Ngoài 75 tuổi, mê công tác xã hội, nhiệt tình, ấm áp với mọi người, phương tiện di chuyển duy nhất là… xe ôm, hàng tháng bỏ ra gần triệu đồng đi xe ôm để lo chuyện mà người ta vẫn gọi là bao đồng. Thật trùng hợp, 2 người phụ nữ mà chúng tôi vô tình được gặp đều chưa lần nào được đứng trên bục tuyên dương như một điển hình học tập và làm theo lời Bác. Nhưng cách họ sống, họ nghĩ, họ làm đã chứng tỏ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thấm nhuần trong họ, tự nhiên như hơi thở mỗi ngày.
1. “Mận ơi, đi làm cách mạng để mai mốt có được cái vòi nước máy mà rửa mặt!
- Vòi nước máy là cái gì hả anh?
- Là cái vòi có rất nhiều nước ngọt, khi mở ra thì nước bắn lên trời…
Nói xong, anh bộ đội thoáng mỉm cười”.
Và Mận tin! Ở vùng đất mà Mận và mọi người vừa tản cư đến, trâu, bò, heo, chó, mèo và con người đều phải tắm chung một vũng. Trong hoàn cảnh đó, vào thời điểm đó, nước mát, nước sạch đồng nghĩa với ước mơ niềm mơ về một cuộc sống hạnh phúc.
Ngồi nhớ lại những kỷ niệm hồi mới theo kháng chiến, bà Đỗ Thị Mận không giấu được nụ cười: “Cháu xem, hồi đó anh bộ đội nói như vậy mà tôi rất tin là sẽ có ngày mình được thấy một cái vòi nước tuyệt vời như vậy, một cuộc sống đầy đủ và ấm no như vậy nên quyết lòng theo cách mạng. Mới 12 tuổi, tôi đã theo mẹ đi làm liên lạc.
Trong nhà, mẹ tôi đào 3 cái hầm để nuôi giấu cán bộ. Một lần hầm bị lộ, giặc ập đến, xả súng vào 3 mẹ con. Mẹ và em gái tôi hy sinh. Bản thân tôi thì thoát ly theo cách mạng”. 25 năm làm cách mạng, được nhận Huân chương Kháng chiến hạng ba thời chống Pháp, Huân chương Kháng chiến hạng nhất thời chống Mỹ, ngày hòa bình lập lại, đến tuổi về hưu, bà dọn về sống ở khu phố 2, phường Bình An và được bà con khu phố tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Cho đến nay, thâm niên giữ “chức vụ” tổ trưởng của bà đã được gần chục năm. Thành tích gần đây nhất mà tổ 30 của bà đạt được là trở thành tổ dân phố có mức đóng góp các loại quỹ theo quy định cao nhất phường.
Nói theo Bí thư phường Bình An, quận 2 Đặng Trung Thiên, tổ của bà Mận không thuộc khu vực có nhiều gia đình giàu có. Tuy nhiên, chính nhờ bà con mến thương và nể bà tổ trưởng nhiệt tình nên sẵn lòng chấp hành các quy định của nhà nước cũng như tham gia các phong trào ở địa phương. Lý giải về điều này, bà cười giản dị: “Nếu nói là khéo thì tôi không khéo. Tôi chỉ nhận mình có cái thành thật và nhiệt tình. Bà con trong tổ hễ ai có ốm đau là tôi đi thăm. Nhà nào có đám tiệc, ma chay, cưới hỏi tôi cũng đến dự. Nhà nào phải đi làm suốt ngày mà cần phải chứng giấy tờ gấp, tôi đi làm giùm. Nhà nào gây gổ, bất hòa thì tôi hòa giải. Cho nên đến khi địa phương cần gì, tôi nói bà con đều nghe”.
76 tuổi, mắt không còn tinh, chân không còn khỏe, mỗi lần có việc phải đi chứng giấy tờ hay cần lên UBND quận, phường, bà đều phải nhờ mối xe ôm ở đầu hẻm chở đi. Tiền xe ôm được thu vén từ tiền trợ cấp thương binh của bà hàng tháng. Thật bất ngờ khi biết được rằng chồng bà từng là Chủ tịch UBND TP Hải Phòng rồi Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang nhưng bà vẫn sống trong căn nhà rất đỗi bình thường, nếu không muốn nói là đã ít nhiều xuống cấp.
