các cơ quan, đơn vị; việc chi trả chế độ phụ cấp dành cho cán bộ-công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” tại một số huyện, xã vẫn chưa thực hiện được vì thiếu nguồn kinh phí, vẫn còn tồn tại tình trạng cán bộ bán chuyên trách làm công tác văn thư-lưu trữ cấp xã vẫn phải trực sáng thứ bảy và làm việc cả ngày tại bộ phận “một cửa” nhưng vẫn chỉ được hưởng mức lương tối thiểu.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước, từ nay đến hết năm 2009, tỉnh Gia Lai tiếp tục rà soát, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch cải cách hành chính năm 2009 của tỉnh, Trung ương đã đề ra; xác định nhiệm vụ trọng tâm trong việc tiếp tục thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ; sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện còn lại theo Nghị định 13/2008/NĐ-CP, Nghị định 14/2008/NĐ-CP; đồng thời tiếp tục giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế, tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công./.

Nguyễn Diệp - Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất