Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng ủy thị trấn Thanh Lãng xác định: Việc xóa bỏ tập tục làm, ăn “cỗ đám ma” là một trong những đột phá để xây dựng nếp sống văn minh của địa phương và nếp sống văn hóa ở mỗi gia đình.
Hơn mười năm trở lại đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhất là khai thác thế mạnh của nghề mộc truyền thống nên thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) ngày càng trở nên giàu có. Tháng 4-2007, xã được nâng cấp lên thành thị trấn. Tuy nhiên, ở địa phương này từ lâu đã tồn tại một tập tục là ăn “cỗ đám ma” đông người. Khi gia đình có người thân mất, những người đến viếng đều được gia chủ mời ở lại ăn uống ngay sau khi làm lễ phúng viếng người quá cố. Gia đình nào ít thì cũng làm vài ba chục mâm cỗ, gia đình nào tổ to họ lớn và nhiều mối quan hệ xã hội thì phải làm sáu, bảy chục mâm, thậm chí có nhà làm tới trăm mâm cỗ. Cũng có người dân đã ý thức được việc ăn “cỗ đám ma” vừa rườm rà, lãng phí, vừa làm gia đình tang chủ thêm bối rối, nhưng đây là một tập tục tồn tại lâu đời ở địa phương, nên không ai dám tiên phong xóa bỏ vì rất sợ những “lời ra tiếng vào” của dân làng.
Khi triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng ủy thị trấn Thanh Lãng xác định: Việc xóa bỏ tập tục làm, ăn “cỗ đám ma” là một trong những đột phá để xây dựng nếp sống văn minh của địa phương và nếp sống văn hóa ở mỗi gia đình. Đầu năm 2009, Đảng ủy thị trấn đã ra chỉ thị yêu cầu 100% đảng viên, cán bộ, công chức, giáo viên ở địa phương phải chấp hành nghiêm việc tổ chức tang lễ cho thân nhân quá cố của mình bảo đảm thành kính, tôn nghiêm, nhưng phải triệt để tiết kiệm và không được tổ chức ăn uống tại gia đình. Để làm gương, đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng ủy, UBND, HĐND, mặt trận, các đoàn thể, ban, ngành địa phương, nhà trường tiên phong thực hiện trước tại gia đình nội, ngoại nhà mình để làm gương cho nhân dân học tập. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống loa truyền thanh được bố trí rộng khắp ở 13 khu phố, đài truyền thanh thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động để bà con nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc tổ chức tang lễ lành mạnh, tiết kiệm theo nếp sống văn hóa mới. Với một đảng bộ có lực lượng gần 300 đảng viên sinh hoạt ở 20 chi bộ (gồm 6 chi bộ trường học, 1 chi bộ khối cơ quan thị trấn, 1 chi bộ quân sự-công an, 1 chi bộ y tế và 11 chi bộ khu dân phố), thị trấn Thanh Lãng đã phát huy được vai trò nòng cốt của đội ngũ này trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ theo đúng phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Chính vì vậy, từ năm 2009 đến nay, hầu hết các gia đình ở thị trấn Thanh Lãng đã xóa bỏ được tập tục làm “cỗ đám ma” cho đông người ăn. Khi nhà có người thân qua đời chỉ làm không quá 10 mâm cỗ trong nội bộ gia đình, chứ không làm cỗ tràn lan rồi mời mọc, “lôi kéo” khách đến phúng viếng ở lại ăn uống như trước đây.
Sau khi xóa bỏ được hủ tục “cỗ đám ma” trong tang lễ, thị trấn Thanh Lãng đang đẩy mạnh việc nếp sống văn minh trong tổ chức đám cưới. Nói về đến vấn đề này, ông Nguyễn Huy Sương, Phó trưởng ban văn hóa- xã hội thị trấn Thanh Lãng cho biết: - UBND thị trấn yêu cầu các đảng viên, cán bộ gương mẫu thực hiện việc tổ chức lễ cưới cho con em mình theo hướng gọn nhẹ, giản dị, tiết kiệm và thực hiện “bốn không” là: Không phô trương hình thức, không mời nhiều khách, không tổ chức linh đình, không ăn uống nhiều ngày, lãng phí. Cùng với việc đẩy mạnh vận động, giáo dục, tuyên truyền, các cấp ủy, chi bộ và khu dân phố tích cực giám sát, kiểm tra việc thực hiện của mỗi đảng viên và kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở những trường hợp vi phạm quy định, nếu ai tái phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm túc./.
(Theo: Thiện Văn/QĐND)