Cũng thật bất ngờ khi biết được hàng ngày, người phụ nữ 76 tuổi ấy vẫn phải cơm nước, coi sóc nhà cửa, chăm sóc, lo lắng cho đứa cháu nội mồ côi bố. Mấy năm nay, chồng rồi con trai bà lần lượt ra đi, bỏ lại bà trong căn nhà vắng. Bà tâm sự: “Hồi trước, tôi đi làm chuyện xã hội thì đã có ông ấy ở nhà luộc rau, nấu cơm giúp tôi. Từ ngày ông ấy mất, tôi như mất đi một điểm tựa. Hôm rồi họp tổ dân phố, tôi cũng có ý định rút nhưng các bác trong tổ không cho. Họ bảo rằng chừng nào tôi chết họ mới không bầu tôi làm nữa. Bà con đã tin tưởng mà nói vậy, mình là đảng viên làm sao mà từ chối được. 50 năm theo Đảng, nghĩ điều gì, làm việc gì, tôi cũng đều nghĩ phải làm sao cho Đảng không phải bận lòng về mình. Học theo Bác, làm một đảng viên tốt, theo tôi cũng đồng nghĩa với việc sống sao cho tử tế với cuộc đời, với mọi người, vậy thôi!...”.
|
Bà Nguyễn Thị Thảo. |
2.
Đã hơn 10 giờ đêm mà điện thoại di động của bà tổ trưởng Nguyễn Thị Thảo, năm nay 75 tuổi vẫn còn réo vang. Từ ngày chấp nhận di dời khỏi phường Thủ Thiêm, quận 2 để bàn giao mặt bằng cho dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bà Thảo ở nhờ nhà người bà con trong thời gian chờ nền đất tái định cư. Vì thế, chuyện nhận điện thoại vào lúc nửa đêm cũng hơi bị khó. Vậy là bà sắm cái điện thoại di động.
Nội dung của cuộc điện thoại đêm khuya hôm nay là về một vụ gây gổ giành tiền bồi thường hỗ trợ bổ sung của mấy anh em trong một gia đình. Sáng hôm sau, bà Thảo dậy sớm gọi điện thoại cho anh xe ôm là mối quen sang chở bà về quận 2. Tới nơi, bà giải thích, phân tích thiệt hơn cho mấy anh em nghe. Làm công tác tư tưởng gần hết buổi sáng, bà cũng thành công. Buổi chiều hôm đó, gia đình nọ quyết định lên ngay ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận để nhận tiền và chia nhau trong hòa bình. Còn bà Thảo thì tới ăn cơm trưa với mấy chị trong hội phụ nữ, hội nông dân phường để chờ đến chiều đi xác minh, chứng nhận nguồn gốc đất cho những hộ còn chưa di dời.
Bà con ở tổ 41 ấp Cây Bàng 3, phường Thủ Thiêm, quận 2 vẫn nói đùa với nhau bà là tổ trưởng “tuy mất nhà mà chưa mất chức”. Số là mặc dù đã di dời khỏi địa bàn quận 2 hơn nửa năm nay nhưng vì bà là người sống trên đất Thủ Thiêm lâu đời, lại có thời gian làm tổ trưởng tổ dân phố trên 15 năm nên hễ có chuyện gì gút mắc ở địa phương, bà con vẫn có thói quen bấm máy gọi bà tổ trưởng.
Bây giờ mỗi tuần 3 bận, bà Thảo lại đi xe ôm từ quận 11 về ấp Cây Bàng để chứng giấy tờ, xác nhận cho bà con để tiến độ di dời, giải tỏa được nhanh hơn. Mỗi lần đi về mất 70.000 đồng tiền xe . Vị chi mỗi tháng hết 840.000 đồng tiền xe ôm. “Nhà nước cho tui mỗi tháng 2,5 triệu đồng tiền tạm cư để đi thuê nhà ở, chờ khu tái định cư Nam Rạch Chiếc hoàn thành. Tui ở nhà bà con, vậy nên không phải xài tới tiền đó. Chừng nào bà con ở đây còn cần, còn chưa di dời hết thì tui còn về”./.
(Theo: Mai Hương/SGGP)